Đô đốc Mỹ dọa xóa sổ đảo nhân tạo Trung Quốc trong 10 đến 15 phút

Giới chuyên gia tin rằng kịch bản đối đầu giữa hải quân Mỹ - Trung Quốc tại biển Đông không phải là một giả thiết có thể bỏ qua. “Xung đột hải quân là điều khó tránh. Nhất là Trung Quốc dường như không từ bỏ nỗ lực biến các vùng biển quốc tế biển Đông thành của riêng mình”, Cropsey nhận định.

Trung Quốc tập trận không quân ở biển Đông hồi đầu tháng 8

Một tạp chí Mỹ ví von biển Đông hiện như thùng thuốc nổ có thể bùng phát bất cứ lúc nào bởi khác biệt quan điểm giữa Washington và Bắc Kinh.

“Xung đột hải quân là điều khó tránh"

Seth Cropsey, học giả tại Viện Hudson, Mỹ nói Bắc Kinh luôn coi Washington như đối thủ chiến lược tại Thái Bình Dương. “Người Mỹ coi Trung Quốc là thị trường lớn, có thể thuyết phục gia nhập liên minh bảo vệ luật pháp quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nghĩ rằng với khối lượng thương mại khổng lồ giữa hai nước, chính quyền Trung Quốc sẽ hành động và suy nghĩ giống Washington, song thực tế ngược hoàn toàn”, tờ National Interest dẫn lời Cropsey.

Việc Mỹ cho chiến hạm đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép tại Trường Sa (của Việt Nam) thời gian qua khiến Bắc Kinh tức giận, đe dọa đáp trả.

Giới chuyên gia tin rằng kịch bản đối đầu giữa hải quân Mỹ - Trung Quốc tại biển Đông không phải là một giả thiết có thể bỏ qua. “Xung đột hải quân là điều khó tránh. Nhất là Trung Quốc dường như không từ bỏ nỗ lực biến các vùng biển quốc tế biển Đông thành của riêng mình”, Cropsey nhận định.

Trung Quốc sử dụng phương pháp tiếp cận đa hướng để chống lại việc Mỹ tiến vào biển Đông. Ngoài các vũ khí chống tiếp cận như tên lửa đạn đạo, tên lửa diệt hạm do Trung Quốc tự sản xuất và mua lại của Nga, Bắc Kinh cũng đang tìm cách gây ảnh hưởng với các nước trong khu vực để họ ngầm chấp nhận yêu sách “đường chín đoạn” phi lý, bị Tòa Trọng tài ở The Hague bác bỏ.

Một vũ khí khác đang được Trung Quốc sử dụng là các lực lượng bán quân sự như hải cảnh và "dân quân biển" để quấy rối ngư dân nước khác hòng từng bước thiết lập quyền kiểm soát ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Cropsey lập luận rằng các yếu tố nêu trên đang khiến sức mạnh biển, điều mà Mỹ luôn tự hào dường như bị co hẹp dần tại Thái Bình Dương. Chuyên gia này cho rằng Mỹ chỉ còn cách gia tăng hiện diện quân sự, gây sức ép ngoại giao để Trung Quốc bớt quyết đoán trong các tranh chấp ở biển Đông và tỏ tín hiệu cho Bắc Kinh thấy Washington có đủ ý chí và năng lực bảo vệ luật pháp quốc tế.

Điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột lớn nhất hiện này là bãi cạn Scarborough gần Philippines. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về động thái xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough. Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Đông cũng sẽ khiến Mỹ phản ứng mạnh, bởi Washington đã nhiều lần khẳng định rằng hành động đó là "không thể chấp nhận được".

Có thể xóa sổ đảo nhân tạo trong 10 phút

Hôm 3/10, hãng truyền thông ABC News dẫn lời cựu tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Dennis Blair cảnh báo Washington và Bắc Kinh có thể sa lầy vào xung đột Biển Đông do hai bên tồn tại khác biệt lập trường không thể khắc phục.

