Doanh nghiệp hoạt động 10 năm vẫn bị hỏi giấy phép đâu?

"Tết năm vừa qua không đi thăm lãnh đạo nên hồi giữa năm có cán bộ tới hỏi giấy phép đăng ký kinh doanh dù đã hoạt động 10 năm".

Nữ Giám đốc một công ty xin được giấu tên ở Ninh Bình chia sẻ với Đất Việt về những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh tới từ các cán bộ địa phương. Có những câu chuyện còn dở khóc dở cười.

Đa số các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn đều tận dụng các điều kiện tự nhiên và tự thân vận động chứ không hề có các hỗ trợ hay tạo điều kiện nào từ phía các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp chẳng phải muốn vay vốn mà được.

Theo nữ giám đốc này, ngay trong việc hỗ trợ vay vốn thì doanh nghiệp đã gặp khó khăn hơn nhiều so với các doanh nghiệp có quan hệ thân thiết hay là các công ty gia đình của các lãnh đạo.

"Nhà nước vốn đã có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng khi về đến tỉnh đã được rót vào các doanh nghiệp của chồng, con trai, con gái, người thân... chẳng còn tới được tay doanh nghiệp ngoài", chị này cho hay.

Theo đó, có 2 trường hợp có khả năng được nhận các gói hỗ trợ từ Nhà nước về tới tỉnh là doanh nghiệp phải có vốn của "lãnh đạo" cổ phần; phải có nhiều tiền để đặt trước gói hỗ trợ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp này nếu được nhận gói hỗ trợ cũng vẫn sống tốt dù không có hoạt động kinh doanh bởi chỉ việc cho các doanh nghiệp khác vay lại khoản này cũng đã đủ kiếm lời.

Hiện nay, một số ngân hàng đã cắt giảm lãi suất cho vay cũng là một tín hiệu vui tuy nhiên, đối với những người được ưu tiên như doanh nghiệp tư nhân thì là niềm vui không lớn.

Kế đến là việc doanh nghiệp phải nộp các khoản phí không rõ là nhằm mục đích gì.

"Các cơ quan như Công đoàn hàng năm vẫn đến thu tiền. Chúng tôi đương nhiên vẫn đóng góp các khoản đầy đủ nhưng có lúc ngồi nhẩm tính thì thấy họ rõ ràng không thể hiện được các vai trò của mình"- chị nói.

Thêm nữa, trên cùng một địa bàn, nhưng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều được ưu tiên hỗ trợ nhiều hơn dù đóng góp của họ vào nền kinh tế địa phương thì có lẽ không bằng.

"Tôi có một người bạn làm kế toán ở công ty giầy da của Trung Quốc kể rằng, các khoản thuế phải tìm cách để hạn chế tối thiểu trong khi chi phí phải đẩy lên tối đa. Các hỗ trợ cho người lao động còn chỉ bằng 2/3 mức lương của công ty chúng tôi chi trả.

Ví dụ, mức lương trong công ty nước ngoài như Trung Quốc là khoảng 3-3,5 triệu đồng, thưởng 50 nghìn đồng/ ngày lễ. Còn công ty của tôi hiện vẫn chi trả cho người lao động là 5 triệu đồng/tháng. Các dịp lễ Tết, tặng 100 nghìn đồng", chị cho hay.

Trong khi thu hút lao động trẻ thì ngay cả các cơ quan địa phương cũng hỗ trợ và tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Theo chị này, "Doanh nghiệp tư nhân ở địa phương chỉ có giải quyết lao động trung niên còn lao động trẻ đã được các công ty Trung Quốc thu hút. Nếu không mở rộng được sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mãi chỉ luẩn quẩn kiểu "lấy công làm lãi". Nhân công trẻ, có kiến thức hơn thì theo các doanh nghiệp nước ngoài với các chế độ tốt".

10 năm hoạt động vẫn đòi giấy phép kinh doanh

Trong khi đó không có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, một bộ phận cán bộ ở địa phương còn tìm cách để gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Câu chuyện dở khóc dở cười được vị nữ giám đốc kể lại là bài "kinh nghiệm xương máu" của chị.

"Hồi giữa năm vừa qua, cán bộ ở Phòng Tài nguyên Môi trường bỗng nhiên tới cơ sở. Sau đó họ gửi giấy mời gọi lên phòng làm việc, hỏi về các giấy tờ đăng ký kinh doanh trong khi công ty tôi đã hoạt động được 10 năm nay. Hồ sơ thuế, hồ sơ Bảo hiểm xã hội đều đóng đầy đủ", chị kể.

Thậm chí, nếu nói về Luật, chị vẫn không sai. Bởi theo Luật doanh nghiệp đã cho phép từ 1/7/2015, doanh nghiệp đã không phải đăng ký kinh doanh và không phải khai báo ngành nghề kinh doanh.

Dù đã chứng minh bằng các loại giấy tờ, các cán bộ vẫn xoay hướng để làm khó.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/doanh-nghiep-hoat-dong-10-nam-van-bi-hoi-giay-phep-dau-3321169/