Doanh nghiệp bội tín, nông dân lâm cảnh nợ nần

Tìm đến bán giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng, hứa bao tiêu sản phẩm nhưng khi thu được tiền bán giống, doanh nghiệp đã “lặn mất tăm” khiến nhiều hộ nông dân ở Thanh Hóa lâm cảnh nợ nần.

Nhiều hộ dân trồng gừng đang đứng ngồi không yên vì doanh nghiệp bội tín

Theo phản ánh của nhiều nông dân ở các huyện Yên Định, Hà Trung, Cẩm Thủy, Thạch Thành… (Thanh Hóa), vào giữa năm 2016, một số người giới thiệu đang làm việc tại Văn phòng đại diện của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An đóng tại TX.Bỉm Sơn, Thanh Hóa (trụ sở chính tại tỉnh Bình Phước) tìm đến các trang trại trên địa bàn tư vấn, “vẽ” ra lợi ích từ việc trồng gừng trong túi. Những người này hứa hẹn nếu tham gia trồng gừng, nông dân sẽ được công ty bán giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Tin tưởng, nhiều gia đình đã vay mượn hàng trăm triệu đồng mua giống về trồng nhưng một thời gian sau gừng chỉ lên được 20 - 30%, phát triển kém. Các hộ dân gọi điện cho đại diện của công ty cung ứng giống để phản ánh nhưng không liên lạc được.

Chị Bùi Thị Hằng (ngụ tại huyện Cẩm Thủy) cho biết, tháng 6.2016, tin lời tư vấn của một số người tự xưng là nhân viên của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An, vợ chồng chị vay gần 300 triệu đồng, mua 13.000 bao gừng giống về trồng. Tuy nhiên, tỷ lệ gừng lên rất kém, chỉ đạt khoảng 30%, chưa kể cây giống quá yếu, sinh trưởng kém.

“Tôi nhiều lần gọi cho người của công ty đến hướng dẫn cách trồng nhưng không được. Hiện đã đến thời gian thu hoạch nhưng gừng cũng chỉ đạt năng suất khoảng 02 - 0,3 kg/túi, khác với quảng cáo đạt hơn 2 kg/túi như khi họ đến vận động người dân trồng gừng”, chị Hằng nói.

Gia đình ông Lê Văn Thông (xã Định Tiến, H.Yên Định) đầu tư 50 triệu đồng mua 2.000 bao gừng giống của công ty trên. Theo hợp đồng gia đình ông Thông ký với công ty, sau 8 tháng trồng, công ty sẽ thu mua toàn bộ số gừng thương phẩm. Trong đó, 1.000 bao gừng ban đầu mua với giá 25.000 đồng/kg, phần còn lại sẽ thỏa thuận theo giá thị trường trước khi thu hoạch 15 ngày. Nhưng đến kỳ thu hoạch, năng suất gừng chỉ đạt trung bình 0,2 kg/bao. Ông Thông gọi điện liên hệ nhiều lần nhưng không thấy công ty đến thu mua cũng như giải quyết các cam kết trong hợp đồng.

Văn phòng đại diện đã đóng cửa?

Làm việc với Thanh Niên, ông Trịnh Xuân Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Định cho biết, đơn vị đã nắm thông tin về việc một số hộ dân ký hợp đồng trồng gừng với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An. Theo ông Quý, trước đây, khi công ty này về vận động và tập huấn người dân trồng gừng đã không báo cho chính quyền địa phương và Phòng Nông nghiệp huyện. Phòng Nông nghiệp của các huyện khác và chính quyền địa phương đều không nắm được việc người dân liên kết trồng gừng với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An. Chỉ khi doanh nghiệp “bỏ rơi” người nông dân thì mọi chuyện mới vỡ lở.

“Chúng tôi đã tìm hiểu và xác định đúng là có chuyện như người dân phản ánh. Họ làm rất tinh vi, ban đầu khi bán giống họ đưa cả cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn cách trồng, chăm sóc rồi hứa hẹn gừng sẽ cho năng xuất cao và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhưng khi lấy được tiền giống, tiền phân bón thì họ lại lặn mất tăm. Hiện chúng tôi đang yêu cầu các xã thống kê số hộ trồng gừng, đồng thời khuyến cáo bà con cẩn thận khi nuôi trồng các loại cây, con mới”, ông Quý nói.

Để tìm hiểu thông tin, chúng tôi đã nhiều lần tìm đến Văn phòng đại diện của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An tại P.Bắc Sơn (TX.Bỉm Sơn) nhưng cửa văn phòng thường xuyên đóng im ỉm.

Trao đổi với Thanh Niên, một cán bộ của P.Bắc Sơn cho biết, văn phòng của công ty trên mở tại địa bàn phường từ tháng 7.2016, với khoảng 3 - 4 người thường xuyên lui tới nhưng không đăng ký tạm trú tạm vắng nên đã 2 lần bị Công an P.Bắc Sơn xử phạt hành chính . Tuy nhiên, từ khoảng 2 tháng nay, văn phòng đã đóng cửa, ngừng hoạt động.

Minh Hải

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/doanh-nghiep-boi-tin-nong-dan-lam-canh-no-nan-826548.html