Đô thị thông minh - không thể chờ đợi

Chúng ta đang dành rất nhiều thời gian họp để xử lý sự vụ, tình huống mà chưa đầu tư nhiều cho những giải pháp nhằm quản lý xã hội có tính dự báo căn cơ, bền vững. Tại đề án dành riêng cho một số thành phố lớn đang quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh đến tính dự báo trong việc quản lý các đô thị lớn.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về
phát triển KT- XH ở địa phương gắn với xây dựng đô thị thông minh
ngày 12/9, tại TP Cần Thơ.

10 tỉnh, thành phố bước đầu bắt tay xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh là TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Huế- tỉnh Thừa Thiên-Huế; Phú Quốc- Kiên Giang; Đà Lạt- Lâm Đồng; Bình Dương; Hải Phòng, Thanh Hóa; Quảng Ninh.

Tại cuộc họp với Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng cuối tuần qua về tình hình phát triển kinh tế xã hội và xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn chỉ rõ, chúng ta thường họp để giải quyết tình huống theo tuần, tháng, năm nhưng định hình cho 5-7 năm sau thì không có. Cho nên, hiện chúng ta chỉ giỏi về xử lý tình huống nhưng lại kém về dự báo và đưa ra giải pháp tối ưu. Đây chính là hạn chế của mỗi thành phố.

Theo người đứng đầu Mặt trận, nếu các nhà quản lý đô thị không theo dõi diễn biến của cuộc sống ở mỗi đô thị về kinh tế, xã hội trong 7-10 năm thì những vấn đề bất cập sẽ không thể giải quyết được và không sửa được.

Đô thị thông minh là xu hướng tất yếu của các đô thị trên thế giới. Hàn Quốc đã đề ra chiến lược phát triển U-Korea ngay từ năm 2003 và đến tháng 6/2011 thì thủ đô Seoul đã công bố kế hoạch "Seoul thông minh năm 2015". Tại EU, nhiều thành phố như Stokholm, Copenhagen, Helsinki đã xây dựng các hệ thống môi trường thông minh, giao thông thông minh, quản lý thông minh. Singapore công bố kế hoạch xây dựng Quốc gia thông minh vào tháng 11/2014, còn Ấn Độ cũng tuyên bố sẽ xây dựng đề án 100 thành phố thông minh...

Tại Việt Nam, vấn đề xây dựng đô thị thông minh đang trở nên cấp bách, không chỉ xuất phát từ vai trò trọng yếu của các đô thị đối với phát triển kinh tế, xã hội cả nước mà còn vì những vấn đề lớn đang nảy sinh tại các đô thị như dân số tăng, kéo theo áp lực về môi trường, giao thông, y tế, nhà ở; hạ tầng lạc hậu, quá tải; cạnh tranh kinh tế giữa các đô thị, các vùng tăng; đòi hỏi của người dân về chất lượng cuộc sống tăng. Trong khi đó, Chính phủ đang đẩy mạnh yêu cầu về cải cách hành chính, hệ thống quản lý, hạ tầng và mức độ ứng dụng, phát triển CNTT tại Việt Nam đang có những bước tiến rõ rệt...

Trên tinh thần đó, một đô thị thông minh mà ở đó “phải làm sao để mỗi người dân là một cảm biến xã hội” vừa là mục tiêu vừa là động lực để hướng tới việc xây dựng chính quyền hiện đại phụng sự đất nước và phục vụ nhân dân.

Bởi vậy, muốn thực hiện được đô thị thông minh phải có ứng dụng của CNTT để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa một cách hiệu quả hơn trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.
Tuy nhiên, đô thị thông minh không chỉ đơn thuần là đầu tư cho CNTT. Theo người đứng đầu Mặt trận, đô thị thông minh phải xuất phát từ nhu cầu của người lãnh đạo, là bài toán của các nhà quản lý.

Nhưng việc quản lý thành phố lớn không thể bằng kinh nghiệm thông thường mà phải là quản lý có dự báo.

