Doanh nghiệp 'đỏ mắt' tìm lao động

GD&TĐ - Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, hiện tượng công nhân, người lao động (NLĐ) về quê ăn Tết không trở lại làm, hoặc “nhảy việc” lại diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp (DN) tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX)...

Tuy năm nay, tình trạng này không quá căng thẳng như những năm trước, nhưng khá nhiều DN đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, cần lượng nhân công lớn, nên sau Tết vẫn xảy ra hiện tượng thiếu lao động, nhất là ở ngành dệt may, da giày, điện tử, đặc biệt là nhóm ngành nghề sử dụng lao động thời vụ...

Thói quen không dễ bỏ

Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, NLĐ tại các KCN, KCX trên địa bàn Hà Nội đã quay trở lại làm việc từ ngày 2/2 (tức 6 âm lịch). Nhiều chuyên gia lao động cho rằng, NLĐ được DN chăm lo tốt nên trở lại làm việc đúng hẹn, tiếp tục gắn bó với DN. Nhưng, đây mới chỉ là kết quả của khối các nhà máy, DN thuộc khu KCN, KCX (NLĐ và DN có sự gắn bó, ràng buộc chặt chẽ trước khi nghỉ Tết). Trong khi đó, nhóm ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày hay lao động thời vụ thì việc khởi động chậm hơn nhiều.

Chị Nguyễn Kim Chung, quê Phú Thọ cho biết, trước Tết, chị làm cho một công ty gia công may mặc, nhưng lương thấp và chế độ không phù hợp nên xin nghỉ để tìm chỗ làm mới. “Khi tôi xin vào làm việc tại công ty may trên địa bàn Hà Nội với mức lương hứa ban đầu là 4,5 triệu/tháng, ăn một bữa trưa, BHYT và nếu tăng ca lương sẽ thêm 20%, nhưng khi vào làm việc, 3 tháng đầu tôi chỉ được hưởng hương 3,4 triệu đồng, một bữa trưa, tăng ca chỉ được thêm 10%. Dù sinh hoạt tằn tiện cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Cũng giống như các năm trước, sau kỳ nghỉ Tết, tôi thường đi chơi lễ hội cho qua tháng Giêng rồi mới đi xin việc. Do lương thấp và cũng không có ràng buộc gì nên khi nghỉ tôi cũng không thông báo cho chủ sử dụng lao động biết” - chị Chung nói.

Còn anh Đặng Văn Hùng ở Khâm Thiên (Hà Nội) cho hay: “Cửa hàng của chúng tôi đang cần 4 lao động bán hàng và đi giao hàng cho khách nhưng hôm nay đã là 10 Tết, thế mà chỉ có 1 nhân viên quay lại làm việc. Tôi đã liên hệ với một số trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng họ đều thông báo là mấy hôm nay nhiều cơ sở tìm nhưng không có người để cung cấp”.

Doanh nghiệp... ngóng lao động

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), sẽ có khoảng hơn 1.000 chỉ tiêu việc làm cho NLĐ trong phiên giao dịch việc làm đầu tiên năm 2017 diễn ra vào cuối tháng 2. Trong đó, khoảng 50% chỉ tiêu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo, hơn 30% lao động có tay nghề, trình độ kỹ thuật, hơn 20% có trình độ CĐ, ĐH.

Theo đại diện Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, các DN vừa và nhỏ trên địa bàn đã gửi đăng ký thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, lượng lao động đến tìm việc ở thời điểm hiện tại vẫn còn khá ảm đạm. Có thể do tâm lý của không ít người “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên phải hết tháng Giêng, NLĐ mới tìm việc làm. Đầu năm, với nhu cầu tuyển dụng khá cao của các DN, khả năng số lượng lao động sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng là điều chắc chắn xảy ra.

Dự báo của trung tâm, trong tháng 2 và 3/2017, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhu cầu việc làm cần tuyển dụng sẽ là rất lớn khoảng 30.000 lao động; các tỉnh có nhiều KCN, KCX khác là Hải Dương, Bình Dương, Đồng Nai... sẽ cần khoảng 50 - 60.000 lao động. Các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động nhất vẫn sẽ là: Marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn, cơ khí, dịch vụ giúp việc gia đình, giao hàng, bảo vệ, sửa chữa xây dựng, sửa chữa điện dân dụng - điện lạnh - điện - điện tử…

Những năm qua, kinh tế - xã hội có nhiều bước phát triển, thị trường lao động bước đầu hình thành dịch chuyển tự do, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, đi kèm với đó là thách thức cạnh tranh từ nguồn lao động có chất lượng, kinh nghiệm cao từ các nước. Bởi vậy, NLĐ cần sớm khắc phục tính nghiệp dư, hình thành nếp lao động chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao để hoàn thiện chính mình trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt về nguồn nhân lực. Còn về phía các DN, để giảm thiểu những tác động xấu do thiếu hụt nguồn nhân lực thì người sử dụng lao động cũng phải cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập, đa dạng hóa các dịch vụ, phúc lợi xã hội, chăm lo thiết thực tới công nhân lao động để thu hút công nhân toàn tâm, toàn ý phục vụ ngược lại cho chính DN mình...

Dù đã là tuần làm việc thứ hai sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, nhưng nhiều nơi không khí Tết vẫn còn dư âm, đặc biệt ở các địa phương vì thời điểm này nhiều lễ hội đã bắt đầu được khai hội. Đây là nét văn hóa, phong tục truyền thống từ bao đời nay, là một phần không thể thiếu vào tháng Giêng (âm lịch) - tháng ăn chơi theo cách gọi của dân gian. Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động này, trước mắt, nhiều DN đã phải thực hiện kế hoạch tăng ca, động viên NLĐ cố gắng làm việc để nâng cao năng suất lao động cho kịp các đơn hàng đã đặt từ năm trước...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/doanh-nghiep-do-mat-tim-lao-dong-2896139-b.html