Doanh nghiệp FDI cổ phần hóa: Hàng nhiều - chất lượng thấp

Trên thị trường chứng khoán đang có rất nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp FDI cổ phần hóa đã trở thành... nỗi sợ của nhà đầu tư.

Everpia là số ít doanh nghiệp FDI cổ phần hóa có kết quả kinh doanh tốt .

Kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu hủy niêm yết

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra quyết định về việc hủy niêm yết toàn bộ 1.990.530 cổ phiếu CTCP Gạch men Chang Yih (CYC) từ ngày 11/5. Cổ phiếu CYC bị hủy niêm yết do kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục. Năm 2014 lỗ 13,44 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 37,49 tỷ đồng và năm 2016 lỗ 8,9 tỷ đồng. Ngày giao dịch cuối cùng tại HOSE, cổ phiếu CYC chỉ còn 2.400 đồng/cổ phiếu.

CYC được thành lập năm 2000 với 100% vốn nước ngoài, chủ đầu tư là Chyih Investment Co.Ltd (Đài Loan). Năm 2005, CYC chuyển thành CTCP với vốn điều lệ 90,5 tỷ đồng và đưa cổ phiếu giao dịch lên sàn chứng khoán từ ngày 31/7/2006. Hoạt động chính của CYC chủ yếu sản xuất các loại gạch men và gạch mỹ thuật trang trí chất lượng cao; xây dựng công trình dân dụng…

CYC không phải là trường hợp đầu tiên của doanh nghiệp FDI bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Vào ngày 11/8/2011, cổ phiếu FPC của CTCP Full Power chính thức rời sàn HOSE khi chỉ còn 1.600 đồng/cổ phiếu.

FPC cũng là doanh nghiệp Đài Loan được thành lập tại Việt Nam vào năm 2000 với ngành kinh doanh chính là xây dựng, thiết kế, sản xuất và kinh doanh bất động sản. Từ năm 2009 trở đi FPC làm ăn thua lỗ nặng. Năm 2009, công ty lỗ 328 tỷ đồng, năm 2010 lỗ 147 tỷ đồng, năm 2011 lỗ ròng hơn 408 tỷ đồng. Như vậy, FPC đã có 3 năm liên tiếp lỗ, tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2011 là 740,4 tỷ đồng.

CTCP Thực phẩm quốc tế (IFS) có cổ phiếu IFS đăng ký giao dịch tại sàn UPCoM. Trước khi về UPCoM, cổ phiếu IFS bị hủy niêm yết tại HOSE vào ngày 3/5/2013 do công ty có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2012 là âm 495,7 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ thực góp là 381,4 tỷ đồng. Sau khi hủy niêm yết, IFS được tập đoàn Kirin (Nhật) góp vốn, tái cơ cấu nhưng tình hình kinh doanh vẫn bết bát khi năm 2013 lỗ 83 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 176 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 96 triệu đồng. Năm 2016, công ty kinh doanh lãi được 45 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2016 là 808 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 210 tỷ đồng.

Hiện CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) cũng nằm trong tình trạng bi đát khi cổ phiếu bị HOSE đưa vào diện kiểm soát do lợi nhuận sau thuế tại 31/12/2015 là âm 21,61 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 18,55 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2016 là 40,19 tỷ đồng.

Ngoài những doanh nghiệp điển hình thua lỗ ở trên, nhóm doanh nghiệp FDI cổ phần hóa đang có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán còn có: CTCP Công nghiệp Tung Kuang (TKU), CTCP Mirae (KMR), CTCP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (TYA), CTCP Nagakawa Việt Nam (NAG). Đa số các doanh nghiệp này có thời điểm làm ăn thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp. CTCP Everpia Việt Nam (EVE) là doanh nghiệp hiếm hoi có lợi nhuận dương đều trong các năm.

Thị giá cổ phiếu của CYC, TCR, KMR, NAG, RIC, TYA, TKU, EVE giai đoạn (9/5/2014-9/5/2017). Biểu đồ: Sao Mai

Nhà đầu tư thua lỗ nặng

Nếu đầu tư dài hạn cổ phiếu CYC từ ngày niêm yết tới nay, nhà đầu tư sẽ lỗ tới 85%. Trong khi đó, kể từ khi hủy niêm yết cổ phiếu tại HOSE, FPC đã biến mất khỏi thị trường khi website không còn, điện thoại không liên lạc được, trụ sở công ty cũng biến mất. Nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu FPC coi như mất trắng.

Không bi đát như FPC, CYC nhưng các cổ phiếu khác cũng khiến nhà đầu tư lỗ nặng. Nếu nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu này từ ngày chào sàn tới nay đều “mất mát” khá nhiều. Cổ phiếu RIC giảm 91,77%, KMR giảm 78,56%, TCR giảm 75,60%, NAG giảm 75,07%, TKU giảm 37,46%, TYA giảm 21,02%, EVE giảm 18,56%.

Đa số cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI cổ phần hóa có thị giá dưới mệnh giá, ngoại trừ EVE, TKU và TYA. Nhóm cổ phiếu này cũng không được các nhà đầu tư mặn mà chọn lựa, bình quân mỗi phiên giao dịch chỉ có vài chục ngàn, thậm chí vài trăm cổ phiếu được sang tay.

Anh Nguyễn Văn Thành, một nhà đầu tư cho biết: “Tôi mua cổ phiếu RIC từ năm 2010 với giá 26.710 đồng/cổ phiếu nhưng đến nay chỉ còn 7.500 đồng/cổ phiếu. Tôi đã lỗ nặng”.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự thua lỗ liên tiếp của các doanh nghiệp này là thủ thuật chuyển giá. Doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất từ chính các công ty mẹ ở nước ngoài với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế. Điều này sẽ khiến cho công ty con tại Việt Nam rơi vào tình cảnh thua lỗ bởi “giá đầu vào cao, giá đầu ra thấp” trong khi công ty mẹ ở nước ngoài lại thu lợi nhuận cao.

Một số chuyên viên phân tích chứng khoán cho rằng kết quả kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp này là một ẩn số cho nhà đầu tư khi thua lỗ hoặc lãi không đáng kể, nhưng họ vẫn tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất với quy mô lớn hơn.

Nhìn chung, các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và yếu kém không đại diện cho nhóm FDI cổ phần hóa. Hy vọng trong thời gian tới, 2 sở giao dịch chứng khoán sẽ mời gọi được doanh nghiệp nhóm này có quy mô lớn, kinh doanh tốt niêm yết trên thị trường để nhà đầu tư có thêm cổ phiếu tốt, đồng thời khẳng định sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sao Mai

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/doanh-nghiep-fdi-co-phan-hoa-hang-nhieu--chat-luong-thap-d57756.html