Doanh nghiệp mắc kẹt, người mua xe chịu thiệt

Trong lúc Bộ Giao thông vận tải đã khai tử giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô cùng với thông tư 19/2012/TT-BGTVT từ tháng 7/2016, Bộ Công Thương hiện nay vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải có loại giấy này mới được nhập khẩu xe về nước dù là nhà phân phối chính hãng hay không chính hãng.

Kết quả, doanh nghiệp mắc kẹt vì hợp đồng đã ký, tiền đã trả mà hàng trăm xe với trị giá hàng chục tỉ đồng không đủ điều kiện thông quan, còn khách hàng có nguy cơ chịu thiệt vì đặt tiền mua xe nhập!

Doanh nghiệp khóc ròng

Trong thời gian qua, câu chuyện quanh Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương (TT20) đã tốn khá nhiều giấy mực do những luận điểm khác nhau giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan về việc khai tử, duy trì hay thay thế thông tư này. Tới nay, tưởng chừng câu chuyện đã tạm ngã ngũ khi Bộ Công thương đề xuất sẽ bãi bỏ thông tư này sau khi Bộ GTVT ra các quy định mới có tác dụng tương đương để thay thế và các bên đang chờ Thủ tướng ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế lại đang và sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu vì “đi mắc núi, về mắc sông”.

Trao đổi với PV, ông H Giám đốc một công ty phân phối xe Hàn Quốc chính hãng cho biết, công ty ông ký hợp đồng phân phối chính hãng xe nhập khẩu với nhà sản xuất Hàn Quốc từ đầu năm 2016. Sau khi có được giấy ủy quyền phân phối xe chính hãng, công ty đã mạnh tay đầu tư 3 đại lý và ký hợp đồng mua 200 xe nguyên chiếc chưa qua sử dụng với trị giá hàng chục tỷ đồng.

“Mọi việc có vẻ suôn sẻ khi chúng tôi có giấy ủy quyền chính hãng và nghe nói TT20 hết hiệu lực từ đầu tháng 7. Thế nhưng tới tháng 9, khi chuẩn bị thủ tục để đưa xe về nước chúng tôi mới ngã ngửa khi hải quan tại tất cả các cảng biển ở Việt Nam thông báo chúng tôi chỉ có thể thông quan khi có đủ 2 loại giấy quy định trong TT20, trong lúc Cục Đăng kiểm cho biết, không thể cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô do quy định về loại giấy này đã hết hiệu lực từ tháng 7/2016”, ông H buồn rầu chia sẻ.

Ông H cho hay cuối tháng 9/2016, công ty ông gửi hàng loạt kiến nghị tới các đơn vị liên quan để đề xuất được tháo gỡ nhưng ngày 6/10 Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương trả lời rằng trong lúc chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị doanh nghiệp thực hiện các quy định trong TT20. Còn Cục Đăng kiểm VN cho biết, không thể cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô cho đơn vị này vì loại giấy này đã bị “khai tử”.

Người tiêu dùng giảm lựa chọn khi thị trường xe nhập có nguy cơ đóng cửa

Trả lời PV, ông Đào Xuân Hải - Phó trưởng phòng kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo quy định, giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô có thời hạn trong 3 năm nên sau ngày 1/7/2016 những giấy chứng nhận đã cấp vẫn còn hiệu lực cho đến lúc hết thời hạn. Tuy nhiên, do TT 19/2012/TT-BGTVT đã hết hiệu lực nên Cục Đăng kiểm sẽ không cấp mới hay gia hạn loại giấy chứng nhận này cho tới khi có quy định mới về vấn đề này. Do đó, các đơn vị hết hạn giấy chứng nhận trên về lý thuyết sẽ không thể đưa xe về nước.

Các đơn vị phân phối chính hãng khác như Audi, Lexus, BMW sẽ hết hạn giấy chứng nhận trên trong năm 2017 hoặc đầu 2018. Như vậy, nếu số phận TT20 tiếp tục chưa ngã ngũ trong thời gian dài rất có thể thị trường xe nhập sẽ đóng cửa hoàn toàn và người tiêu dùng sẽ thiệt hại không kém.

Thậm chí giá xe khi đó sẽ tăng lên và thị trường ngày càng méo mó.

Khánh Hòa

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-mac-ket-nguoi-mua-xe-chiu-thiet-2133812.html