Đô đốc Giáp Văn Cương - Tầm nhìn Trường Sa

Từ lính bộ binh đầy kinh nghiệm trận mạc núi rừng, con tàu chinh chiến đã đưa Giáp Văn Cương ra biển và ga cuối là Trường Sa.

Đô đốc Giáp Văn Cương tại Trường Sa (1988)

Nhắc đến Đô đốc Giáp Văn Cương là nhắc đến Trường Sa và DK1. Có người đã “tổng kết” rằng Giáp Văn Cương là vị tướng giữ kỷ lục ra Trường Sa công tác liên tục và nhiều nhất cho đến nay.

Vị tướng của Trường Sa

“Đúng, ông ấy là người có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Trong 9 năm làm Tư lệnh Hải quân, không năm nào ông không ra Trường Sa, có năm đi nhiều lần”, Đại tá Nguyễn Trương, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Hải quân kiêm Bí thư Đô đốc Giáp Văn Cương cho biết.

Năm 1984, Hải quân Trung Quốc liên tục có những hoạt động khiến tình hình biển Đông phức tạp. Tướng Giáp Văn Cương được Bộ Quốc phòng điều động về làm Tư lệnh Hải quân lần thứ hai (lần đầu từ năm 1977-1980). Trên cương vị mới ông dự báo: “Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam”.

Theo lời kể của Thiếu tướng Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Tư lệnh Giáp Văn Cương còn yêu cầu các vị chỉ huy hải quân dưới quyền phải lần lượt ra Trường Sa “để biết Trường Sa là như thế nào, để hiểu anh em ngoài đó sống và đương đầu cùng sóng gió ra sao”.

Trong hai năm 1986-1987, một mặt ông yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa, mặt khác ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Đảng ủy quân sự Trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam.

Kế hoạch của Tư lệnh Giáp Văn Cương được chấp thuận. Ông ra lệnh: nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi đảo chìm mà quân dân Việt Nam đang đồn trú và sinh sống bao đời nay. Đối với những đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu “kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi”.

Ủi bãi là cho tàu mở hết tốc lực lao thẳng lên cạn ở điểm đảo đó để khẳng định chủ quyền và chờ quân ra tiếp viện. Đại tá Nguyễn Trương khẳng định: “Đó là một quyết định táo bạo vì một con tàu vào những năm khó khăn ấy là một tài sản lớn. Để tàu chìm là bị kỷ luật nặng, nhưng ông dám làm vậy vì ông coi chủ quyền lớn hơn tất cả. Mọi sự chậm trễ là có tội với tổ tiên và con cháu sau này”.

Và chính từ mệnh lệnh này, vào tháng 3/1988, con tàu HQ 505 anh hùng đã lao nhanh giữa những làn đạn đại bác, ủi thẳng lên đảo Cô Lin thuộc chủ quyền Việt Nam, trước khi quân địch đổ bộ chiếm đảo. Tàu hỏng nặng, bốc cháy, nhưng nó trở thành cột mốc chủ quyền và cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên đảo Cô Lin cho đến ngày nay.

Ngay từ khi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương chỉ đạo tập trung xây dựng lực lượng tàu mặt nước phù hợp với nền kinh tế của đất nước và điều kiện biển, đảo của Việt Nam, trong đó quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ thuyền. Xác định đất nước ta có bờ biển dài và có nhiều đảo xa bờ nên ông quan tâm đến lực lượng Hải quân đánh bộ, đặc công nước, pháo binh - tên lửa bờ biển - Đại tá Nguyễn Trương cho biết thêm.

Tư lệnh Trường Sa 1988

Nhiều cán bộ cao cấp của Hải quân làm việc cùng thời với Tư lệnh Giáp Văn Cương đều nói rằng: Những năm làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông đặc biệt quan tâm đến hoạt động tác chiến. Để các lực lượng tác chiến thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả, xử lý nhanh nhạy các tình huống trên biển, ông chỉ đạo cơ quan, đơn vị chăm lo bổ sung, kiện toàn, mở rộng và nâng cấp lực lượng bảo đảm cho tác chiến như thông tin, ra-đa, quan sát biển, trinh sát, bảo đảm hàng hải, công binh chiến đấu…

Đặc biệt, vào đầu năm 1988, ông là Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh vùng 4 Hải quân thực hiện kế hoạch CQ88 (chủ quyền năm 1988).

Xung đột quân sự nhỏ trên biển Đông giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc đã diễn ra. Tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma. Con tàu HQ505 của Hải quân Việt Nam trườn lên đảo Cô Lin làm lô cốt bám đảo, giữ đảo, chiến đấu. Mặc dù Trung Quốc dùng lực lượng mạnh về người và vũ khí đã chiếm đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 nhưng sau hơn 5 tháng thì Hải quân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch CQ88, đóng giữ và bảo vệ thắng lợi 11 đảo với 32 điểm đóng quân.

Nhớ về Đô đốc Giáp Văn Cương, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu, nói: “Đô đốc Giáp Văn Cương suốt đời tận tụy để bảo vệ lợi ích biển đảo của Việt Nam”.

Đô đốc Giáp Văn Cương (1921 - 1990) sinh tại thôn Thép Thượng, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội từ cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn, quân khu, Phó tư lệnh mặt trận Quảng Đà, lên tới Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 3/1977, Giáp Văn Cương về làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân kế nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát. Năm 1988, ông được phong Đô đốc đầu tiên (quân hàm Thượng tướng) của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Ngày 7/5/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng Đô đốc Giáp Văn Cương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/do-doc-giap-van-cuong-tam-nhin-truong-sa-post169461.html