Đoàn kết quốc tế - phát huy sức mạnh thời đại trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

ND - Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới. Vì thế, thực hiện đoàn kết quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế chân chính là một vấn đề nguyên tắc có quan hệ tới sự sống còn của cách mạng và sự thành bại của công cuộc cứu nước.

Đặc biệt, trong cuộc đụng đầu với Mỹ, yếu tố thời đại có tác động rất lớn đến so sánh lực lượng giữa ta và địch. Do đó, Đảng ta chủ trương, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện cho được vấn đề đoàn kết với các lực lượng cách mạng trên thế giới, phải chăm lo vun đắp và phát triển sự đoàn kết giữa nước ta với các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, trước hết là với Liên Xô, Trung Quốc, lấy đó làm cơ sở, làm hạt nhân để mở rộng đoàn kết với tất cả những người cộng sản, những lực lượng cách mạng, hòa bình, dân chủ và tiến bộ khác trên thế giới. Đây là một thành công có ý nghĩa chiến lược trong hoạt động đối ngoại của Đảng ta, đặc biệt trong việc xây dựng, củng cố quan hệ hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của hai nước từ đầu cho đến kết thúc chiến tranh. Trong những năm tháng chiến tranh, các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, hai nước Liên Xô và Trung Quốc nói riêng đã dành cho sự nghiệp kháng chiến của ta sự giúp đỡ quý báu. Hai nước đã ủng hộ, cổ vũ Việt Nam mạnh mẽ, góp phần kiềm chế chính sách phiêu lưu của các thế lực xâm lược hiếu chiến. Tổng số viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ước tính trị giá khoảng bảy tỷ rúp (ba tỷ USD theo tỷ giá lúc bấy giờ), trong đó phần lớn là từ Trung Quốc và Liên Xô (1). Đối với nhân dân và các lực lượng hòa bình tiến bộ trên thế giới, trước những thủ đoạn ngoại giao và luận điệu tuyên truyền đánh lạc hướng dư luận, biện hộ cho hành động xâm lược của Mỹ, ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, vạch trần âm mưu và tội ác xâm lược của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, làm cho nhân dân và chính phủ nhiều nước, trước hết là các dân tộc Á, Phi, Mỹ la-tinh đồng tình, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, phản đối chính sách hiếu chiến, xâm lược của đế quốc Mỹ. Vì lẽ đó, ở nhiều nước, hai tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh đã trở thành khẩu hiệu tập hợp nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau đoàn kết với Việt Nam. Nhiều nhà cầm quyền các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau, nhiều lãnh tụ các tổ chức quốc gia, quốc tế, các tổ chức tôn giáo, xã hội; nhiều chính giới, nhân sĩ, trí thức có tên tuổi bằng những hình thức khác nhau đã tham gia các phong trào đoàn kết với Việt Nam. Đặc biệt, trong những thời điểm quyết định của cuộc kháng chiến, sự ủng hộ đó đã tiếp thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần cho quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Với nhân dân tiến bộ Mỹ, Đảng và Nhà nước ta chủ trương làm cho họ ngày càng hiểu rõ lập trường và thiện chí của ta, thấy được tính chất phi nghĩa, tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược mà các đời tổng thống Mỹ theo đuổi ở Việt Nam. Tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, những thắng lợi to lớn, toàn diện về quân sự, chính trị của quân và dân ta trên cả hai miền nam, bắc, sự vững vàng của miền bắc xã hội chủ nghĩa trước thử thách khốc liệt của chiến tranh đã làm thất bại âm mưu và nhiều thủ đoạn ngoại giao của Mỹ, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ quốc tế ngày càng rộng rãi, to lớn. Những tấm gương tiêu biểu như hành động tự thiêu của người chiến sĩ hòa bình Nóc-man Mô-ri-xơn ở Mỹ, cuộc đột kích của quân du kích Vê-nê-xu-ê-la bắt một sĩ quan Mỹ giữa thủ đô Ca-ra-cát để đòi đổi lấy Anh hùng Việt Nam Nguyễn Văn Trỗi, sự kiện tòa án quốc tế Becrang Rutxen xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ cùng hàng nghìn, hàng vạn cuộc mít-tinh, biểu tình, hội thảo... của các tầng lớp nhân dân khắp nơi trên thế giới và ngay cả trong lòng nước Mỹ... đã làm lay động lương tâm của loài người tiến bộ, làm