Đoàn xe 'đất tặc' trộm đất khoét nghĩa trang, phá đường điện (Kỳ 1)

Tình trạng 'đất tặc' lộng hành 'gặm' vào hành lang an toàn lưới điện cao thế và ăn đất 'chui' tại DA nghĩa trang.

Cột điện cao thế và dưới đường dây lưới điện cao thế bên đường Hùng Vương nối dài (xã Triệu Ái) đã bị đào bới lấy đất trái phép

Nhiều tuần điều tra, PV Báo Giao thông ghi nhận, tình trạng “đất tặc” lộng hành trên địa bàn huyện Triệu Phong, “gặm” vào hành lang an toàn lưới điện cao thế và ăn đất “chui” tại dự án nghĩa trang trên địa bàn Đông Hà (Quảng Trị).

“Mỏ đất chui” phá đường điện cao thế

Từ Km6 QL9D “đột nhập” vào con đường đất chưa đầy 100m, PV ghi nhận cả một khu vực dưới đường dây lưới điện cao thế 110kV trên địa bàn TP Đông Hà (Quảng Trị) bị đào bới sâu, với hàng ngàn mét khối đất đã bị “bốc hơi” trái phép. Tương tự, tại khu vực nằm cạnh tuyến đường Hùng Vương nối dài, thuộc khu quy hoạch Khu đô thị Nam sông Vĩnh Phước (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong), những hố đất sâu bị khai thác còn vương vãi. Không chỉ khu vực mép đường Hùng Vương, nạn “đất lậu” đào khoét lấn sâu vào các móng trụ điện cao thế. Hàng ngàn mét khối đất chạy dọc dưới đường dây từ trụ điện cao thế này vào tận con đường đất nằm bên hông trạm biến áp 220kV đang bị khai thác trái phép trắng trợn.

Mỗi ngày, hàng trăm lượt xe tải 2-3 trục ì ạch lưu thông trên những con đường đất dẫn vào khu vực khai thác đất vẫn rầm rộ lưu thông. Phía đơn vị quản lý đường dây của chi nhánh điện cao thế Quảng Trị nhiều lần cảnh báo: Thực trạng này dễ gây sạt, sập cột điện bất cứ lúc nào. Nhưng, ngành chức năng cũng chỉ cắm được tấm biển “Cấm đào múc đất dưới hành lang an toàn lưới điện quốc gia” ở những hố đất đã bị đào sâm nham nhở bên đường Hùng Vương. Ngay bên phải tuyến đường Hùng Vương nối dài (xã Triệu Ái) là con đường đất đang bị “cày xới” như đang được thi công.

Theo Sở Xây dựng Quảng Trị, ngày 15/10/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, đoạn 2015 - 2025, quy hoạch 32 điểm mỏ. Trong số đó, TP Đông Hà không có điểm mỏ nào, còn huyện Triệu Phong có 2 mỏ là Triệu Thượng và Km 6 đường Hùng Vương nối dài. Huyện Cam Lộ có 3 mỏ là Tân Lập, Km 4+800 tiểu khu 585 và Thiết Tràng.

Sở Xây dựng Quảng Trị cũng cho biết, sở này lập quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố quy hoạch. “Cấp mỏ cho những ai là Sở TN&MT cấp, trong đó có cả mỏ san lấp đã được quy hoạch và có những điểm không nằm trong quy hoạch nhưng cải tạo đất… Về tài nguyên khoáng sản là địa phương quản lý nhưng Nhà nước quy hoạch (cấp huyện trở xuống không làm được quy hoạch)”, ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở Xây dựng Quảng Trị) cho biết.

Theo lãnh đạo UBND xã Triệu Ái, đây là tuyến đường mở để chở gỗ tràm khai thác. Tuy nhiên, khi PV “đột nhập” sâu vào bên trong, giữa những cánh rừng tràm đã khai thác và đang chờ thu hoạch, không ít khoảng đất bị đào sâu nham nhở với khối lượng lên đến hàng ngàn mét khối.

Mỗi ngày từng đoàn xe tải nặng ra vào “ăn đất” một cách công khai, rồi ra lại đường chính, lưu thông về phía ngã tư đèn xanh - đèn đỏ đường Hùng Vương nối dài - QL9D, sau đó tiếp tục rẽ trái vào QL1 Nam TP Đông Hà. Trung tuần tháng 3/2017, PV bám theo xe chở đất BKS 74C-0537 rời khu vực “mỏ đất” trái phép này vượt hành trình gần chục km về phía dự án trên đường Thanh Niên (phường Đông Giang).

