Doanh nghiệp muốn được việc phải 'đi đêm, bôi trơn, chung chi'

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân đã cho biết như vậy khi phát biểu tại hội nghị 'Đồng hành cùng doanh nghiệp' sáng 17/5.

Ông Nguyễn Văn Thân.

Tại hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ hai năm 2017, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân đã có bài tham luận về vấn đề chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, vị này cho biết, dù đã có nhiều cải cách nhưng doanh nghiệp vẫn chịu nhiều gánh nặng cả về chi phí chính thức và không chính thức.

Về chi phí chính thức, ông Thân cho biết, kết quả cải cách thủ tục hành chính và thể chế đã giúp giảm nhiều chi phí chính thức, nhất là trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp làm tăng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Chi phí tiếp cận một số dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, tiếp cận tín dụng… chưa có sự cải thiện.

Trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp thường xuyên bị kiểm tra như thuế, hải quan, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy…, doanh nghiệp còn phải chi các khoản không chính thức. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Đề cập tới nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc doanh nghiệp phải chi nhiều khoản không chính thức, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng chủ yếu xuất phất từ phía các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân từ doanh nghiệp.

Cụ thể, theo vị này, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn là khâu yếu nhất, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết mà tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

“Do đó, doanh nghiệp phải ‘đi đêm’, ‘chung chi’, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. Doanh nghiệp hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm”, ông Thân nói.

Về phía doanh nghiệp, theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, do một bộ phận doanh nghiệp do nhận thức không đúng nền kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh, thiếu đạo đức kinh doanh nên đã chạy theo kiểu kinh doanh bằng “quan hệ” để thay thế cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh, nên đã chủ động “ đi đêm” “chi ngầm” để có được lợi thế trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do bị sức ép “đòi hỏi” từ phía, công chức, viên chức nên buộc phải chi để được việc. Mặc dù doanh nghiệp cũng nhận thức được việc làm đó là không chính đáng, thậm chí còn vi phạm pháp luật nhưng vì sự tồn tại, vì để có công ăn việc làm nên họ phải miễn cưỡng thực hiện.

Chính vì thế, theo lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, để khắc phục vấn đề này, rất cần sự nỗ lực chung tay và thực tâm từ cả hai phía cơ quan, công chức, viên chức nhà nước và doanh nhân, doanh nghiệp.

“Nếu các chi phí không chính thức không được đẩy lùi, sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, chán chường, nản chí kinh doanh, bóp méo tư tưởng cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, làm hỏng bộ máy, giảm niềm tin của nhân dân”, ông Thân nói.

Ngoài ra, ông Thân cũng cho biết, hiện nước ta đang tồn tại 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,7 triệu hộ có đăng ký và 77% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam đi lên từ hộ kinh doanh. Nên các hộ kinh doanh cần được đối xử bình đẳng như với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Muốn hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, phải có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để họ thấy việc chuyển đổi có lợi ích lâu dài. Hiêp hội đề nghị Thủ tướng giao Hiệp hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Cuối bài phát biểu, ông Thân nhấn mạnh, Hiệp hội tin tưởng rằng tới năm 2020, chúng ta sẽ đạt mục tiêu, kế hoạch kinh tế-xã hội đã đề ra, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-muon-duoc-viec-phai-di-dem-boi-tron-chung-chi-2774520.html