Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và của dân tộc

ND - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là điểm mấu chốt, điểm này mà thực hiện tốt thì mọi việc đều thành công. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự sống chết của mỗi cá nhân và cả cộng đồng dân tộc đều gắn với cách mạng "có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết"(1). Từ đó Người đặt câu hỏi cách mạng trước hết phải có cái gì? Câu trả lời là: cách mạng trước hết phải có Đảng.

Cũng với quan điểm trước hết cần có Đảng, khi viết Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh "trước hết nói về Đảng". Đặc biệt là ngay sau cụm từ "Trước hết nói về Đảng", Người đi thẳng vào vấn đề đoàn kết trong Đảng, với ba quan điểm lớn có ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc: Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài viết bàn về truyền thống đoàn kết của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân và của dân tộc, là đạo đức là văn minh, phải biết kế thừa, phát huy đoàn kết "truyền thống cực kỳ quý báu" mà biết bao thế hệ người Việt Nam bằng công sức, trí tuệ và xương máu đã tạo dựng nên. Với quan niệm truyền thống "giàu đôi con mắt", Bác đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở "cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Với cách so sánh này, Bác đã khẳng định trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết thì việc tạo dựng khối đoàn kết trong Đảng là quan trọng nhất. Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục tiêu và kết quả của đoàn kết. Đoàn kết của những người cộng sản khác về chất với đoàn kết theo kiểu phe nhóm, phường hội. Người từng căn dặn, sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí, những người cộng sản liên kết chặt chẽ với nhau để "một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc". Nhớ lại hồi năm 1951, trong bài phát biểu kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Người nói: "Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc"(2). Chính sự đoàn kết chặt chẽ của những người cộng sản vì mục tiêu cao cả thiêng liêng đó là nhân tố quan trọng nhất để cách mạng Việt Nam "tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác". Những thắng lợi không chỉ có ý nghĩa dân tộc, mà mang tầm vóc quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1945, lần đầu tiên trong lịch sử các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi, với khoảng năm nghìn đảng viên đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, đã nắm chính quyền trong toàn quốc. - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, qua chín năm kháng chiến gian khổ (1945 - 1954) với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" nhân dân Việt Nam đã góp phần to lớn vào việc xóa đi một vết nhơ trong lịch sử loài người là chủ nghĩa thực dân. - Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta còn phải hy sinh nhiều của, nhiều người, có thể kéo dài mấy năm nữa nhưng điều chắc chắn là nhân dân ta nhất định thắng lợi, đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra kế sách lâu dài để giữ gìn và phát huy đoàn kết trong Đảng. Kế sách ấy xuất phát từ những nguyên tắc tổ chức hoạt động của những người cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ, cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là: Thực hành dân chủ rộng rãi. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là dân là chủ, dân làm chủ. Dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ dân tộc đến quốc tế. Xuất phát từ quan điểm cách mạng trước hết cần có Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh "trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình". Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều bài viết về tự phê bình và phê bình trong Đảng. Người coi đây là việc làm thường xuyên như rửa mặt hằng ngày, và chính Người là một tấm gương sáng, tấm gương lớn về tự phê bình và phê bình để mỗi chúng ta học tập và làm theo. Điều quan trọng nhất để có được dân chủ rộng rãi trong Đảng trên thực tế, cũng như tự phê bình và phê bình mang lại hiệu quả thiết thực, những người cộng sản "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Điều cần nhấn mạnh là Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, sửa chữa kéo dài trong 5 năm. Năm 1966, sau nhiều lần cân nhắc, suy nghĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ viết thêm một câu gồm chín chữ trên bổ sung vào phần đoàn kết trong Đảng. Câu đó là: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Một câu thôi, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cân nhắc rất kỹ khi viết, bởi đó là điều rất quan trọng để thực hiện đoàn kết trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin không phải là cái gì cao xa mà sống với nhau cho có nghĩa, có tình cũng là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Bởi vậy, câu bổ sung trên cho thấy sự nhất quán trong triết lý sống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên và Người thật sự làm gương sống với nhau có tình, có lý. Thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác về đoàn kết trong Đảng ngay tại Lễ Truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 10-9-1969, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng và những người tham dự đã thề trước anh linh Người: Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân, bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp và dân tộc Việt Nam hoàn toàn thắng lợi. Quán triệt tư tưởng đoàn kết Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời thề đoàn kết cách đây 40 năm, trong những Đại hội Đảng gần đây, vấn đề đoàn kết đã trở thành một chủ đề lớn tại Đại hội IX - Đại hội mở đầu thế kỷ 20 diễn ra với chủ đề: Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội X "Phát huy sức mạnh toàn dân tộc" được đặt ở vị trí trung tâm: Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đưa vấn đề phát huy sức mạnh đoàn kết thành chủ đề của các Đại hội Đảng thể hiện tư duy chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự quán triệt và thực hiện tư tưởng đoàn kết trong Đảng được Người thể hiện trong Di chúc. 40 năm qua, nhiều lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tâm niệm làm theo. Ở thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang phấn đấu nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, đẩy mạnh công cuộc CNH, HĐH đất nước càng bừng sáng ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Di chúc nói chung, vấn đề đoàn kết trong Đảng nói riêng. PGS, TS Nguyễn Khánh Bật ................................................ (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 3, tr. 9. (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 183.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=155737&sub=130&top=37