Doanh nghiệp mất triệu USD do cháy: Thiếu nước do ai?

Doanh nghiệp có tư tưởng chủ quan nên khi xây dựng phương án PCCC thường không chú trọng trang bị bể nước, thậm chí tìm cách giảm bớt chi phí.

Doanh nghiệp làm sơ sài

Khoảng 9h sáng ngày 23/3, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại tầng 5 tòa nhà của Công ty Kwong Lung – Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ). Hàng trăm công nhân đã tháo chạy ra ngoài.

Lực lượng Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã triển khai hơn 200 lính cứu hỏa phải tiếp từ nhiều hướng, dùng hóa chất phun ngăn chặn cháy lan. Cùng với đó TP cũng huy động thêm lực lượng chữa cháy tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Quân khu 9, Công ty Cấp thoát nước và Công ty Công trình Đô thị Cần Thơ với hàng chục xe cứu hỏa, trong đó có 4 xe thang. Tuy nhiên sau 9 giờ bùng phát, đám cháy mới được khống chế.

Đám cháy tại công ty may ở Cần Thơ kéo dài 9 tiếng do thiếu nước. Ảnh: VNE

Tại buổi họp báo chiều tối 23/3, đại tá Trần Đức Đình - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ cho biết, do thiếu nước và áp lực các trụ nước tại Khu công nghiệp Trà Nóc yếu nên không đủ chữa cháy, khiến hỏa hoạn kéo dài nhiều giờ.

Sáng 24/3, trao đổi với Đất Việt, Đại tá Nguyễn Thế Từ - Nguyên Trưởng phòng đào tạo trường ĐH PCCC cho biết đã nắm được thông tin sự việc.

Theo Đại tá Từ, thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy lớn, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trước đám cháy tại Cần Thơ, hồi năm 2014, đám cháy tại khu công nghiệp Quang Minh cũng kéo dài đến 10 giờ với thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

“Các khu công nghiệp làm bằng khung sắt, mái tôn rộng hàng nghìn m2 nên khi xảy ra hỏa hoạn, xe chữa cháy dù huy động nhiêu nhưng cũng không có tác dụng. Bởi lẽ nước chỉ có thể phun cách đám cháy từ 5-7 m, với một diện tích nhỏ nhưng so với chiều sâu cả 100 m thì không thể dập tắt ngay được.

Nếu những nhà xưởng như vậy lắp đặt hệ thống chữa cháy cố định từ trên cao thì hoàn toàn có thể chủ động dập tắt và ngăn chặn các đám cháy”, Đại tá Từ khẳng định.

Nguyên Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH PCCC khẳng định, về nguyên tắc các khu công nghiệp, khu chế xuất muốn hoạt động đều phải đảm bảo các quy định về an toàn PCCC. Tuy nhiên nhiều khi doanh nghiệp có tư tưởng “mất bò mới lo làm chuồng” nên khi xây dựng phương án PCCC thường xem nhẹ yếu tố này, thậm chí tìm cách giảm bớt chi phí.

“Đám cháy tại khu công nghiệp trên Sóc Sơn là một bài học kinh nghiệm. Khi tiến hành thực tập chữa cháy thì chỉ dùng hết khoảng 50 m3 nước nhưng khi chữa cháy thật thì lên đến hàng nghìn m3 nước vì diện tích rất lớn.

Các khu công nghiệp thường không đủ nước. Khi thiết kế họ chỉ tính xác suất bằng 1/10 nước thực tế. Do đó cháy tại Cần Thơ kéo dài cũng không quá lạ”, ông Từ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Văn Xiêm – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC khẳng định, việc đám cháy tại công ty may ở Cần Thơ kéo dài do thiếu nước thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam.

“Đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở thì chính chủ kinh doanh phải chịu trách nhiệm. Hiện nay chúng ta có nguyên tắc 4 tại chỗ: đó là lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ. Trên lý thuyết là trách nhiệm của cơ sở. Tuy nhiên trên thực tế việc này không được xem trọng.

Để đạt được điều này trong cơ sở ở một mức nhất định, doanh nghiệp phải đầu tư một phần kinh phí tương đối lớn. Do đó nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hay các tòa nhà chung cư, cao tầng thường giảm bớt đi rất nhiều”, ông Xiêm nhấn mạnh.

Nếu cần phải đình chỉ hoạt động

Từ sự cố mới xảy ra tại Cần Thơ, Đại tá Nguyễn Thế Từ cho rằng các cơ quan chức năng cần phải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cháy kéo dài. Trên cơ sở đó sẽ truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan.

“Ở nước ngoài các doanh nghiệp thường mua bảo hiểm. Khi có sự cố cháy nổ xảy ra, đơn vị bảo hiểm phải chịu trách nhiệm thanh toán, thậm chí gọi lực lượng PCCC đến hiện trường. Ở Việt Nam thì cũng tùy từng doanh nghiệp. Thường các liên doanh nước ngoài ở nước ta cũng mua bảo hiểm. Tuy nhiên trong trường hợp này cần phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân xem có đúng như các nguyên tắc ký kết trong hợp đồng bảo hiểm hay không”, ông Từ nhấn mạnh.

Bổ sung thêm, PGS.TS Ngô Văn Xiêm cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần phải siết chặt công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tránh tình trạng nể nang.

Theo ông Xiêm, trong Luật PCCC đều có quy định rất rõ các điều kiện để doanh nghiệp được cấp phép, hoạt động. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đưa ra các lý do để xin hoàn thiện dần trong khi cơ quan nhà nước một phần muốn tạo điều kiện để đội ngũ công nhân, lao động có việc làm nên nhân nhượng.

“Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thật sự chú ý đến hệ thống PCCC tại chỗ. Ngoài trang bị những thiết bị hỗ trợ cần phải đầu tư xây dựng một đội PCCC cơ sở, có hiểu biết, kinh nghiệm để kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Các cơ quan về PCCC phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giải thích để chủ cơ sở thực hiện đúng các quy định.

Nếu doanh nghiệp không chấp hành thì có thể xử phạt hành chính. Nếu không thực hiện và vẫn tái phạm thì nâng mức phạt, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động.

Cơ sở thường đưa ra nhiều lý do về kinh phí để chống chế hay xin nhân nhượng vì nếu đình chỉ ngay thì hàng nghìn công nhân không có việc làm, kéo theo nhiều vấn đề xã hội. Tuy nhiên đã đến lúc phải xử lý kiên quyết và nghiêm khắc”, ông Xiêm nêu quan điểm.

Nguyễn Hoàn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/doanh-nghiep-mat-trieu-usd-do-chay-thieu-nuoc-do-dau-3331768/