Dọa chồng ly hôn, bất ngờ chồng đồng ý ký roẹt

Sau một tuần nằm dài vì ốm, sốc, Lan viết đơn ly hôn. Ai ngờ anh đồng ý ký roẹt. Ngày ra tòa, chị vẫn không tin là hạnh phúc 7 năm qua lại đổ vỡ nhanh vậy.

Sau 7 năm chung sống, chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) đã viết, in đến gần chục tờ đơn xin ly hôn. Lần đầu là lúc chị mang bầu bé Minh khi 7 tháng, chồng chị đi nhậu với mấy đồng nghiệp cơ quan gần 1h sáng mới về, đập cửa nhà, la ối om sòm khiến hàng xóm khu chung cư nhà chị hôm sau xôn xao bàn tán.

Sau một đêm không ngủ, sáng dậy chị viết một lá đơn ly hôn để lên đầu giường anh. Đận đó anh hốt hoảng, quýnh quáng xin lỗi vợ. Phải mất cả tuần chị mới tha thứ cho anh.

Tuy nhiên, càng về sau, chồng chị có vẻ “miễn nhiễm” với những lá đơn dọa ly hôn của vợ. Chồng không về quê với vợ: Đơn xin ly hôn; Không tặng quà Valentine: Đơn xin ly hôn; Vợ chồng cãi nhau: Đơn xin ly hôn… Vốn tính đàn ông và độ lượng, anh bảo chị tức cười, trẻ con và có vẻ nhờn đi với những lời dọa dẫm.

Đến một ngày, chị nghe phong thanh anh có bồ. Ban đầu chị không tin nhưng khi cô em họ gửi cho chị facebook của cô người yêu cũ anh cùng những hình ảnh tình cảm của họ, chị bàng hoàng và buộc phải tin. Sau một tuần nằm dài vì ốm, sốc, Lan viết đơn ly hôn. Ai ngờ anh đồng ý ký roẹt. Ngày ra tòa, chị vẫn không tin là hạnh phúc 7 năm qua lại đổ vỡ nhanh vậy. Thực lòng chị vẫn còn yêu anh rất nhiều. Chưa kể, con gái chị đang học lớp 1, phải chịu quá nhiều thiệt thòi về tình cảm khi không được sống cùng bố nữa.

Một số cặp vợ chồng trong lúc nóng giận, cãi nhau đã lấy tờ đơn ly hôn ra để dọa đối phương mà không hay rằng, việc đó càng đào thêm hố ngăn cách vợ chồng, đôi khi nó trở nên phản tác dụng. Ảnh minh họa

Những tưởng bệnh “dọa ly hôn” chỉ hay xảy ra ở phụ nữ. Nhưng thực tế thì có những người đàn ông, đem chuyện ly hôn, chia tay như là cách để “trừng phạt” vợ mình.

Ngoài việc đẹp trai, có chút tài lẻ hát hay thì anh Linh (Tân Yên, Bắc Giang) mắc tật hay dọa bỏ vợ. Trong khi đó, vợ anh Linh – chị Thoa là cô giáo không được “nhuận sắc” lắm. Biết vợ rất yêu mình, “biết thóp” vợ là cô giáo nên rất giữ gìn hình ảnh, Linh luôn dọa ly hôn khi hai vợ chồng cãi nhau.

Bỗng một dạo, Linh thấy vợ mình luôn ăn mặc thật đẹp, trang điểm kỹ, xức nước hoa thật thơm trước khi đi dạy. Trong khi trước đó, Thoa rất giản dị. Chỉ cần bấy nhiêu thay đổi thôi cũng đủ để Linh sinh nghi.

