Đọ hiệu năng, pin Oppo F3 Plus và Galaxy A7 2017: chọn “hổ” hay “trâu”?

Đây là hai smartphone mới nhất của hai công ty đang ganh đua mạnh mẽ nhất thị trường smartphone Việt Nam hiện nay. Cả hai sản phẩm có tầm giá và kích cỡ chênh nhau không nhiều.

Đây là hai smartphone mới nhất của hai công ty đang ganh đua mạnh mẽ nhất thị trường smartphone Việt Nam hiện nay. Cả hai sản phẩm có tầm giá và kích cỡ chênh nhau không nhiều.

Galaxy A7 2017 của Samsung hiện có giá chính hãng là 11 triệu đồng (sản phẩm chúng tôi sử dụng trong bài lấy từ hệ thống Hoàng Hà Mobile với giá rẻ hơn 1,2 triệu đồng). Điện thoại này năm nay được Samsung đưa vào nhiều cải tiến về thiết kế cũng như nâng cấp toàn diện về sức mạnh xử lý, bộ nhớ, camera và pin.

Trong khi đó, F3 Plus có giá bán chính hãng là 10,69 triệu đồng, hiện cho người đặt mua trước và bắt đầu lên kệ vào ngày 1/4 tới. Đây cũng là phiên bản nâng cấp nhiều khía cạnh so với thế hệ cũ F1 Plus của năm ngoái từ kích cỡ màn hình đến các cấu hình cơ bản như vi xử lý, bộ nhớ, pin và camera, đặc biệt là phía trước có tới hai camera để hỗ trợ chụp ảnh tự sướng.

VnReview đã có bài đánh giá riêng cả hai sản phẩm, bạn đọc có thể xem trong link tại đây: Galaxy A7 2017 và Oppo F3 Plus . Còn dưới đây, mời bạn đọc tham khảo so sánh trực tiếp giữa hai máy về hiệu năng và thời gian pin.

Đọ hiệu năng trên phần mềm

Cả hai máy đều có độ phân giải Full-HD và vi xử lý 8 lõi với xung nhịp tương đồng. Tuy vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa hai máy là ở mô hình của các lõi vi xử lý. Chiếc A7 2017 sử dụng 8 lõi xử lý hiệu năng thấp Cortex-A53 có cùng tốc độ xung nhịp 1.9GHz, còn 8 lõi xử lý của F3 Plus gồm có 4 lõi hiệu năng cao Cortex-A72 tốc độ 1.95GHz để xử lý các tác vụ nặng và 4 lõi hiệu năng thấp Cortex-A53 tốc độ 1.44GHz để chạy các tác vụ nhẹ. Ngoài ra, bộ nhớ RAM trên điện thoại của Oppo cũng nhiều hơn 1GB.

Sự xuất hiện của 4 lõi xử lý hiệu năng cao giúp F3 Plus có khả năng xử lý tốt hơn điện thoại của Samsung ở các ứng dụng đòi hỏi sức mạnh xử lý cũng như hiệu năng chung của sản phẩm. Điều này thể hiện rõ trên so sánh hiệu năng thông qua các phần mềm thông dụng.

Điểm Antutu đo hiệu năng tổng thể của thiết bị.

Điểm GeekBench 4.0 đo hiệu năng xử lý đơn nhân và đa nhân của CPU.

Bài đo Manhattan trên phần mềm GFXBench đo hiệu năng xử lý đồ họa của GPU ở độ phân giải thật của màn hình (onscreen) và độ phân giải chung là Full-HD (offscreen). Do 2 máy đều có độ phân giải Full-HD nên điểm onscreen và offscreen của mỗi máy giống nhau.

Đọ hiệu năng thực tế

Cả hai máy đều xử lý khá nhanh và mượt các tác vụ thông thường trên điện thoại. Để rõ hơn về sự chênh lệch về hiệu năng giữa 2 máy, VnReview đã thử đo tốc độ mở ứng dụng và đa nhiệm với 10 game, trong đó có 4 game nặng và 6 game nhẹ (xem video đọ hiệu năng phía dưới). Kết quả so sánh cho thấy điện thoại của Oppo có tốc độ mở game và khả năng đa nhiệm tốt hơn.

Video đọ hiệu năng giữa Oppo F3 Plus và Galaxy A7 2017

Thử so sánh chơi game trong thực tế, chúng tôi lựa chọn 2 tựa game là Dead Trigger 2 và Warhammer 40,000: Freeblade, thiết lập ở mức đồ họa cao nhất. Đây là 2 tựa game có đồ họa thuộc loại nặng nhất trên Android hiện nay và không khóa khung hình ở 30fps nên có thể khai thác hết hiệu suất của các smartphone hiện nay. Chúng tôi cũng sử dụng thêm ứng dụng GameBench để đo số khung hình/giây và kiểm tra mức độ sử dụng CPU, GPU của hệ thống khi chơi game.

Với Dead Trigger 2, Samsung Galaxy A7 2017 chạy tương đối giật lag, game khó chơi nổi, số khung hình đo được từ GameBench đạt mức trung bình chỉ 31fps, CPU sử dụng trung bình 40%, GPU là 74% và lượng RAM mà tựa game này chiếm dụng trung bình trên Galaxy A7 2017 khoảng 185MB.

Trong khi đó, Oppo F3 Plus chạy mượt mà Dead Trigger 2, ngay cả ở những cảnh đông quái, chiếc smartphone này vẫn xử lý tốt, không có hiện tượng sụt giảm khung hình. Số khung hình đo được từ GameBench đạt mức trung bình 51fps, CPU sử dụng trung bình 24%, GPU là 77% và lượng RAM mà tựa game này chiếm dụng trên F3 Plus trung bình khoảng 324MB.

