Doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ: Gánh nợ được bao lâu?

Việc mua lại cổ phiếu quỹ không có gì là mới và trong hầu hết các trường hợp, doanh nghiệp sẽ làm vậy khi thấy cơ hội phía trước.

Tuy nhiên trong một vài năm qua, các công ty đã sử dụng kỹ thuật này để che giấu kết quả kinh doanh yếu kém.

Ý tưởng rất đơn giản còn phần thưởng lại béo bở với hầu hết nhân viên. Theo đó, các công ty vay một khoản tiền lớn gần như chẳng để làm gì cả. Sau đó họ dùng số tiền đó mua một lượng lớn cổ phiếu của chính công ty mình. Khi đó, lượng cổ phiếu lưu hành giảm và chỉ số lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) tăng lên một cách kỳ diệu.

Lượng tiền dùng để mua cổ phiếu quỹ tăng lên hàng năm bởi đây là cách nhanh nhất để cải thiện EPS với công sức bỏ ra chẳng bao nhiêu.

Trong quá khứ tốt đẹp, các công ty đầu tư sẽ dùng những khoản tiền họ tích lũy hoặc vay mượn để đầu tư cải thiện bản chất chứ không cần dùng đến những thủ thuật tài chính để tạo ra ảo tưởng rằng mọi thứ đều tốt đẹp.

Thay vì đầu tư vào việc kinh doanh của mình, các công ty lại sử dụng lượng lớn tiền mặt để mua lại cổ phiếu quỹ. Tổng số tiền các công ty dùng để thanh toán cho cổ đông đã tăng với tốc độ đáng kinh ngạc 20% kể từ năm 2009 cho tới nay.

Chiến lược gia Jonathan Glionna của Barclays cho biết số tiền dùng để mua lại cổ phiếu và trả cổ tức trong năm 2016 của các công ty niêm yết trên sàn S&P 500 có thể đạt mức kỷ lục 1 tỷ USD. Năm 2010, con số này chỉ là 500 triệu USD.

Trong 2 năm qua, xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí vẫn còn đà tăng trong dài hạn bởi việc mua lại cổ phiếu có thể giải quyết những vấn đề tưởng chừng không thể giải quyết được. Nền kinh tế hiện đang không ở trạng thái tốt bởi nếu triển vọng của nó sáng lạn, các công ty sẽ đầu tư các khoản tín dụng lớn vào các hoạt động tài chính thay vì các hành vi có thể coi là “lừa đảo tài chính” như hiện nay.

Hoạt động có phần mờ ám này sẽ không ảnh hưởng gì nếu các công ty sử dụng tiền họ có. Nhưng không, họ vay mượn tiền để thực hiện hành vi mua lại cổ phiếu này và một ngày họ sẽ phải trả lại khoản tiền đó. Suy cho cùng, họ không đầu tư cho hoạt động kinh doanh của mình nên việc nhận lấy một đống nợ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, đó là câu chuyên của tương lai. Xu hướng này đang tăng mạnh bởi Mỹ vẫn chưa áp dụng lãi suất âm như các quốc gia khác tại châu Âu hay châu Á. Nói cách khác, khoản nợ khổng lồ chúng ta nói đến ở trên thực chất vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các công ty và sẽ trở nên rất nhỏ bé trong 3-5 năm tới.

Kể từ năm 2009, tổng số tiền dùng để trả cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ tăng đều qua mỗi năm và sẽ còn tăng điên cuồng hơn nữa nếu Mỹ đẩy lãi suất xuống dưới 0%.

Thị trường sẽ trải qua nhiều phiên điều chỉnh với các mức độ nhưng đều mang tới cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Số tiền đổ vào thị trường sẽ ngày càng tăng lên chứ không giảm đi.

Khi phần lớn thành phần thị trường không chấp nhận “thị trường bò” và quan trọng hơn là tâm lý trở nên tiêu cực, thị trường đang xanh có thể kết thúc trong sắc đỏ.

Cuộc khảo sát tâm lý AAII mới nhất cho thấy 25% nhà đầu tư được hỏi đang lạc quan với thị trường. Các nhà đầu tư đang dần bước ra khỏi vùng kích động (hysteria).

Biểu đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ trả cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ tăng vọt trong những năm qua và gần đây đã vượt mức doanh thu. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các công ty buộc phải đi vay.

Ông Glionna cho biết chi tiêu của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã vượt doanh thu trong những năm gần đây và điều này hiếm khi xảy ra trong quá khứ. Trong vòng 50 năm qua, chỉ 6 lần điều này diễn ra.

Tình trạng chi tiêu lớn hơn nguồn thu suýt xảy ra năm 2014 với tỷ lệ 99%. Sau khi xảy ra năm 2015, số tiền trả cổ tức và mua lại cổ phiếu được dự báo sẽ tiếp tục vượt thu nhập của các doanh nghiệp trong năm 2016.

Nhiều chuyên gia sẽ lên tiếng rằng tình trạng này sẽ không kéo dài. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đánh sập mọi giả định bởi họ tuyên bố sẽ tăng lãi suất trở lại mức bình thường trong thời gian tới. Fed quản lý thị trường này và thị trường sẽ sập khi không còn được ngân hàng trung ương Mỹ hỗ trợ.

Cơ hội để Fed nhấc tay khỏi thị trường là rất rất nhỏ. Khả năng để bạn tìm thấy vàng trong nhà còn cao hơn khả năng Fed để mặc các thành phần thị trường tự định đoạt.

Những đồng tiền dễ kiếm luôn đầy cám dỗ và các doanh nghiệp đang bị “nghiện” thứ đó. Họ sẽ không dừng việc đi vay cho tới khi có người bắt họ làm vậy. Đó là lý do vì sao việc mua lại cổ phiếu vẫn cứ tiếp diễn mặc dù ai cũng thấy rủi ro của nó.

Phần lớn thị trường không chấp nhận tình trạng hiện nay và tâm lý của các nhà đầu tư đang ở mức cực kỳ thấp. Lịch sử chỉ ra rằng tình trạng này chỉ diễn ra khi thị trường ở đáy chứ không phải đỉnh. Do đó, thị trường nhiều khả năng sẽ tăng trong vòng 12 tháng tới.

Thị trường lên càng cao thì càng dễ bị tổn thương. Khi thị trường đi xuống, đừng đổ lỗi cho Fed hay xu hướng mà hãy đổ lỗi cho các công ty đang mua lại cổ phiếu của chính họ.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/doanh-nghiep-mua-lai-co-phieu-quy-ganh-no-duoc-bao-lau--20161017092250128p146c158.news