'Doanh nghiệp chạy vòng vòng, hết cả năm mà vẫn chưa được'

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo văn phòng UBND TP tập hợp lại và mời lãnh đạo các sở họp một buổi để giải quyết, chứ không để doanh nghiệp "chạy lòng vòng, chạy hết cả năm mà vẫn chưa được".

Ngày 5.9, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp về kinh tế - chính trị - xã hội 8 tháng năm 2017.

Phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành phải cùng tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn đề nghị thành phố tháo gỡ, ông Phong chỉ đạo văn phòng UBND TP.HCM tập hợp lại và mời lãnh đạo các sở họp một buổi để giải quyết chứ không để doanh nghiệp "chạy lòng vòng, chạy hết cả năm mà vẫn chưa được".

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các chi cục thuế hướng dẫn các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, làm báo cáo thuế… Bên cạnh đó, 24 quận huyện cần thường xuyên rà soát các hộ kinh doanh đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp; tiếp tục tuyên truyền và huớng dẫn các thủ tục để đăng ký hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

“Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính rà soát loại bỏ thủ tục không cần thiết phát sinh chi phí phi chính thức; đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra, cấp giấy phép để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp. Riêng Sở Công Thương, cần có giải pháp thúc đẩy tiêu dùng để tạo tiền đề cho các tháng còn lại”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, thành phố khuyến khích vận động chứ không áp đặt bằng chỉ tiêu vì điều kiện không đảm bảo, muốn hộ cá thể trở thành doanh nghiệp cũng rất khó khăn.

“Hiện nay con số đăng ký là 316.000 doanh nghiệp nhưng nộp thuế chỉ có hơn 160.000 doanh nghiệp. Thành phố định hướng nâng số hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp nhưng thực lực kinh tế không lên bao nhiêu. Do đó, phải tính toán điều kiện từng hộ để vận động tăng vốn, tăng quy mô”, ông nói thêm.

Trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký và bổ sung của doanh nghiệp trong nước tại TP.HCM đạt 542.300 tỉ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian này có khoảng 26.600 doanh nghiệp thành lập mới và khoảng 38.700 doanh nghiệp thay đổi nội dung kinh doanh và bổ sung tăng vốn. Số lượng doanh nghiệp được cấp phép thành lập nhiều tập trung ở các quận 1, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân...

Trong năm nay, TP.HCM đã hỗ trợ, vận động được 1.170 hộ cá thể chuyển lên doanh nghiệp, trong đó nhiều nhất là ở các quận huyện Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Chánh, quận 5, quận 10.

Vào hồi đầu năm nay, chính quyền TP.HCM đã cam kết tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Không chấp nhận sai phạm Thảo Điền Sapphire

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong hỏi lãnh đạo Sở Xây dựng về thông tin Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản đề xuất cho tồn tại dự án Thảo Điền Sapphire. Ông Phong nói rằng không chấp nhận đề xuất trên.

"Nếu có kiến nghị này thì tôi không chấp nhận. Luật là luật, không du di cho sai phạm. Tôi yêu cầu Sở Xây dựng TP.HCM phải thực hiện nghiêm quyết định của UBND TP.HCM đã ban hành và ý kiến chỉ đạo của tôi về việc cưỡng chế tháo dỡ sai phạm của dự án Thảo Điền Sapphire", ông Phong nói.

Về vấn đề trên, ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết là có kiến nghị này từ chủ đầu tư và Hiệp hội Bất động sản, Sở đã chuyển kiến nghị này cho UBND TP.HCM.

"Sau khi nhận quyết định hành chính của UBND TP.HCM, chủ đầu tư có văn bản xin tự nguyện tháo dỡ. Sau đó 1 tuần, Sở tiếp tục nhận văn bản của chủ đầu tư gửi cho Văn phòng Chính phủ, trong phần nơi nhận có gửi cho UBND TP.HCM về việc xem xét cho tồn tại. Sở Xây dựng cũng đã rà soát và trả lời chính thức cho chủ đầu tư là không có cơ sở tồn tại”, ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Tuấn, hiện tại dự án Thảo Điền Sapphire đã tháo dỡ 30% phần sai phạm và xin hoãn một thời gian để tiếp tục tháo dỡ đến 20.9. Sở Xây dựng vẫn đang giam sát chặt chẽ và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố. Nếu chủ đầu tư không thực hiện, Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo các ban ngành kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ phần sai phạm của dự án.

Dự án Thảo Điền Sapphire có diện tích 27.018,4m2, gồm 30 căn biệt thự cao 3 tầng, không kể tầng lửng tại tầng trệt và tầng hầm. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần TDS đã sai phạm khi xây dựng tăng diện tích tầng trệt, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa với tổng diện tích vi phạm 1.396,64m2. Địa điểm vi phạm là thửa đất số 301, tờ bản đồ số 16 thuộc phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.

Sau khi xảy ra sự việc, UBND TP.HCM đã vào cuộc kiểm tra và quyết định xử phạt chủ đầu tư dự án. Mức phạt dành cho vi phạm này là 1 tỉ đồng. Đây là mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm trong hoạt động xây dựng và cũng là mức phạt hành chính cao nhất trong hoạt động xây dựng từ trước đến nay tại TP.HCM.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng quyết định đình chỉ thi công toàn bộ công trình vi phạm cho đến khi TDS chấp hành đầy đủ và toàn bộ nội dung quyết định xử phạt đã nêu và có xác nhận của Đội thanh tra địa bàn quận 2. Ngoài ra, thành phố cũng buộc TDS tự phá dỡ phần công trình sai nội dung giấy phép xây dựng.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/doanh-nghiep-chay-vong-vong-het-ca-nam-ma-van-chua-duoc-70904.html