Đoạn kết êm đẹp của vụ bản quyền truyền hình

(CATP) Cuối tuần rồi, tôi nhận được điện thoại từ một ông bầu đang nằm trong bộ sậu lãnh đạo VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN). Anh nói như reo:”Xong rồi. Vụ bản quyền truyền hình bóng đá VN đã kết thúc trong êm đẹp. Chúng tôi vừa làm việc xong với anh Vũ - Phạm Nhật Vũ - ông chủ của Công ty AVG, đơn vị nắm bản quyền truyền hình bóng đá VN đến 20 năm. Chưa thể chính thức công bố nội dung chi tiết nhưng AVG đã chấp nhận thay đổi thời gian của bản hợp đồng với VFF (Liên đoàn Bóng đá VN) hợp lý hơn”.

Và ông bầu này cũng cho biết rằng, VPF đã ngưng không gởi công văn khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nữa.

Như vậy, vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá VN đã kết thúc êm đẹp.
Nhìn lại toàn bộ câu chuyện này, dù có vui mừng vì nó đã kết thúc theo chiều hướng hòa bình nhưng vẫn cứ tiếc. Tiếc rằng, giá mà các bên bình tĩnh hơn, thật sự vì bóng đá nước nhà hơn thì đã không có chuyện “huynh đệ tương tàn” gây ồn ào đến gần nửa năm trời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mọi chuyện bắt đầu từ một nền truyền hình bao cấp, quen kiểu nhà đài đến sân bóng thì chỉ có cơm bưng nước rót phục vụ cho các phóng viên truyền hình. Chục năm trước, ông Đặng Quang Dương - Trưởng đoàn bóng đá Công an TPHCM - đã bức xúc nói về chuyện này và cho rằng không thể có bóng đá chuyên nghiệp khi mà các đội bóng hoàn toàn không có được một xu nào từ truyền hình, dù ngày ấy ít ra truyền hình cũng kiếm được chút đỉnh từ quảng cáo. Vậy nên mới có chuyện ông Dương đòi trả một đồng danh dự cũng được, nếu truyền hình muốn vào sân truyền trực tiếp trận đấu của đội mình.

Bức xúc với truyền hình nên khi có AVG nhảy vào đề nghị mua bản quyền 20 năm, VFF đồng ý ngay. Có thể thông cảm với VFF về mặt tình, chứ xét về lý thì không thể được khi mang cái mà không phải của mình đi bán. Cái không phải của mình ở đây chính là việc nhiệm kỳ hiện tại chỉ có bốn năm, hoàn toàn không biết tương lai sẽ phát triển đến đâu, vậy mà dám bán đến 20 năm là hơi bị thiếu trách nhiệm. Đáng tiếc là dư luận đã lên tiếng cảnh báo về chuyện này nhưng VFF vẫn bỏ ngoài tai.

Thế rồi VPF ra đời. Các ông bầu làm bóng đá cũng có lý khi cho rằng cái tài sản lớn nhất là bản quyền truyền hình giờ đây nằm trong tay người khác thì làm sao kinh doanh kiếm lãi về cho bóng đá. VPF đấu tranh chuyện giảm thời hạn hợp đồng và nâng giá tiền là đúng. Chỉ có cách làm là gây bức xúc khi bầu Kiên đăng đàn tuyên bố nhiều khi quá đà.

Tất cả đều đã đi qua. Điểm lại chuyện cũ chỉ để mong rằng mọi chuyện cần giải quyết sao cho thật chuyên nghiệp và dựa trên chữ tình với quê hương đất nước. Kẻo không, thiên hạ lại cứ rêu rao: một doanh nhân VN thì giỏi hơn một doanh nhân Nhật nhưng hai doanh nhân VN thì không bằng một doanh nhân Nhật. Bởi khi đó hai doanh nhân VN lo đánh nhau chứ chẳng lo hợp tác!

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=941&id=468000&mod=detnews&p=