Doanh nghiệp bảo hiểm lãi lớn

Sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế đang mở ra cơ hội kinh doanh rất lớn cho các DN trong ngành bảo hiểm. Điều này được thể hiện qua sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận của các DN bảo hiểm trong năm 2016.

Bảo Việt đang nắm giữ thị phần lớn trên cả 2 mảng nhân thọ và phi nhân thọ. Ảnh: ST.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Maritime (MSI), thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đang có sự tăng trưởng vượt bậc. Doanh thu phí bảo hiểm gốc của các DN bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng khá ổn định trong giai đoạn gần đây với tỷ lệ tăng trưởng trung bình khoảng 12%, cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực khi chỉ dao động khoảng 4 – 6%/năm. Trong đó, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) hiện là doanh nghiệp đầu ngành khi nắm giữ thị phần lớn trên cả 2 mảng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Trong thị phần bảo hiểm phi nhân thọ, BVH xếp thứ 2 về thị phần sau PVI và bỏ xa các đối thủ khác với lợi thế cạnh tranh đến từ mạng lưới rộng lớn. Trong thị trường bảo hiểm nhân thọ, BVH là doanh nghiệp nắm giữ vị trí số 2 sau Prudential và là doanh nghiệp nội duy nhất nằm trong top 5 thị phần. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2016 của BVH, lợi nhuận sau thuế quý 4/2016 của BVH đạt 275 tỷ đồng, tăng 28% so với quý 4/2015. Lũy kế cả năm 2016, Bảo Việt ghi nhận 1.391 tỷ đồng lãi ròng, tăng 18% so với năm 2015. Theo lý giải của lãnh đạo Bảo Việt, hoạt động của các đơn vị, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả cao, đóng góp vào lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn. Cùng với đó, thị trường tài chính và thị trường chứng khoán khởi sắc, tăng trưởng tốt, tạo điều kiện cho Bảo Việt tận dụng các cơ hội đầu tư khả quan, qua đó hiệu quả hoạt động đầu tư được nâng cao. Được biết, trong năm 2016, BVH đã mở rộng thêm các sản phẩm tích hợp và chuyên biệt như Easy Car, Easy Life, K-care. Đồng thời, BVH cũng tiếp tục phát triển mở rộng mạng lưới với việc thành lập thêm nhiều công ty thành viên, chi nhánh tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Quốc, TP.HCM…

Cùng với BVH, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PGI) cũng xếp thứ 5 về doanh thu trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với thế mạnh là bảo hiểm ô tô, xe máy chiếm hơn 45% tổng doanh thu kinh doanh hàng năm. Sự tăng trưởng của ngành ô tô là động lực cho sự phát triển kinh doanh của PGI trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác quản lý của PGI tỏ ra hiệu quả khi tỷ lệ bồi thường bảo hiểm của PGI luôn thấp hơn so với trung bình ngành. Năm 2016 doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PGI đạt 2.067 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 107 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2015.

Một tên tuổi lớn khác trong ngành bảo hiểm là Tổng công ty CP Bảo Minh (BMI) với doanh thu đứng thứ 3 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với thế mạnh là bảo hiểm cháy nổ chiếm hơn 20,2% thị phần. Hiện tại, SCIC là cổ đông lớn nhất của BMI với 50,7% cổ phần và đang lên kế hoạch thoái vốn. MSI đánh giá việc thoái vốn của SCIC sẽ là cơ hội lớn cho BMI thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là tập đoàn AXA SA – Pháp là công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, hiện đang nắm giữ 16,7% vốn của BMI và có ý định nắm quyền kiểm soát BMI. Kết thúc quý 4/2016, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty CP Bảo Minh là 86 tỷ đồng, tăng 277% so với cùng kỳ năm 2015. Theo ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh, trong kỳ, doanh thu bảo hiểm tăng 158 tỷ đồng, trong khi phí nhượng tái bảo hiểm chỉ tăng gần 19 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng tới gần 54 tỷ đồng so với quý 4/2015. Ngoài ra, kết quả hoạt động tài chính cũng tăng 21 tỷ đồng, góp phần gia tăng lợi nhuận sau thuế của Bảo Minh. Lũy kế cả năm, doanh thu bảo hiểm của BMI đạt trên 3.365 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2015. Trong khi đó, phí nhượng tái bảo hiểm giảm 3%. Nhờ đó, lãi ròng trong năm 2016 tăng mạnh 59%, đạt tới 188 tỷ đồng.

Trong năm 2017, ngành bảo hiểm được đánh giá là sẽ tiếp tục tăng trưởng cao khi các yếu tố vĩ mô và chính sách của nhà nước đều có tác động tích cực đến hoạt động ngành cùng với tỷ lệ thâm nhập còn thấp so với các quốc gia cùng khu vực. Theo MSI, GDP Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức quanh 6,6% trong năm 2017. Cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế, nhu cầu bảo hiểm tài sản thiệt hại, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm hàng hóa sẽ được cải thiện để đáp ứng nhu cầu đề phòng phát sinh rủi ro cho việc mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người tăng kéo theo đó là sự gia tăng của bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cộ.

Theo đó, năm 2017, BVH sẽ tiếp tục định hướng đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tích hợp bảo hiểm - đầu tư - tài chính, đồng thời hoàn thiện hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến. Tương tự, PGI đang có kế hoạch nghiên cứu thành lập phòng bảo hiểm trực tuyến để đẩy mạnh doanh thu bán bảo hiểm online và thành lập một công ty bảo hiểm trực thuộc tại khu vực Hà Nội.

Ngoài ra, các chuyên gia của MSI cũng dự báo, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là xu thế của ngành bảo hiểm. Dự kiến trong năm 2017, các hoạt động M&A và tăng vốn sẽ tiếp tục diễn ra với định hướng là nhóm cổ đông chiến lược nước ngoài. Hoạt động tăng vốn sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh, giữ lại phí bảo hiểm, tăng trưởng doanh thu cùng với đó là tiếp cận phương pháp quản lý, công nghệ kỹ thuật của các nhà đầu tư nước ngoài, là tiền đề cho sự thay đổi cả về chất và lượng của ngành bảo hiểm Việt Nam.

Theo số liệu từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, năm 2016 ngành Bảo hiểm Việt Nam có 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ, 17 DN bảo hiểm nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 12 DN môi giới bảo hiểm. Đáng chú ý, thị trường bảo hiểm nhân thọ đang chịu sự chiếm lĩnh, chi phối của các DN nước ngoài. Hiện top 5 DN bảo hiểm nhân thọ hàng đầu bao gồm Prudential, Bảo Việt Nhân Thọ, Manulife, Dai-ichi và AIA đang chiếm hơn 80% tổng số thị phần năm 2015. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh được đánh giá là do tính chất ngành đòi hỏi kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia cao cấp và có khả năng đưa ra những gói sản phẩm hợp lý đòi hỏi nguồn chi phí lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chỉ có 17 DN bảo hiểm nhân thọ, ít hơn khá nhiều so với các nước thuộc khu vực như Indonesia với 41 DN hay Philippines với 34 DN.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-bao-hiem-lai-lon.aspx