Độ xa hoa không tưởng trong tiệc chiêu đãi Nobel

Với sự chuẩn bị công phu cũng như mức độ hoành tráng đến kinh ngạc, mỗi năm, tiệc chiêu đãi các chủ nhân đoạt giải Nobel do Hoàng gia Thụy Điển chủ trì lại được rất nhiều người trên thế giới quan tâm và chờ đợi.

Được sáng lập bởi Alfred Nobel và trao tặng lần đầu tiên vào năm 1901, cho đến nay, sau hơn một thế kỷ, giải thưởng Nobel đã trở thành một trong những giải thưởng danh giá nhất thế giới.

Theo thông lệ, vào khoảng tháng 10 hàng năm, sau rất nhiều phiên họp để lựa chọn, Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển cùng với Ủy ban Nobel Na Uy sẽ tiến hành công bố những chủ nhân mới của giải Nobel trên các lĩnh vực: Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế và Hòa bình. Đây là một niềm mơ ước cũng như là một vinh hạnh lớn lao đối với những nhà khoa học đã dành trọn cuộc đời cho công việc nghiên cứu và cống hiến cho xã hội.

Với ý nghĩa tôn vinh nhân tài, mỗi năm, sau lễ trao giải Nobel, Hoàng gia Thụy Điển sẽ đứng ra tổ chức và chủ trì một buổi tiệc vô cùng chiêu đãi những chủ nhân mới của giải Nobel. Đây có thể nói là một truyền thống được Hoàng gia Thụy Điển vô cùng tự hào và cũng được rất nhiều người trên thế giới quan tâm theo dõi bởi mức độ hoành tráng và xa hoa của nó.

Hàng năm, sau phần bầu chọn và công bố giải thưởng kéo dài trong gần 1 tháng. Đúng và đêm 10/12, trùng với ngày mất của Alfred Nobel, Hoàng gia Thụy Điển sẽ chủ trì một yến tiệc long trọng để chiêu đãi những chủ nhân mới của giải thưởng này.

Được xem là một trong những yến tiệc xa hoa và hoành tráng bậc nhất thế giới, tiệc chiêu đãi chủ nhân giải thưởng Nobel là đại diện tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực và yến tiệc châu Âu kể từ lần tổ chức đầu tiên vào năm 1901.

Công việc chuẩn bị cho bữa yến tiệc này thường được chuẩn bị từ ba tháng trước đó với một lực lượng vô cùng hùng hậu. Riêng công việc chế biến những món ăn đã được thực hiện từ trước đó ba ngày.

Đội ngũ phục vụ cho yến tiệc này bao gồm: 1 quản lý phục vụ bàn, 1 quản lý hậu cần, 1 bếp trưởng, 8 quản lý bồi bàn, 210 bồi bàn, 5 người rót rượu, 20 đầu bếp và 20 người rửa bát đĩa. Chưa kể đến một đội ngũ rất lớn những người thực hiện các công việc hậu cần khác như: thiết trí, cắm hoa, sắp xếp bàn tiệc,…

6730 bát đĩa, 5384 ly cốc cùng 9422 dao, thìa, dĩa được sử dụng riêng cho bữa tiệc này. Những món đồ này được bảo quản rất kỹ lưỡng và chỉ được mang ra mỗi năm một lần vào trước yến tiệc. Công việc di chuyển chúng ra khỏi kho cũng mất khoảng vài ngày.

Sau khi di chuyển ra khỏi kho, các chuyên gia sẽ phải tiến hành kiểm tra từng món đồ một để đảm bảo chúng phải sạch sẽ và hoàn hảo đến mức tuyệt đối.

Có 65 bàn sẽ được sử dụng buổi yến tiệc và người ta cũng phải dùng đến 470 mét vải để trải bàn.

Việc sắp xếp bàn tiệc đòi hỏi một sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Những người thực hiện phải đảm bảo việc chia vị trí, sắp xếp khoảng cách giữa các món đồ đặt trên bàn đồng đều nhau đến từng centimet.

Thậm chí họ phải căng dây để đo nhằm đảm bảo sự chính xác và đồng đều tuyệt đối.

