DN tư nhân: Bị gây khó khăn nhiều hơn là được hỗ trợ?

“Cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang gây khó khăn cho DN tư nhân và DNNVV nhiều hơn hỗ trợ” - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận về việc thực hiện nghị quyết 19 đến nghị quyết 35 để gỡ khó và tạo điều kiện cho DN phát triển.

Bà Phạm Chi Lan.

Theo bà Phạm Chi Lan, việc quan trọng nhất lúc này là thực hiện các cam kết Chính phủ đã có mà Thủ tướng rất tâm huyết từ nghị quyết 19 đến nghị quyết 35 để gỡ khó và tạo điều kiện cho DN phát triển. Các nước trên thế giới thì tìm mọi cách để tạo thuận lợi cho sự phát triển của DN, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay gỡ khó, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN mãi không xong.

Khoảng cách tăng trưởng giữa quý I và II đã được kéo giãn. Điều này có tạo niềm tin cho DN không, thưa bà?

Vấn đề cơ bản nhất là tập trung thực hiện những cải cách cần thiết như tái cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt với DNNN, hệ thống ngân hàng, đầu tư công… phải được “siết lại” một cách cương quyết, để từ đó có thêm cơ hội cho khu vực tư nhân và DNNVV phát triển. DN trong nước phát triển thì mới tạo ra khả năng tăng trưởng bền vững của đất nước.

Có ý kiến cho rằng, nền kinh tế từ nay đến cuối năm còn nhiều thách thức. Chính vì vậy, nền tảng để “kéo” kinh tế đi lên phải dựa vào sự lớn mạnh của DN tư nhân và DNNVV. Quan điểm của bà ?

Tôi tán thành ý kiến này, và không chỉ từ nay đến cuối năm mà về lâu dài nền kinh tế Việt Nam phải dựa vào khối DN tư nhân và DNNVV, nhưng với điều kiện DNNN phải cải cách để kinh doanh có hiệu quả hơn. Khối DN trong nước phải là nền tảng chính quyết định sự phát triển của nền kinh tế.

Tôi không phủ nhận vai trò của DNNN, bởi khối này đang sở hữu nguồn lực lớn của đất nước, chỉ cần cải thiện một phần cũng có thể làm nền kinh tế “bật lên” rất nhanh.

Theo tính toán, tài sản của khối DNNN khoảng 300 tỷ USD, DN tư nhân khoảng 200 tỷ USD. Nếu 300 tỷ USD tăng 1% thì đã có thêm 3 tỷ USD cho nền kinh tế, còn khối tư nhân tăng 1% thì có thêm 2 tỷ USD.

Như vậy, khối DNNN vẫn đang nắm giữ tài sản rất lớn, nếu khối DN tư nhân muốn cải thiện mà khu vực DNNN vẫn “trây ỳ” thì chỉ có được phần nhỏ nhoi 2 tỷ USD của khối DN tư nhân.

Tuy nhiên, có một thực trạng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang gây khó khăn cho DN tư nhân và DNNVV nhiều hơn hỗ trợ.

Cụ thể, đó là cơ quan nào, ở những vướng mắc gì, thưa bà?

Qua theo dõi trên các cơ quan truyền thông, điều các DN “kêu ca” nhiều nhất, cần được tập trung tháo gỡ gồm tín dụng, đất đai, thuế, thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra…

Cụ thể, đất đai thì cơ quan quản lý đất đai các cấp từ trung ương đến địa phương; tín dụng thì liên quan đến ngân hàng; thuế, hải quan liên quan đến tài chính. Cũng có rất nhiều vướng mắc liên quan đến Bộ Công Thương về quy định cụ thể cho các ngành hàng, hết chuyện xuất khẩu gạo đến ô tô… Các vấn đề DN gặp khó rơi vào từng mảng khác nhau chứ không chỉ liên quan đến từng bộ. Đơn cử, thanh tra kiểm tra thì liên quan đến tất cả các ngành, các bộ, các địa phương, thậm chí liên đới đến cả ngành công an.

Vậy bà có đề xuất gì để Chính phủ cũng như các bộ, ngành cùng vào cuộc gỡ khó cho DN, đặc biệt là các DNNVV?

Về chính sách không cần ban hành thêm. Điểm lại từ nghị quyết của Đảng, luật pháp do Quốc hội ban hành, nghị định, chính sách của Chính phủ… đã có rất nhiều và khá đầy đủ. Điều đáng tiếc là phần tốt nhất trong các nghị quyết, nghị định lại không được cấp dưới thực hiện nghiêm túc, dẫn đến hiệu lực còn hạn chế.
Ở đây thể hiện kỷ cương pháp luật của chúng ta quá kém, nếu Đảng, Quốc hội hay Chính phủ không thực sự đưa bộ máy của mình thực hiện đúng chính sách do mình đề ra thì mọi cố gắng cũng chỉ như “muối bỏ biển”.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/dn-tu-nhan-bi-gay-kho-khan-nhieu-hon-la-duoc-ho-tro_n27252.html