Đoàn nghệ thuật Đam San sẽ đi về đâu?

VH- Nếu tính một cách đầy đủ thì đến nay Đoàn nghệ thuật Đam San tỉnh Gia Lai đã vừa tròn 55 năm tuổi.

Mặc dù đã vượt qua cái tuổi “tri thiên mệnh”, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật cho nhân dân, song đến nay “mảnh đất cắm dùi” của Đoàn vẫn đang còn rất chênh vênh. Nói khác đi là, sự an cư của Đoàn luôn biến động theo “thời cuộc”. Lại thêm một lần nữa biết về câu chuyện này, chiều trung tuần tháng chín, chúng tôi tới thành phố Pleiku và tìm đến Đoàn nghệ thuật Đam San dưới cơn mưa giông bất chợt. Trụ sở của Đoàn tọa lạc trên một vị trí rất đắc địa khi toàn bộ mặt tiền hai bên đều tiếp giáp với hai con phố lớn Hùng Vương và Nguyễn Thái Học. Nhưng buồn thay, nhìn bề ngoài khó ai có thể nhận biết đây là “ngôi nhà” của một đoàn nghệ thuật lớn của Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, ngoại trừ dòng biển gắn trước hiên nhà. Độ hơn hai tháng trở lại đây, nhất là sau buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng với Đoàn nghệ thuật Đam San, dư luận trong, ngoài Đoàn râm ran mỗi câu chuyện “lại đi hay ở nữa đây”. Sở dĩ nói thế là vì, sau buổi làm việc đó, có thông tin cho rằng, lần này trụ sở của Đoàn lại phải tiếp tục di dời đến một nơi khác “xa xa” hơn, sau mấy năm được coi là tạm ổn định nơi đây. Dẫn chúng tôi “tham quan” một vòng trong, ngoài ngôi nhà của Đoàn cỡ hơn năm trăm mét vuông, NSƯT Trương Đức Hà, Phó trưởng Đoàn nghệ thuật Đam San hạ một câu: “Chỗ này đã xuống cấp lắm rồi và cũng chỉ có vậy thôi”. Cái gọi là “chỉ có vậy thôi” vốn trước đây là công trình rạp chiếu bóng hay rạp biểu diễn gì đó được xây dựng vào những năm 90 của thế kỷ trước. Sau khi tiếp nhận, Đoàn đã cố gắng “sáng tạo” theo kiểu cơi nới để một góc làm nơi tập thanh nhạc, góc khác tập luyện đàn, gần đó là cái “kho” để trang, thiết bị như loa, đài, ánh sáng và nhạc cụ. Bên mép trái của ngôi nhà nhìn từ ngoài vào được cất dựng thành “hội trường”. Trung tâm ngôi nhà là một sân khấu với sức chứa khoảng ba trăm chỗ ngồi. Chỉ tay về phía sân khấu, NSƯT Đức Hà cho biết, trên đấy là sân tập múa của diễn viên nhưng không đủ tiêu chuẩn. Đi ra phía sau tường sân khấu là hai căn nhà cấp bốn để cho diễn viên thay trang phục khi biểu diễn. Mấy năm trở lại đây, do đã xuống cấp khá nghiêm trọng nên mỗi lần mưa xuống là trần nhà, vách tường đều bị ngấm nước ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của diễn viên cũng như việc bảo quản máy móc, phương tiện. Nhận thấy cơ sở vật chất nơi đây khá eo hẹp về diện tích và chỉ đủ cho việc tập luyện của nghệ sĩ, diễn viên nên cách đây không lâu tỉnh đã cấp tiếp một “trụ sở” khác liền kề với ngôi nhà này để lãnh đạo Đoàn lấy chỗ làm việc, cũng như những diễn viên nào nhà ở xa làm nơi “tệ xá”. Tâm sự với chúng tôi, NSƯT Đức Hà cho biết, so với yêu cầu quả thật cơ ngơi này khá chật chội và không đủ tiêu chuẩn để tập luyện. Mấy năm gần đây, tỉnh cũng rất quan tâm đến Đoàn như đầu tư mua sắm thiết bị âm thanh, phương tiện. Và nếu được tỉnh xây dựng cho một trụ sở khang trang, đúng tiêu chuẩn và ngay trung tâm thì rất tốt, vì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn hoạt động dịch vụ cho Đoàn. Nghệ sĩ, diễn viên tập luyện trong căn phòng chật hẹp Qua trao đổi với chúng tôi, một số nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn cũng cho biết, cơ sở vật chất nơi đây bị chắp vá quá nhiều, không đủ tiêu chuẩn để tập luyện, hơn nữa diện tích mặt sàn hiện tại còn nhỏ. Tốt nhất là được tỉnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc cho xây dựng mới tại địa điểm này vì đây là vị trí trung tâm của thành phố. Ca sĩ Thu Hà nói rằng: “Chúng em cũng được nghe nói đến chủ trương về việc di dời trụ sở Đoàn. Đến nơi mới lại được xây dựng trụ sở khang trang thì cũng hay nhưng cần phải ở vị trí trung tâm thành phố, cách đây một, hai cây số là vừa. Còn nếu ở xa thì rất khó cho bọn em. Nhưng nói thật, tại vị trí này mà được xây dựng mới là hay nhất”. Khi được hỏi, “Khó ở chỗ nào”, ca sĩ Thu Hà cho biết, thường mỗi lần đi biểu diễn ở cơ sở phục vụ bà con đồng bào về đến thành phố đã gần hai, ba giờ sáng. “Nếu ở tại địa điểm này bọn em còn đỡ, còn nếu ở xa dăm bảy cây số thì khó khăn lắm, thậm chí không dám về nhà vì... sợ. Hơn nữa, sau mỗi lần biểu diễn như vậy, sáng hôm sau bọn em lại lên Đoàn tập tiếp”, Hà tâm sự. Và đây cũng là tâm tư nguyện vọng của nhiều cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn. Mặt khác, mặc dù không nói ra nhưng ai nấy trong Đoàn đều biết, hiện nay số nghệ sĩ, diễn viên chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng đến tuổi nghỉ biểu diễn chiếm con số không nhỏ. Họ sẽ làm gì đây? Nếu chuyển đến một địa điểm mới nằm cách xa trung tâm thành phố, ít dân cư và vắng người qua lại thì rất khó mở ra một số dịch vụ (đúng với chủ trương của tỉnh) để những người đó có việc làm và tăng thêm một phần thu nhập. Trong câu chuyện này, chúng tôi nhận thấy sự phấn khởi xen lẫn tâm tư nằng nặng trong cán bộ, diễn viên của đoàn. Không biết có đoàn nghệ thuật nào như Đoàn nghệ thuật Đam San khi trong khoảng ba mươi năm trở lại đây gần như phải liên tục di chuyển trụ sở, và cũng trong ngần ấy năm chưa có một trụ sở theo đúng nghĩa của nó vì chủ yếu là những cơ sở tạm bợ, chắp vá. Đoàn có tiền thân là Đoàn ca múa Miền Nam được thành lập năm 1955. Đến năm 1968, Đoàn được tách ra từ Đoàn ca múa Miền Nam và lấy tên Đoàn ca múa Nhân dân Tây Nguyên. Sang năm 1976, Đoàn ca múa Nhân dân Tây Nguyên được Bộ Văn hóa ra quyết định chuyển về Tây Nguyên, có trụ sở đặt tại Pleiku do Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum quản lý, và đổi tên thành Đoàn nghệ thuật Đam San với nhiệm vụ biểu diễn phục vụ nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Năm 1978, Đoàn đóng quân ở phố Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1992, quay về “tá túc” ở nhà hát Trần Hưng Đạo. Năm 1997, “lại được” điều đến đóng chân trên phố Phạm Văn Đồng. Chưa kịp thời ổn định để lạc nghiệp thì đùng một cái được lệnh đưa quân về địa điểm hiện nay. Và đến hôm nay thì lại... Các cụ dạy “Có an cư mới lạc nghiệp”. Với Đoàn nghệ thuật Đam San thì mặc dù chưa có mảnh đất “cắm dùi” một cách thực sự ổn định nhưng trong hàng chục thập kỷ qua vẫn luôn sưu tầm, nghiên cứu những giá trị văn hóa, vẫn luôn sáng tạo nên những tác phẩm mới phục vụ biểu diễn đồng bào các dân tộc trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả quốc tế. Cũng chính vì lẽ đó mà Đoàn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nguyễn Hòa-Ngọc Phương

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/29444.vho