Đoan Hùng mùa hái 'ngọc trời'

Những ngày cuối mùa thu, về miền đất Đoan Hùng (Phú Thọ) bên dòng sông Lô hiền hòa, ai ai cũng cảm nhận được không khí tấp nập thu hoạch bưởi, một đặc sản nổi tiếng của vùng đất này.

Để có những mùa bưởi bội thu, từ bao đời nay, cư dân ở bên dòng Lô Giang đã bền bỉ giữ giống bưởi quý, sớm hôm chăm chút cho từng gốc bưởi, từng nụ hoa để có những trái ngọt mỗi khi vào mùa…

Ngọc trời ban tặng

Chẳng biết từ bao giờ, giống bưởi quý có mặt ở vùng đất Đoan Hùng, bén rễ bên dòng Lô Giang hiền hòa. Cũng không biết ai là người lặn lội lên xã Đại Minh (Yên Bình -Yên Bái) để mang giống bưởi đặc sản, bưởi tiến vua ngày xưa về trồng trên vùng đất này. Chỉ biết rằng, ở những xã vùng ven sông Lô như Chí Đám Phương Trung, Khả Lĩnh, Bằng Luân… là những vùng đất bưởi ưa đất, ưa người mà sinh trưởng, đơm hoa kết trái từ bao đời nay. Để nói về giống trái quý góp phần làm ấm no cho bao người dân, người ta gọi đó là ngọc trời ban tặng cho vùng đất này.

Cây bưởi Đoan Hùng gắn bó với con người, với lịch sử hào hùng của vùng đất. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp mà tiêu biểu là chiến thắng sông Lô năm 1947 diễn ra trên dọc tuyến sông Lô Đoan Hùng - Tuyên Quang, khi ấy để chặn đường tiến quân của kẻ thù, người dân hai bên bờ sông Lô của Đoan Hùng đã hợp sức cùng với bộ đội chủ lực cản bước tiến của thực dân trên sông. Người dân đã dùng hàng ngàn trái bưởi trồng hai bên bãi bồi ven sông thả xuống dòng sông Lô theo từng hàng. Nhìn từ xa, tàu Pháp ngỡ những hàng quả bưởi trôi trên sông là những ngư lôi của quân ta nên chúng khiếp sợ và rút lui nhanh chóng. Câu chuyện bưởi tham gia vào trận chiến sông Lô đến nay vẫn được các bậc cao niên trong làng kể lại cho con cháu nghe. Được nghe, người dân thêm niềm tự hào về giống bưởi quý quê mình.

Để có những mùa bưởi bội thu, người dân trong các xã ở Đoan Hùng quý và chăm sóc cây bưởi đặc sản hơn cả chăm sóc mình vậy. Trong mỗi khu vườn, người ta chặt bỏ những cây cao, rợp bóng để tạo khoảng không cho bưởi dại nắng. Chủ nhân của những vườn bưởi ngày ngày tưới nước, bón phân và chăm sóc cho từng gốc bưởi. Họ coi bưởi là loài cây đã gắn bó với con người và mảnh đất này từ bao đời nay, vì thế, không thể để mất đi giống bưởi quý, giống bưởi sẽ giúp họ phát triển kinh tế vườn một cách hiệu quả. Vào mùa bưởi trổ hoa, người dân dường như mất ăn mất ngủ để chăm chút cho từng nụ. Công việc thụ phấn cho bưởi, phun thuốc giữ hoa và tưới nước là công đoạn hết sức tỉ mỉ, kiên trì và khoa học. Nếu sơ sẩy hay lơ đãng một chút là có thể mất đi một vụ bưởi.

Để có được trái bưởi ngọt và căng mọng nước vào thời điểm cuối thu, người dân đất bưởi phải trải qua những tháng ngày “đơm hoa kết trái” cùng bưởi. Những kỹ thuật được chủ nhân của những gốc bưởi thuộc trong lòng bàn tay như thụ phấn, giữ quả, bón phân, tách bớt quả, ngắt lá và đến thời điểm bưởi xuống đường thì phải hái xuống nếu không tôm bưởi sẽ khô và mất giá. Cần cù, miệt mài và say sưa với nghề trồng bưởi vốn là phẩm chất của những người nông dân chân chất ở những vựa bưởi của Đoan Hùng. Với họ, cây bưởi cùng họ mưu sinh, cùng họ phát triển kinh tế. Vì thế, nếu không bỏ công chăm sóc bằng chính cái tâm của mình, chắc hẳn bưởi sẽ chẳng cho những vụ bội thu như hôm nay.