“Quản lý là để ngăn chặn tình huống khó khăn chứ không phải khó khăn xảy ra mới tìm hướng giải quyết. Quản lý đô thị thông minh là thấy trước vấn đề và không để xảy ra vấn đề, thấy trước tiềm năng, thời cơ để chuẩn bị biến nó thành hiện thực một cách sớm nhất. Đây cũng là vấn đề quan trọng nhất”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của đô thị ở Việt Nam hiện nay đa số mới dừng lại ở việc cung cấp cho người dân những dịch vụ và điều kiện thông thường như điện, nước, giao thông và công nghệ thông tin như mạng internet, cáp, truyền hình ở mức đơn giản.

Hải Phòng cũng không ngoại lệ, theo Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, hiện nay, để phát triển đô thị thông minh, Hải Phòng còn rất nhiều vấn đề chưa đạt được yêu cầu.

Ngay như so với đô thị loại một trung tâm cấp quốc gia còn chưa đạt như tỉ lệ cây xanh, giao thông và nhất là quy hoạch đô thị còn rất nhiều bất cập.

Cho nên ngay khi nhắc đến khái niệm đô thị thông minh nhiều người rất e ngại. TP Hồ Chí Minh là một trong những thành phố lớn nhất cả nước đã có Quyết định số 4693 ngày 8/9/2016 về thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” gồm 22 thành viên do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, thực tế của thành phố đang đòi hỏi phải ứng dụng các giải pháp của thành phố thông minh. Do đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo thành phố trước hết phải thống nhất tư tưởng, có sự quyết tâm.

“Sự quyết tâm” mà Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhắc tới được dẫn ra từ câu chuyện: Nếu như không có sự quyết liệt của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (khi ấy là Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh- PV) thì không có công viên phần mềm Quang Trung như bây giờ. Không có quyết tâm đột phá như ông Năm Nghị (Phạm Chánh Trực) thì không có Khu công nghệ cao TP.

“Có những người có tư duy đột phá, chấp nhận khó khăn mới có thành quả như hôm nay. Cái gì chưa làm đã bàn lui là không được. Hãy xác định là phải làm, khó khăn tới đâu thì rút kinh nghiệm và kiên trì với nó. Đừng thấy nó lớn quá mà chùn bước”. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Quyết tâm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng là quyết tâm chính trị của nhiều thành phố lớn đang coi phương thức phát triển đô thị thông minh là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình trong giai đoạn 10 năm tới.

Cũng trong cuộc làm việc với Bộ Thông tin-Truyền thông về chủ đề này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam không nên đợi các nước khác triển khai hết thành phố thông minh mới nhập cuộc.

Đó là vì tầm quan trọng của việc thông minh hóa các đô thị trọng điểm, đầu tàu của quốc gia, mà như lời ông nói, đó là nên tránh tình trạng phát triển đồng đều, 63 tỉnh thành đợi nhau. Những thành phố lớn, có vai trò trọng điểm trong nền kinh tế, cần đi trước để tạo sức bật, tạo đà "nâng đỡ" các địa phương khác. Hơn nữa, đây cũng là những thành phố lớn, chịu áp lực nhiều mặt nên độ sẵn sàng và sẵn lòng triển khai thành phố thông minh cũng cao hơn.

Trên cơ sở đó, ông đề xuất chiến lược "hai cánh" với 10 nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020 để phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Cánh 1 là Quy hoạch thông minh thành phố phát triển bền vững, bao gồm hai nhiệm vụ là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch thông minh, giám sát các tiêu chí phát triển bền vững. Cánh 2 là Quản lý ngành thông minh – Công dân thông minh – Doanh nghiệp thông minh.

Trong đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh đến 4 giải pháp nền tảng của đô thị thông minh. Đó là Chính quyền cần phải thay đổi tư duy, chuyển sang dự báo phát triển, tránh ách tắc, khủng hoảng và đảm bảo phát triển bền vững; Phát triển và khai thác không gian mạng; Tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý và Chính quyền tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn lực con người, tài nguyên, hạ tầng, vốn...

Lê Na

Từ khóa

đô thị thông minh chờ đợi không thể

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/do-thi-thong-minh---khong-the-cho-doi/134947