Mỗi năm, bàn tiệc sẽ được trang trí theo một gam màu và một phong cách khác nhau. Khoảng 23000 bông hoa tươi được sử dụng trong tiệc chiêu đãi chủ nhân giải Nobel hàng năm do thành phố San Remo của Ý, nơi Alfred Nobel nghỉ dưỡng lúc cuối đời chuyển đến tặng. Các chân nến sử dụng trên bàn tiệc cũng được chế tác từ vàng nguyên khối.

Bên cạnh đó, việc chế biến những món ăn trong bữa yến tiệc này cũng là một phần vô cùng quan trọng và mang những yêu cầu rất cao.

Những đầu bếp phải làm việc trong nhiều ngày liền và để đảm bảo hương vị cho những món ăn, họ phải sử dụng đến cân điện tử để cân từng phần gia vị.

Danh sách các món nguyên vật liệu để chế biến các món ăn cũng rất khủng khiếp. Trong thực đơn một năm gần đây, các đầu bếp đã sử dụng đến 2692 phần ức bồ câu, 475 đuôi tôm hùm, 100 cân khoai tây, 70 lít sốt raspberry chua ngọt, 67 cân a-ti-sô Jerusalem, 45 cân cá hồi hun khói và hàng trăm loại phụ liệu khác.

Đối với những tín đồ ẩm thực trên thế giới, thực đơn của yến tiệc chiêu đãi chủ nhân giải Nobel thực sự là một thứ trên cả tuyệt vời. Bên cạnh các món ăn, 15 loại rượu bao gồm 8 loại champagne và 7 loại dessert cũng được sử dụng để phục vụ khách mời.

Thậm chí có những món ăn gần như là một tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng không chỉ có vậy, chính thành phần khách mời tham dự mới là điểm mấu chốt định danh cho bữa yến tiệc này. Ngoài gia đình Hoàng gia Thụy Điển và những chủ nhân giải Nobel là những chủ nhân của buổi yến tiệc, các chính khách và những nhân vật tiêu biểu nhất trên nhiều lĩnh vực của nhiều quốc gia cũng được mời tới tham dự.

Đức vua King Carl XVI Gustaf, Hoàng hậu Silvia là những người chủ trì buổi lễ trao giải cũng như yến tiệc chiêu đãi chủ nhân giải Nobel hàng năm. Từ 113 khách mời vào năm 1901, đến nay, khi giải thưởng đã trở nên nổi danh toàn cầu, lượng khách mời đã tăng lên đến con số gần 1300.

Các khách mời đến dự yến tiệc cũng phải tuân theo những yêu cầu khắt khe. Nam giới bắt buộc phải mặc lễ phục áo đuôi tôm và nữ giới phải mặc váy dạ hội. Tuy nhiên, với sự thắng thế của người Nhật Bản ở các giải Nobel gần đây, bộ Kimono đã trở thành một trang phục quen thuộc với các buổi yến tiệc này.

Các khách mời cũng không được phép sử dụng điện thoại di động trong suốt quá trình diễn ra yến tiệc. Bản thân nhà vua cũng không được phép rời khỏi bàn tiệc khi bữa tiệc chưa kết thúc.

Những người bồi bàn phải liên tục quan sát cũng như di chuyển nhịp nhàng giữa các khu vực bàn tiệc để đưa món ăn đến các vị trí đã được quy định. Ngoài ra, họ không được phép di chuyển giữa các dãy bàn khi các khách mời đang dùng món.

Với ý nghĩa tôn vinh nhân tài, đây cũng là niềm tự hào rất lớn đối với Hoàng gia Thụy Điển. Giải Nobel 2016 đang công bố những lĩnh vực trao giải cuối cùng, việc chuẩn bị cho yến tiệc năm nay cũng đang được tiến hành và hứa hẹn sẽ mang đến một buổi yến tiệc mãn nhãn không thua kém những năm trước cho người dân trên toàn thế giới.

Cường Nguyễn

Nguồn SaoStar: http://saostar.vn/doi-song-xa-hoi/do-xa-hoa-khong-tuong-trong-tiec-chieu-dai-nobel-818835.html