Doanh nghiệp “5 không”

Hiện nay, chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận được ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng (gọi tắt là NHTM), 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác. Đó là sự thật. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó.

CôngThương - Nhiều ý kiến cho rằng, với tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi “trách” các NHTM, DNNVV cần tự xem xét, đánh giá chính mình, bởi có một bộ phận không nhỏ DNNVV ở nước ta hiện nay đang là DN “5 không”.

Thứ nhất, không có chiến lược kinh doanh dài hạn. Những năm qua, không ít DNNVV ra đời chỉ nhằm thực hiện một thương vụ, một dự án kinh doanh bất động sản hoặc để khai thác một khu mỏ được cấp phép... Vì vậy, hoạt động kinh doanh không dựa trên năng lực cốt lõi mà chạy theo phong trào, “thiên hạ ăn khoai, vác mai đi đào”!

Thứ hai, không quan tâm xây dựng thương hiệu. Những yếu tố rất quan trọng như văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao tiếp, giữ chữ tín với đối tác, trong đó có các NHTM đã không được chủ doanh nghiệp quan tâm.

Thứ ba, không quản trị theo phương thức thuận tiện, thiếu quy định rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cán bộ quản lý, các bộ phận chuyên môn trong doanh nghiệp. Vì vậy, tình trạng “dẫm chân lên nhau” hoặc bỏ trống một hoặc một số lĩnh vực tất yếu sẽ xảy ra ở những mức độ khác nhau.

Thứ tư, không có thói quen tôn trọng pháp luật. Không ít DNNVV “vô tư” bán hàng không phát hành hóa đơn, để doanh thu ngoài sổ kế toán và báo cáo tài chính, chiếm dụng vốn của đối tác, không thực hiện nghĩa vụ nộp các loại bảo hiểm bắt buộc... dù biết đó là vi phạm pháp luật.

Thứ năm, không minh bạch với những đồng sở hữu, bạn hàng, người lao động, trong quản lý tài chính, kế toán. Tình trạng lập hai đến ba sổ kế toán và báo cáo tài chính với số liệu khác nhau khá phổ biến. Tình trạng không minh bạch với những đồng sở hữu đã dẫn đến mâu thuẫn nội bộ và một số DNNVV đã phải giải thể vì lý do này.

Với những DN “5 không” đó, thử hỏi NHTM nào dám cho vay kể cả khi có tài sản thế chấp? Bởi, không phải tài sản thế chấp nào của DN cũng có thể dễ dàng bán để thu hồi vốn cho vay khi phát mại tài sản.

Để chấm dứt tình trạng “5 không”, bản thân các DNNVV cần tự thân vận động, dũng cảm “lột xác”, mạnh dạn chuyển giao DN cho thế hệ trẻ làm chủ. “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, chúng ta không cần lực lượng DN đông đảo, trong đó có nhiều DN “5 không”.

Luật gia Vũ Xuân Tiền

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/doanh-nghiep/64832/doanh-nghiep-5-khong.htm