“Dọa” đóng cầu Hạc Trì: Doanh nghiệp có thái độ khó chấp nhận

(HQ Online)- Liên quan tới kiến nghị đóng cửa cầu Hạc Trì (Phú Thọ) do sụt giảm doanh thu thu phí của Công ty Cổ phần BOT Cầu Việt Trì, nhà đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) mới đây, nhiều quan điểm cho rằng thái độ ứng xử của nhà đầu tư là khó chấp nhận.

Suốt thời gian dài, nhiều người dân đã có thái độ ngăn cản việc thu phí cầu Hạc Trì vì cho rằng mức phí quá cao. Ảnh: Internet

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội đánh giá: Việc doanh nghiệp đưa ra “tối hậu thư” sau 15 ngày nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư thì nhà đầu tư kiến nghị dừng hoạt động cầu Hạc Trì quá cứng nhắc, thiếu thân thiện.

“Khi xảy ra vấn đề tranh chấp liên quan, các bên phải cùng nhau đàm phán tìm cách giải quyết thỏa đáng. Thời kỳ các doanh nghiệp làm mình làm mẩy, đòi hỏi, yêu cầu đặt ra đối với cơ quan quản lý Nhà nước đã qua rồi, bây giờ là lúc phải bắt tay hợp tác”, ông Liên nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải) cũng khẳng định: Chủ đầu tư không được phép tự dừng hoạt động, dừng thu phí cầu Hạc Trì. Kiến nghị của doanh nghiệp sẽ do Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan phối hợp giải quyết theo thẩm quyền.

“Quan điểm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là sau khi có kết luận của Hội đồng Khoa học công nghệ về cầu Việt Trì cũ thì đơn vị sẽ có phương án sửa chữa cầu cũ để cho xe ôtô từ 7 chỗ chở xuống lưu thông bình thường. Sau 10 ngày giám sát sẽ đưa ra kiến nghị lại phương án tài chính cho cầu Hạc Trì”, ông Huyện nói.

Bình luận về hướng giải quyết này, ông Liên cho rằng, lẽ ra những động thái kể trên phải được làm từ lâu chứ không phải bây giờ mới bàn tới. Trên thực tế, những “lùm xùm” liên quan tới cầu Hạc Trì đã diễn ra suốt thời gian dài khiến cả người dân lẫn các doanh nghiệp khá bức xúc. Tuy nhiên, dễ thấy ở đây cơ quan quản lý Nhà nước đã có phần lơ là, chưa dành sự quan tâm đúng mức để giải quyết triệt để.

“Không chỉ riêng dự án cầu Hạc Trì mà nhiều dự án BOT khác cũng để xảy ra những phát sinh, hệ lụy không đáng có. Điều đó thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước với dân chưa cao. Tôi cho rằng cần xem xem xét, quy kết trách nhiệm của các đơn vị, trước hết là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong công tác quản lý này. Quản lý phải làm sao vừa chặt chẽ, có lợi cho dân lại đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư”, ông Liên nhấn mạnh.

Trước đó, Công ty Cổ phần BOT Cầu Việt Trì đã có văn bản gửi Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải kiến nghị dừng hoạt động cầu Hạc Trì bắc qua Sông Lô sau 15 ngày tới nếu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không có biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.

Lý do mà doanh nghiệp này đưa ra là bởi ngày 1-8 vừa qua, Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã chỉ đạo cho Công ty Quản lý bảo trì 238 huy động người dân 2 bên đầu cầu đem thiết bị ra phá dỡ các ụ nổi, rào chắn (một phần hệ thống giao thông cầu Việt Trì cũ).

Kể từ ngày 1-8, khi dỡ bỏ ụ nổi phân luồng, đại đa số xe ôtô lưu thông qua cầu Việt Trì cũ khiến doanh thu thu phí sụt giảm. Tại thời điểm tính toán, doanh thu thu phí cầu Hạc Trì năm 2016 theo phương án đã được phê duyệt phải đạt 138 tỷ đồng/năm (tương đương 11,5 tỷ đồng/tháng) nhưng thực tế thu phí hiện nay chỉ đạt 7-8 tỷ đồng/tháng.

Đại diện doanh nghiệp lập luận, với doanh thu này thì không đủ lương cho người lao động địa phương, trả lãi ngân hàng và chi phí quản lý, khai thác cầu chứ chưa nói gì đến việc thu hồi vốn đầu tư. Nếu tình trạng này kéo dài thêm một thời gian thì công ty và các cổ đông của công ty có thể sẽ bị phá sản, kéo theo hàng trăm người lao động đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Dự án cầu Hạc Trì có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng trong đó, chi phí xây dựng là 1.104 tỷ đồng. Công trình có tốc độ thiết kế 80km/giờ. Chiều rộng nền đường 24m, thiết kế 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Cầu Hạc Trì được chính thức thu phí từ ngày 7-12-2015 và được Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo phân luồng giao thông bằng cách cấm xe ô tô lưu thông qua cầu Việt Trì.
Tuy nhiên, thực tế một số lượng lớn xe ô tô vẫn lưu thông qua cầu Việt Trì. Đặc biệt, những hộ dân có ô tô tại phường Bạch Hạc và vùng lân cận đã phản ứng và ngăn cản việc thu phí cầu Hạc Trì vì cho rằng họ đi lại nhiều trên đoạn đường này, mức phí BOT quá cao (thấp nhất là 35.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ ngồi, cao nhất là 180.000 đồng/lượt/xe tải từ 18 tấn trở lên) và quãng đường xa thêm tới 8km so với qua cầu Việt Trì cũ để vào trung tâm thành phố Việt Trì.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doa-dong-cau-hac-tri-doanh-nghiep-co-thai-do-kho-chap-nhan.aspx