Doanh nghiệp chờ Thủ tướng

Hôm nay 1.500 doanh nhân khối doanh nghiệp (DN) dân doanh trong tổng số 2.000 đại biểu sẽ tham gia Hội nghị Thủ tướng đối thoại với DN tại Hà Nội.

Con số này so với năm ngoái gấp 4 lần. Ngoài ra còn có sự tham gia của một số đại biểu khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN nhà nước. Tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến còn có lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố cùng các đại biểu DN, với số lượng 50-100 người mỗi điểm cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt doanh nghiệp. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Chợt nhớ, tại cuộc gặp gỡ với các DN ngày 29/4/2016 tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải thích lý do tổ chức buổi gặp mặt: “Ai là người xây dựng đất nước? Toàn dân, toàn quân xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng tiên phong là đội ngũ DN Việt Nam. DN giải quyết việc làm, tạo GDP… những người tiên phong đó phải được quan tâm, phải được lắng nghe”.

Thủ tướng khẳng định luôn: “Tinh thần lớn nhất, Chính phủ không hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế”. Khi vừa dứt câu nói ông đã phải dừng lại phút chốc vì những người tham dự đồng loạt vỗ tay tán thưởng.

Hội nghị năm nay tiếp tục thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ hỗ trợ để DN thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Trước “thềm” cuộc gặp, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận gần 200 kiến nghị mới được DN gửi đến và tập trung vào các vấn đề cụ thể theo Nghị quyết 35/NQCP (ngày 16/5/2016) của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Hơn một năm qua, sau cuộc gặp lần thứ nhất của Thủ tướng, nhiều khó khăn của DN đã được tháo gỡ nhưng DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn, được giảm lãi suất vay và đặc biệt là việc giảm chi phí DN.

Hiện nay các mức chi phí về bảo hiểm, logistic… của Việt Nam trong khu vực vẫn còn cao. Đó sẽ là những vấn đề “nóng” trong cuộc gặp năm nay.

Một cơ hội chưa từng có để Chính phủ, Thủ tướng và DN nhất là doanh nhân dân doanh “thấu hiểu và chia sẻ” vì sự phát triển của đất nước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XII) vừa bế mạc chưa lâu, ban hành 3 nghị quyết về kinh tế.

Lần đầu tiên vấn đề “Kinh tế tư nhân - Một động lực quan trọng của nền kinh tế” được xác định (lưu ý rằng, Khóa IX cũng đã có Nghị quyết Trung ương 5 “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Điều này có nghĩa là đã 17 năm trôi qua).

Hy vọng Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa XII) sớm đi vào cuộc sống, góp phần giải phóng sức sản xuất, tạo động lực và nguồn lực cho tăng trưởng, phát triển, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Vì thế cuộc gặp của Thủ tướng với DN dân doanh hôm nay có ý nghĩa đặc biệt

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/doanh-nghiep-cho-thu-tuong-d43395.html