Chiến hạm lớp Arleigh Burke mang tên lửa hành trình của hải quân Mỹ

Theo tờ Star & Stripes, trong số trị giá thương mại 5.000 tỷ USD lưu thông mỗi năm qua biển Đông, Mỹ có đến 1.200 tỷ USD, điều này khiến Washinton không thể coi nhẹ. Trong khi đó, Trung Quốc không che giấu tham vọng với trữ lượng cá dồi dào tại biển Đông.

Đô đốc Mỹ nói các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông là "không thể chấp nhận" đối với Mỹ và sự bế tắc này đang tiếp diễn trong khi cả hai bên đều không muốn nhượng bộ. Ông Blair tin rằng chiến tranh không phải điều mà Mỹ hay Trung Quốc muốn nhìn thấy, song xung đột là khó tránh khỏi giữa lực lượng hải quân hai bên.

Giả thiết được Blair đặt ra là hai bên có những hiểu nhầm rồi dẫn tới xung đột do tình trạng căng thẳng kéo dài. Đô đốc Mỹ nói ông tin rằng nếu có va chạm, quân đội Mỹ có thể xóa sổ các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông trong 10 tới 15 phút. Bắc Kinh lâu nay luôn muốn biến các đảo nhân tạo thành tiền đồn quân sự hòng thiết lập gọng kìm ở biển Đông, nhưng ông Blair nhấn mạnh nó "có ý nghĩa rất hạn chế bởi bị cô lập trên biển".

Năm ngoái, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc hối hả xây dựng trái phép đá Vành Khăn, đá Subi, đá Chữ Thập thuộc Trường Sa của Việt Nam bằng cách hút cát và san hô, bất chấp sự phản đối của Hà Nội và cộng đồng quốc tế.

Blair kêu gọi Mỹ và Australia cùng tập trận hải quân, không quân ở các vùng biển quốc tế trên Biển Đông, qua đó gửi tín hiệu cứng rắn tới Bắc Kinh. Được hỏi về vấn đề này, bà Julie Bishop, Ngoại trưởng Australia cho biết Mỹ chưa từng đề nghị nước này tập trận ở các vùng biển tranh chấp, song Canbera bảo lưu quan điểm được phép di chuyển trên vùng biển, vùng trời quốc tế.

Các chuyên gia quân sự Australia cho rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển vũ khí thông thường, mong muốn thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong 8 năm nữa. Tờ The Australian dẫn nguồn các viện nghiên cứu Trung Quốc cho biết thêm Bắc Kinh cũng đang phát triển hệ thống phòng thủ trên không, hiện chỉ có chiến đấu cơ tàng hình F-35 Mỹ là có đủ “tự tin” xâm nhập.

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng dù phát triển vũ khí tới đâu hay sở hữu năng lực mạnh cỡ nào, cả Trung Quốc và Mỹ đều không muốn có chiến tranh. Thay vào đó, hai bên sẽ sử dụng sức mạnh mềm như ngoại giao hay kinh tế để buộc đối phương xuống thang.

Bên cạnh đó, việc lôi kéo các đồng minh cũng sẽ được sử dụng như biện pháp răn đe. Hồi giữa tháng 9, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố Tokyo ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ để giữ gìn trật tự hàng hải quốc tế dựa trên pháp luật.

Nhật Bản cũng khẳng định sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông thông qua các cuộc tuần tra chung của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải với hải quân Mỹ, và các cuộc tập trận song phương, đa phương với các hải quân trong khu vực.

Bà Inada nói nếu thế giới làm ngơ trước các động thái “uốn cong” luật pháp quốc tế, hậu quả xảy ra sẽ mang tính toàn cầu. Tuyên bố của bà Inada không nêu đích danh, song được hiểu rộng rãi là nhằm vào Bắc Kinh bởi Trung Quốc cũng thường đưa tàu hải cảnh, tàu cá vào nhóm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) hiện do Nhật kiểm soát.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/do-doc-my-doa-xoa-so-dao-nhan-tao-trung-quoc-trong-10-den-15-phut-post176727.html