Với Warhammer 40,000: Freeblade, Samsung Galaxy A7 2017 tiếp tục cho kết quả không khả quan. Game không quá giật như Dead Trigger 2 do cơ chế gameplay của tựa game này đơn giản hơn, người chơi không phải di chuyển quá nhiều. Tuy nhiên, ở những cảnh cận chiến cần thao tác nhanh giữa các Robot khổng lồ, Galaxy A7 2017 khó lòng đáp ứng và thường dẫn đến việc người chơi bấm không đúng thời điểm, dẫn tới thua cuộc. Số khung hình đo được từ GameBench đạt mức trung bình 28fps, CPU sử dụng trung bình 16%, GPU là 91% và lượng RAM mà tựa game này chiếm dụng trên Galaxy A7 2017 trung bình khoảng 299MB.

Oppo F3 Plus tiếp tục chạy mượt Warhammer 40,000: Freeblade, những cảnh cận chiến, nhiều hiệu ứng cháy nổ phức tạp được chiếc smartphone này xử lý ổn thỏa, không có hiện tượng tụt frame. Số khung hình đo được từ GameBench đạt mức trung bình 49fps, CPU sử dụng trung bình 15%, GPU là 92% và lượng RAM mà tựa game này chiếm dụng trên Oppo F3 Plus trung bình khoảng 523MB.

Nhìn chung, Oppo F3 Plus trội hơn hẳn Samsung A7 2017 ở khả năng chơi game nặng với mức thiết lập đồ họa cao nhất. Trên smartphone của Samsung, nếu muốn chơi game nặng mượt mà hơn, bạn buộc phải hạ mức thiết lập xuống mức thấp hoặc để game tự tối ưu.

So sánh thời gian pin

Galaxy A7 2017 có viên pin 3.600 mAh, còn dung lượng pin của F3 Plus là 4.000 mAh. Trên các bài đo pin quen thuộc của VnReview là lướt web, xem phim và chạy game giả lập, điện thoại của Samsung đều có thời lượng tốt Oppo F3 Plus dù có dung lượng pin nhỏ hơn, đặc biệt là thời lượng pin về game. Tuy vậy, điện thoại này của Oppo cũng có thời lượng pin tốt, nhất là với hoạt động xem phim và lướt web, chênh lệch rất ít so với điện thoại của Samsung.

Lướt web trên mạng Wi-Fi ở điều kiện độ sáng màn hình mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Xem phim HD offline lưu trực tiếp vào máy ở điều kiện độ sáng thiết lập ở mức 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Riêng về hoạt động test pin bằng ứng dụng chơi game giả lập trên GFX Bench, thời lượng pin của F3 Plus chỉ bằng một nửa Galaxy A7 2017. Trong quá trình test, chiếc điện thoại của Oppo chạy mượt các hiệu ứng trong game nhưng cũng bị nóng lên rõ rệt đến mức khó chịu. Cũng phải nói là bài test pin với hoạt động chạy game trên GFXBench rất nặng, thường ép GPU hoạt động hết công suất dẫn đến việc hao pin, nóng máy hơn cả chơi game nặng.

Bài test pin bằng GFX Bench thường ép GPU phải hoạt động 100% trong thời gian dài nên khiến hao pin, nóng máy hơn cả chơi game nặng

Trong khi đó khi sử dụng thực tế, kể cả khi chơi game nặng thì máy cũng ít khi hoạt động ở mức này. Khi thử chơi game nặng N.O.V.A.3 và Dead Trigger 2 ở mức đồ họa cao nhất, chiếc Oppo F3 Plus có nóng lên sau khoảng 1 giờ chơi liên tục nhưng không đến mức khó chịu như lúc test trên GFXBench và thời lượng pin cũng cải thiện nhiều, được khoảng 5,5 giờ chơi game nặng từ lúc pin đầy 100% đến khi còn 10%. Điện thoại của Samsung không gặp vấn đề quá nhiệt khi chơi game thực tế cũng như trên bài test GFXBench nhưng độ mượt mà không được như F3 Plus.

Đo thời gian pin bằng ứng dụng chơi game giả lập trên GFX Bench liên tục ở điều kiện độ sáng 70%, tính từ lúc pin đầy đến khi còn 10%.

Tổng kết

Với bộ xử lý tám lõi có 4 lõi hiệu năng cao Cortex-A72 tốc độ 1.95GHz và RAM 4GB, hiệu năng của F3 Plus thực sự "hổ báo" hơn Galaxy A7 2017, nhất là ở những ứng dụng đòi hỏi hiệu năng cao như các game nặng đồ họa. Có thể nói xét về hiệu năng, những người có ý định chơi game nặng nhiều trên điện thoại thì F3 Plus là sản phẩm đáng lựa chọn hơn. Tuy nhiên, điện thoại của Samsung lại có thời lượng pin "trâu" hơn dù dung lượng không nhiều bằng. Hơn nữa, với nhu cầu thông thường, hiệu năng của A7 2017 cũng đáp ứng tốt, khá nhanh và mượt.

Về các yếu tố còn lại như thiết kế, màn hình, phần mềm và camera của hai sản phẩm này, mời bạn đọc tham khảo bài đánh giá chi tiết Samsung Galaxy A7 2017 và Oppo F3 Plus .

PĐA

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-san-pham-moi/-/view_content/content/2112407/do-hieu-nang-pin-oppo-f3-plus-va-galaxy-a7-2017-chon-ho-hay-trau