cho mặt trận đoàn kết ủng hộ Việt Nam trở thành một phong trào rộng lớn mang tính toàn cầu và tiếng nói ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ ngày càng thêm sức nặng. Tất cả những hoạt động trên đã trở thành nhân tố quan trọng tác động đến sự ổn định trong lòng nước Mỹ, chi phối quá trình điều hành chiến tranh của Chính phủ Mỹ, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt sự dính líu về quân sự ở miền nam Việt Nam. Xuất phát từ bối cảnh quốc tế và tình hình cách mạng miền nam từ sau khi ký Hiệp định Pa-ri, trong hoạt động đối ngoại giai đoạn này, Đảng ta chủ trương đẩy lùi khả năng Mỹ can thiệp trở lại; chuẩn bị dư luận quốc tế làm cho thế giới thấy Mỹ - Thiệu là kẻ phá hoại Hiệp định Pa-ri; tiếp tục tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới đối với việc ta quyết định đánh ngày càng mạnh, giải phóng miền nam. Khi xuất hiện thời cơ chiến lược trong chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, ta phán đoán Mỹ không có khả năng can thiệp lại. Song, ta cũng dự kiến, dù Mỹ có can thiệp lại trong chừng mực nhất định thì chúng cũng không xoay được tình thế và ta vẫn thắng. Thông qua các tổ chức tiến bộ, các nhân vật ở Mỹ, các tổ chức quốc tế, ta đã tác động vào nội bộ Mỹ chống lại sự dính líu và can thiệp của chính phủ họ, nhằm cô lập chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Trước những hành động lấn chiếm của quân ngụy, ta đã vận động các nước, các tổ chức quốc tế lên án Mỹ - Thiệu. Khắp nơi trên thế giới đều dấy lên phong trào mít-tinh, biểu tình, ủng hộ cuộc chiến đấu của quân và dân ta chống lại chính quyền ngụy ở Sài Gòn. Ngay tại một số nước đồng minh của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam như Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân... cũng phản ứng gay gắt trước hành động lấn chiếm, vi phạm Hiệp định Pa-ri của chính quyền Thiệu. Trong giai đoạn chuẩn bị mở cuộc tổng tiến công lớn, hoạt động đối ngoại của ta đã rất thành công trong việc tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân và chính giới yêu chuộng hòa bình, công lý, làm cho họ ủng hộ, đồng tình hoặc ít nhất cũng không phản đối việc ta đánh mạnh hơn bằng cách giương cao ngọn cờ thi hành Hiệp định, chống phá hoại của chính quyền Thiệu. Đến lúc đi vào chiến dịch Hồ Chí Minh, ngoại giao của ta đã tranh thủ được sự đồng tình quốc tế bằng việc làm cho thế giới thấy rõ ta giải phóng miền nam là phù hợp với trào lưu dân tộc, dân chủ trên thế giới. Vì vậy, trong suốt quá trình diễn biến cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ta vẫn tiếp tục nhận được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh của nhân dân Lào và Cam-pu-chia, tránh được âm mưu tách cuộc tiến công chiến lược ở miền nam với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới. Có thể nói, trong suốt cuộc kháng chiến, Đảng ta luôn tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy cao nhất sức mạnh của thời đại, coi đó là một bộ phận hợp thành đường lối chống Mỹ, cứu nước và đã đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có tầm quan trọng chiến lược, góp phần tạo nên sự vượt trội về thế và lực của nhân dân ta đánh thắng kẻ thù. Dưới tác động của hoạt động đối ngoại và của chính cuộc kháng chiến của quân và dân ta, một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược đã hình thành và phát triển. Mặt trận đó bao gồm các nước xã hội chủ nghĩa, các nước độc lập dân tộc, các phong trào cách mạng, các lực lượng hòa bình, các xu hướng dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới, kể cả một bộ phận đông đảo nhân dân Mỹ. Như vậy, cùng với mặt trận đại đoàn kết toàn dân trong nước và liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương, mặt trận đoàn kết quốc tế đó đã góp phần tạo ra một tập hợp lực lượng chưa từng thấy, bao vây, cô lập và tiến công kẻ thù, phát huy sức mạnh thời đại kết hợp với sức mạnh dân tộc làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975. (1) Ban Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học. Nxb CTQG, H.2000, tr.601.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=171888&sub=130&top=37