Cây bưởi Đoan Hùng không cao to như giống bưởi thường, mà thấp là là mặt đất, người cao có thể với tay hái quả được. Vỏ quả không nhẵn bóng mà vàng ươm một màu. Đó là cái màu vàng tươi ánh lên ấm áp từ những tán lá màu xanh. Quả bưởi không quá to mà chỉ nhỉnh hơn bát con một chút. Khi bổ trái bưởi, chưa đưa ngập lưỡi dao người ta đã thấy lõi bưởi rồi vì vỏ bưởi mỏng, cùi bưởi không dày như nhiều giống bưởi quê khác. Bên trong lõi, múi bưởi đều chằn chặn, dài tựa như lược chải đầu, cong cong khum khum. Tôm bưởi căng mọng nhưng không nhão như giống bưởi khác. Bưởi Đoan Hùng ăn ngọt, cái vị ngọt không quá gắt mà ngọt thanh, ngọt mát. Từ lâu, bưởi Đoan Hùng đã trở thành một món quà quê không thể thiếu ở miền quê trung du này.

Giàu lên nhờ cây bưởi quý

Ngày nay, cây bưởi không chỉ được giữ giống mà còn được nhân giống với diện tích lớn ở Đoan Hùng. Năm 2016, toàn huyện Đoan Hùng có tới trên 5.000 hộ dân trồng bưởi đặc sản với 1.700 ha bưởi. Trong đó, có tới gần 1.000 ha bưởi có thâm niên từ 7 năm trở lên đã cho thu hoạch. Đến nay, cây bưởi đặc sản thực sự là cây phát triển kinh tế của vùng đất này. Năm ngoái, bưởi Đoan Hùng cho thu hoạch tới 9.000 tấn với doanh thu trên 200 tỷ đồng. Bưởi Đoan Hùng có nhiều kích cỡ khác nhau, vì thế, giá cả mỗi loại sẽ khác nhau. Loại bình thường từ 35.000 - 40.000 đồng/quả, loại to hơn từ 60.000 - 70.000 đồng/quả…

Nhiều hộ dân nơi đây đã “neo” vào cây bưởi để phát triển kinh tế, thay đổi cuộc sống của gia đình mình. Mỗi mùa bưởi đi qua, những hộ dân trồng bưởi có thu nhập từ 200 - 300 triệu là bình thường ở vùng đất này. Có khi, bưởi mới ra nụ, đã có thương lái ở khắp mọi nơi về đặt hàng trước. Họ đặt cọc cả cây rồi họ tự tay chăm sóc bưởi đến ngày hái quả. Chẳng thế mà, về Đoan Hùng hôm nay, diện mạo vùng quê vốn xưa kia nghèo khó đã thay đổi hẳn. Nhà cao tầng, đường bê tông, trường học, trạm y tế đã được khang trang. Đặc biệt là mức sống của mỗi gia đình, của cộng đồng dân cư đã được nâng lên rõ rệt. Trong sự thay đổi ấy, cây bưởi đặc sản đã góp phần không nhỏ trong nhiều năm nay.

Mùa này, Đoan Hùng tấp nập thu hái bưởi. Khắp nơi, thương lái về mua bưởi để mang ra thị trường tiêu thụ. Những xe máy thồ những tải bưởi cao ngất ngưởng, rồi những ô tô chở cả một thùng bưởi to mang đi xa. Bưởi Đoan Hùng từ nhiều năm nay được thị trường gần xa ưa chuộng và có nhu cầu tiêu thụ lớn.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối thu, về vùng đất bưởi, người dân nơi đây khuôn mặt rạng ngời và hiếu khách. Cái chân chất của những người nông dân vốn nặng lòng với cây bưởi từ bao đời nay được hiện lên trong nụ cười đon đả chào đón khách. Ngồi bên gốc bưởi quý, chủ nhà hái trái bưởi căng mọng, bổ ra mời khách ăn. Cái vị ngọt mát của bưởi và tấm lòng thơm thảo của người dân nơi đây như hòa quyện làm dậy lên dư vị đồng quê chỉ có ở bên dòng Lô Giang hiền hòa.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/doan-hung-mua-hai-ngoc-troi-2500367-b.html