Doanh nghiệp 'kêu' với Chủ tịch nước: 'Trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh'

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá phát biểu của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân là tâm huyết, có trách nhiệm và yêu cầu chính quyền TP.HCM nhanh chóng giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Ngày 3.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng những năm qua Chính phủ đều xác định vai trò mũi nhọn của doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn đang có sự teo tóp, doanh nhân vẫn khó phát triển.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hỏi thăm doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM

“Doanh nghiệp chưa yên tâm lắm khi các cơ quan nhà nước chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng luật và thông tư hướng dẫn bị mâu thuẫn dẫn đến tình trạng “trên trải thảm đỏ, dưới rải đinh”. Nhà nước và Quốc hội luôn đề ra những chủ trương kịp thời nhưng chính sách lại chậm đến với người dân, doanh nghiệp”, ông Minh nói.

Từ đó ông Minh kiến nghị Đảng và Nhà nước trước khi ban hành luật liên quan đến doanh nghiệp, người dân thì nên tham khảo đối tượng bị tác động để chính sách nhanh đi vào cuộc sống. Trong quá trình thực hiện các cơ quan nhà nước cần tổ chức kiểm tra phát hiện những bất cập để, chỉnh sửa, khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nêu ý kiến doanh nghiệp đang cần nhất là luật pháp và hệ thống cơ chế chính sách để hoạt động. “Nhà nước nói cải cách hành chính nhưng hệ thống văn bản thủ tục rất nhiều khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận như Bộ Công thương hơn 500 thủ tục, Bộ tài chính 1.600, Bộ Tư pháp cũng hơn 600 thủ tục…Ngoài ra doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với hàng trăm giấy phép con như giấy xác nhận, kiểm định…” ông Bé. Ông cũng dẫn chứng thêm trong xuất nhập khẩu phải mất 14 ngày mới thông quan 1 container hàng, trong đó hơn 10 ngày là kiểm định.

“Nếu luật càng chi tiết thì không cần nghị định, nghị định rõ ràng thì không cần thông tư. Về dài hạn nhiều vấn đề trong xã hội cần có sự giám sát và phản biện, điều đó thể hiện sự dân chủ, minh bạch. Nếu đoàn đại biểu thành phố làm được những việc đó thì công đồng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền để phát triển”, ông Bé kiến nghị.

Nói về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những người khởi nghiệp, ông Đỗ Long, Chủ tịch Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân cho rằng Quỹ hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp, những người khởi nghiệp vẫn còn khoảng cách. TP.HCM cần tạo một sân chơi cho giới trẻ tham gia và để họ khởi nghiệp. Bên cạnh đó ông Long đề nghị chính sách hành phải được đồng bộ, bền vững, lâu dài.

Thay mặt cho Đoàn đại biểu TP.HCM, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy đã tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và hứa việc gì giải quyết được sẽ làm ngày còn việc gì vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị lên Trung ương.

Ông Thăng chỉ ra điểm yếu nhất của doanh nghiệp TP.HCM hiện nay là khả năng kết nối và hỗ trợ nhau. “Có một câu chuyện kể lại một đàn sói đi vào rừng, khi đang đi thì bất ngờ gặp một cơn bão tuyết rất mạnh, ngay lập tức đàn sói bám vào nhau xếp lại thành một hàng dọc. Con đi đầu đương đầu với bão tuyết, đến khi cảm thấy mình không còn chịu đựng được nữa thì chạy xuống bám vào con sau cùng. Cứ lần lượt như vậy, đến khi cơn bão tuyết đi qua và đàn sói vẫn sống sót vì nhờ biết đoàn kết lại”, ông Thăng nói.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao cách làm của TP.HCM và đánh giá phát biểu của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân là tâm huyết, có trách nhiệm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Đảng, Nhà nước đã, đang và cam kết sẽ tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường lành mạnh và động lực cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển…

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep-keu-voi-chu-tich-nuoc-tren-trai-tham-do-duoi-rai-dinh-712715.html