Doanh nghiệp bất động sản kêu khó vì luật “tréo ngoe”

Đó là một trong những phản ánh làm nóng nghị trường trong buổi đối thoại với Bộ trưởng Bộ Xây dựng vào cuối tuần qua của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS).

Giá nhà tăng cao vì vướng quy định

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest, Điều 57 của Luật Kinh doanh bất động sản đang có mâu thuẫn. Quy định doanh nghiệp phải cấp sổ đỏ cho người mua nhà ngay cả trong trường hợp khách hàng mới chỉ đóng 95% giá trị căn hộ (5% còn lại của giá trị hợp đồng sẽ thanh toán khi nhận sổ đỏ), nhưng, theo nguyên tắc tài chính, chưa đóng hết tiền thì chưa thể thanh lý hợp đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty GP Invest, thẳng thắn chia sẻ cái khó của doanh nghiệp BĐS.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay thì phải thanh lý hợp đồng cơ quan tài nguyên mới cấp sổ đỏ cho người mua nhà. “Quy định này thực sự đang làm khó cho doanh nghiệp.”- ông Hiệp nói.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, hiện nay, một quy định mang tính bất di bất dịch khi buộc doanh nghiệp phải dành 20% quỹ đất của một dự án để làm nhà ở xã hội. Ông Hiệp cho đây là quy định quá cứng nhắc, bởi có những dự án doanh nghiệp đã phải cắt 20% quỹ đất làm trường học.

Do đó, nếu tiếp tục phải dành thêm 20% để làm nhà ở xã hội, thì đất kinh doanh chỉ còn 60%, trong khi vẫn phải đóng tiền sử dụng đất 100% diện tích. Đây chính là lý do giá nhà tăng cao, vì doanh nghiệp không còn cách nào khác, nếu không vướng quy định này thì giá nhà có thể giảm thấp hơn nhiều.

Liên quan đến nhà ở xã hội, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân Trương Anh Tuấn cũng bày tỏ sự rối rắm từ luật. Theo ông Trương Anh Tuấn, quy định hiện nay cho phép các dự án nhà ở xã hội được dành 20% làm nhà ở thương mại, nhưng lại yêu cầu cứ nhà bán ra phải có bảo lãnh.

Nhưng, trên thực tế, 80% dự án là nhà ở xã hội các doanh nghiệp đã bán hết không cần phải bảo lãnh. Thế nên, 20% phần thương mại còn lại khó bán vì ngân hàng không bảo lãnh 20% này, họ chỉ chấp nhận bảo lãnh cả dự án. Mặt khác, luật yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải công bố giá trước khi triển khai.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng có nhiều trường hợp bất khả kháng xảy ra như giá thép, giá xi măng, vật liệu tăng… Do vậy, muốn công bố giá trước, theo ông Tuấn, Bộ Xây dựng phải giới thiệu hoặc đảm bảo nguồn cung vật tư cho dự án giá ổn định cho đến khi hoàn thành.

Ngoài ra, còn có các ý kiến phản ánh của FLC, Ceo group,… về sự rườm rà thủ tục hành chính dẫn đến thời gian hoàn thành thủ tục cho dự án kéo dài đến vài tháng, thậm chí là nửa năm, khiến cho doanh nghiệp bỏ mất nhiều cơ hội khác, gây ức chế.

Hay là việc cùng thời điểm, doanh nghiệp phải tiếp vài đoàn thanh tra một lúc (thanh tra thuế, thanh tra xây dựng, thanh tra quận) khiến cho doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian làm việc với các đoàn thành tra, hoạt động sản xuất vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Cần minh bạch hóa thị trường BĐS

Trước những “cái khó” của doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã giải đáp một cách thấu tình đạt lý, nhằm đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia thị trường BĐS. Đồng thời lưu ý các doanh nghiệp BĐS, nếu có bất kỳ khúc mắc hay trở ngại gì nên gửi thư điện tử trực tiếp đến đích thân Bộ trưởng để xử lý nhanh hơn.

Đánh giá tổng quan thị trường BĐS trong 7 tháng qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, “thị trường vẫn tiếp tục xu hướng ổn định, có tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước”.

Tuy nhiên, thực tế thị trường đang hiện hữu một số điểm có thể dẫn tới rủi ro. Trước hết là sự lệch pha về cung - cầu nhà ở ngày càng tăng và sâu hơn. Tại nhiều địa phương, thành phố lớn trên cả nước, cung về nhà ở cao cấp, biệt thự, khách sạn đang cao hơn hẳn nguồn cung nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.

Trong khi nhu cầu của đại đa số người dân lại là nhà ở mức trung bình. Thứ đến là cho vay tín dụng đối với thị trường BĐS cũng đang mất cân đối (dù thực tế đánh giá theo thông lệ quốc tế thì tín dụng BĐS vẫn đang trong hạn mức an toàn, tức vẫn dưới 8%), bởi phần lớn tín dụng chỉ tập trung vào các dự án cao cấp, hoặc một số nhà đầu tư có tên tuổi. Chính điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tất cả các bên, nếu không kiểm soát tốt các dự án cho vay cũng như khả năng cung - cầu sản phẩm trên thị trường.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng đề cập đến việc đang có biểu hiện tăng giá nhà trên thị trường, do tác động của các nhà đầu tư thứ cấp. Một số dự án đã tăng giá từ 3 - 7%, thậm chí có dự án khách mua vẫn phải trả tiền chênh hàng trăm triệu.

Bộ trưởng cho rằng, đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro của thị trường BĐS. Vì thế, yêu cầu cần minh bạch hóa thị trường BĐS, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra BĐS nhưng không cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

Thương Huế

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-keu-kho-vi-luat-treo-ngoe-41122.html