Chưa hết, Thoa còn thay đổi lịch dạy. Sáng cô đi làm sớm, tối về muộn với lý do tăng tiết, ôn thi học sinh giỏi… khiến Linh vất vả, nhiều hôm phải cơm nước và đón con, việc vợ chồng “giao ban” với nhau cũng ít hơn. Thấy vậy, Linh góp ý với vợ. Thoa được dịp bù lu bù loa lên là chồng không thương mình: “Em đi làm vất vả cả ngày, sao anh không thông cảm cho em. Anh chỉ việc ở nhà mà cũng kêu ca…” khiến Linh tái mặt.

Hôm sau, Linh viết đơn ly hôn gửi Thoa và đến trường gặp Ban giám hiệu nói: “Cô Thoa không xứng đáng đứng trên bục giảng” khiến Thoa bị mất mặt. Mặc dù chị hiệu trưởng và đồng nghiệp ra sức khuyên can hai vợ chồng nhưng vết rạn hạnh phúc của họ đến giờ vẫn còn.

Thoa tâm sự: “Trước kia, mỗi khi vợ chồng giận nhau, anh ấy lại dọa ly hôn khiến em cảm thấy rất căng thẳng. Lần vừa rồi lên đến cao trào, em đã về nhà mẹ đẻ cho anh vừa lòng, khỏi phải khổ vì em”.

Tuy nhiên sau đợt này, Linh thấy vợ làm mạnh, sợ mất vía, vội đôn đáo chạy về nhà mẹ vợ đón vợ về. Nhưng Thoa kiên quyết ở nhà mẹ ruột 1 tháng trời, yêu cầu Linh khi nào bỏ hẳn cái tật “dọa bỏ vợ” thì mẹ con cô mới về sống.

Khá nhiều cặp vợ chồng đã dùng đến biện pháp dọa ly hôn để khủng bố tinh thần đối phương. Một số muốn được người kia quan tâm nhiều hơn hoặc không muốn làm hòa trước nên đã lấy việc dọa ly hôn ra "cứu vãn". Tuy nhiên, có rất ít người dùng chiêu này thành công.

Thực tế cho thấy, việc vợ chồng giận nhau dẫn đến dọa ly hôn, không chỉ ảnh hướng đến đời sống vợ chồng, mà nó còn làm tổn thương đến những đứa trẻ trong nhà.

Có rất nhiều người sau khi thách ly hôn được chồng hoặc vợ chấp nhận đã rất hối hận về việc làm của mình. Họ bước đi thì sợ mất một mối quan hệ, sợ phải bắt đầu lại từ đầu, rồi không biết mối quan hệ mới sẽ như thế nào. Hôn nhân giống như xây một căn nhà vậy. Căn nhà đang vững bỗng nhiên nó đổ sập thì khi xây lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng quay về thì chẳng biết sẽ bắt đầu từ đâu và sợ cái tôi của mình bị xúc phạm.

Theo bà Lê Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm "Người bạn tri kỷ" khuyên rằng: "Dọa ly hôn nhằm mục đích giúp bạn cứu vãn chính cuộc hôn nhân đó. Nhưng bạn chỉ có cơ may khi ở thế thượng phong. Đó là khi bạn biết chồng mình vẫn còn rất yêu mình, yêu con hoặc chồng sẽ "bơ vơ" nếu ly hôn. Bơ vơ khi công việc, nơi ở của chồng phải dựa vào mình... Còn nếu ở thế yếu, khi mình cần người ta hơn, thì liệu pháp này có khi phản lại bạn".

Ngoài ra, chuyên gia tâm lý này còn khuyên bạn hãy tìm đến người bạn thân của chồng, người thân trong gia đình nhờ thuyết phục khi chồng có dấu hiệu lơ là với gia đình. Trước khi dọa ly hôn, bạn nên dọa gặp công đoàn cơ quan, bố mẹ chồng để nói chuyện. Sau những cố gắng đó mà vẫn thất bại, bạn mới nên dùng đến liệu pháp "nguy hiểm" này.

V.Kim

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/doa-chong-ly-hon-bat-ngo-chong-dong-y-ky-roet-20170321160117578.htm