DN nước mắm truyền thống đã gửi đơn lên Bộ Công thương, Bộ Y tế

Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết đơn vị này đã gởi đơn kiến nghị lên UBND huyện Phú Quốc, Bộ Công thương, Bộ Y tế yêu cầu làm rõ các thông tin, đồng thời “minh oan” cho nhiều sản phẩm nước mắm truyền thống đang bị đẩy tới bờ vực của việc phá sản.

Các doanh nghiệp, nhà thùng sản xuất nước mắm truyền thống tại Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) hay Phan Thiết (Bình Thuận) đang rất bức xúc vì thông tin sản phẩm có Arsen (thạch tín) vượt ngưỡng vừa được công bố mới đây.

Theo bà Liên, tính ra, lượng tiêu thụ nước mắm chỉ khoảng 400ml/người/tháng trong khi dư lượng Arsen vô cơ nếu có trong sản phẩm cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Tịnh – Nguyên Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, chủ DNTN Thanh Quốc (Kiên Giang) giới thiệu sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc.

Trong khi đó, lượng Arsen vượt ngưỡng trong các sản phẩm nước mắm mà Vinastas vừa công bố là Arsen hữu cơ, không độc hại cho cơ thể và tự đào thải trong quá trình trao đổi chất của cơ thể.

“Khảo sát của Vinastas là không trung thực, không rõ ràng khiến doanh nghiệp sản xuất nước mắm rơi vào cảnh lao đao, hoang mang lo lắng”, bà Liên bức xúc.

Hơn nữa, nhiều sản phẩm nước mắm truyền thống, trong đó có nước mắm Phú Quốc hiện đã là thương hiệu của quốc gia, được dán nhãn chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu tại nhiều thị trường nước ngoài. Việc Vinastas công bố thông tin mập mờ ảnh hưởng tới uy tín của sản phẩm.

“Các công bố về tiêu chuẩn chất lượng, độ đạm… của nước mắm Phú Quốc đều do Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chứng nhận, cấp phép. Trong hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng không hề có Arsen vượt ngưỡng, cơ sở nào để Vinastas khảo sát nước mắm và cho kết quả có Arsen vượt ngưỡng?”, bà Liên nói thêm.

Bà Liên, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại Khải Hoàn (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) – doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống có tiếng tại huyện đảo Phú Quốc, cũng cho rằng, ngoài thị trường trong nước, hiện nước mắm truyền thống tại đây còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Châu Âu… Tất cả các thị trường này đều không “phàn nàn” gì về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Riêng thị trường Châu Âu, nước mắm Phú Quốc còn được bảo hộ nhãn hiệu rất nghiêm ngặt.

Bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cũng cho biết ngay khi thông tin này được công bố, nhiều siêu thị, nhà bán lẻ đã yêu cầu các cơ sở nước mắm truyền thống tại Phú Quốc phải giải trình. Điều này đang gây ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.

Theo bà Tịnh, tất cả sản phẩm có dán nhãn nước mắm Phú Quốc ra thị trường đều có độ đạm từ 35O trở lên. Do đó, nghiễm nhiên các sản phẩm này đều nằm trong danh sách có Arsen vượt ngưỡng cho phép theo như khảo sát của Vinastas. Do đó, những ngày qua, rất nhiều người tiêu dùng đã liên hệ để thắc mắc về vấn đề chất lượng của những sản phẩm này.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống tại các địa phương như Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận)… đều đang rất bức xúc vì những thông tin không rõ ràng do Vinastas vừa công bố. Đã có một số doanh nghiệp bị khách hàng “hoãn” nhập hàng, thậm chí, bị từ chối vì các thông tin liên quan đến thạch tín.

“Một số siêu thị, nhà phân phối còn yêu cầu chúng tôi phải giải thích với người tiêu dùng. Việc này chưa từng xảy ra trong suốt hai mươi mấy năm tôi làm nước mắm truyền thống”, đại diện một doanh nghiệp có tên trong danh sách của Vinastas phản ứng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/dn-nuoc-mam-truyen-thong-da-gui-don-len-bo-cong-thuong-bo-y-te-716651.html