Mới đây nhất, ngày 28/3, xe tải BKS 74K-5404 từ góc rừng tràm xuôi QL9D rồi rẽ qua đường Hùng Vương, đáp lại khu vực đang cải tạo bồn hoa ở trung tâm TP Đông Hà. Từng đoàn xe tải ì ạch từ mỏ đất trái phép chạy về san lấp mặt bằng cho các dự án khu dân cư, đô thị. Nhiều xe chạy qua cầu Đông Hà sau đó rẽ phải vào đường Thanh Niên đổ đất san lấp mặt bằng cho công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư đường Thanh Niên (P. Đông Giang). Một số xe rẽ vào đường Đặng Dung (phường 2, đối diện khách sạn Mường Thanh Quảng Trị) ra đường Cồn Cỏ để san lấp mặt bằng cho một dự án khác…

Ông Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Trị cho biết: Sở này không cấp phép khai thác đất tại các vị trí nói trên. Ông Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND xã Triệu Ái cũng xác nhận: “Việc khai thác đất ở đây chưa được phép. Xã đã ra quân đẩy đuổi, xử lý mấy lần rồi nhưng rất nan giải. Lực lượng vừa rút thì “đất tặc” lại hoành hành, tiếp tục làm chui. Ngay tuần tới, xã sẽ thành lập đoàn ra kiểm tra, xử lý lần nữa”, ông Sơn nói.

Xe vào ra đoạn Km5 QL9D chở đất từ Sơn trang Vĩnh Hằng rồi xuôi về TP Đông Hà

“Ăn đất” nghĩa trang

Trung tuần tháng 3/2017, từ Km5 QL9D, PV theo dấu xe chở đất vào sâu bên trong con đường đất đề tấm biển: Đường vào Nghĩa địa làng Điếu Ngao (P.2, TP Đông Hà), nối vào cổng sau của Dự án xây dựng Nghĩa trang công viên “Sơn trang Vĩnh Hằng” (thuộc P. Đông Lương, Đông Hà). Hơn năm nay, nghĩa trang này được tỉnh Quảng Trị giao đất cho Công ty TNHH MTV Thép Đồng Tiến (chủ đầu tư) xây dựng cũng là lúc những đoàn xe tải “âm thầm” chở đất xuôi về QL9D…

PV bám theo hàng loạt xe tải hiệu KAMAZ BKS 74K 2667, 74C-02036… từ Sơn trang Vĩnh Hằng bẻ lái ra Km5 QL9D. Khi đến Km4 QL9D, cánh tài xế rẽ trái vào tuyến vào đường vành đai cứu hộ, cứu nạn phía Tây TP Đông Hà và hướng về trung tâm thành phố. Một số xe tiếp tục lưu thông trên QL9D, rẽ phải vào QL1 qua TP Đông Hà rồi rẽ trái vào đường Nguyễn Hoàng (phường Đông Lương) để đổ đất san lấp mặt bằng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Trị khẳng định, Công ty TNHH MTV Thép Đồng Tiến được tỉnh giao đất để xây dựng Nghĩa trang công viên Sơn trang Vĩnh Hằng, còn nếu công ty này cải tạo, tận dụng đất đó chở đi nơi khác thì phải xin cấp phép. Nhưng đơn vị này không xin cấp phép.

Với thực tế diễn ra hàng ngày cùng với quy hoạch Sơn trang Vĩnh Hằng có thể nhẩm tính số đất bị vận chuyển chui lên đến con số khổng lồ, dẫn đến những thất thoát không nhỏ về thuế phí, lệ phí khai thác theo quy định. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch, “Sơn trang Vĩnh Hằng” có quy mô diện tích 330.672m2. Trong đó riêng đất khu mộ, phân chia thành: Khu mộ đặc biệt (13.701m2), khu mộ đại chúng (20.546m2), khu mộ gia đình (71.780m2) và khu mộ dòng tộc 38.992m2. Với diện tích này, nhân với phần đất cải tạo “hạ bớt 5 tấc”- như lời ông Nguyễn Thế Đồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Đồng Tiến lý giải, là con số không nhỏ. Theo ông Đồng, do Sơn trang làm các bậc cấp quá cao nhưng đất không đảm bảo, bị xói mòn nên phải cải tạo và phải xây tường để giữ đất không bị xói xuống các phần mộ phía dưới. Số đất này được công ty thuê một đơn vị cải tạo san ra, nhưng ông Đồng cho rằng: Không thể biết họ đổ đi đâu và bản thân ông cũng “không rành về các thủ tục pháp lý”…

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: http://www.atgt.vn/doan-xe-dat-tac-trom-dat-khoet-nghia-trang-pha-duong-dien-ky-1-d202085.html