Định hướng mới cho thu hút FDI

"Thực tế hiện nay, mới chỉ có một vài công ty đa quốc gia (Transnational Corporation - TNC) của Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, hoàn toàn thiếu vắng các TNC của châu Âu hay Mỹ. Đây chính là hạn chế của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta. Trong điều kiện Việt Nam đang có ưu thế rõ rệt so với các nước trong khu vực và nổi lên như điểm sáng về thu hút FDI, chúng ta phải biết tranh thủ cơ hội, tạo sự đồng thuận về một định hướng mới trong thu hút FDI; tập trung thu hút các dự án lớn, có tiềm lực của các TNC, nhất là từ các nước G7", GS, TS NGUYỄN MẠI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhận định như vậy khi trao đổi ý kiến với phóng viên (PV) Báo Nhân Dân về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới.

PV: Giáo sư đánh giá như thế nào về kết quả thu hút FDI cũng như giải ngân nguồn vốn này từ đầu năm đến nay?

GS, TS Nguyễn Mại: Những năm gần đây, có một đặc điểm quan trọng, nhưng ít người chú ý là khoảng cách giữa vốn FDI đăng ký và thực hiện đã không chênh lệch nhiều. Thí dụ, trong năm 2015, chúng ta thu hút được khoảng 21 tỷ USD vốn đăng ký thì vốn thực hiện đã đạt 14,5 tỷ USD. Trong 10 tháng năm 2016, hai con số này cũng lần lượt là 17,6 tỷ USD và 12,7 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam khi các nhà đầu tư rất nhanh đi vào thực hiện dự án ngay sau khi nhận được giấy phép đầu tư. Bên cạnh đó, FDI của Việt Nam mặc dù nằm trong khó khăn chung của thế giới, nhưng vẫn là khu vực tạo ra giá trị xuất siêu cao (10 tháng xuất siêu 19,48 tỷ USD), trong khi khu vực trong nước lại nhập siêu 15,96 tỷ USD. Như vậy, FDI chẳng những đã bù đắp được nhập siêu, lại còn tạo ra xuất siêu 10 tháng khoảng 3,52 tỷ USD.

Theo tôi, các yếu tố nêu trên cùng dự báo về khả năng vốn FDI thực hiện năm 2016 sẽ đạt khoảng 15-16 tỷ USD cho thấy, chúng ta đang có bức tranh tương đối tốt về hoạt động đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có một vấn đề trong thu hút FDI mà Chính phủ cần cân nhắc là tỷ lệ FDI trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Theo lý thuyết, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm tỷ lệ khoảng 32% GDP. Năm nay, GDP được dự đoán khoảng 230 tỷ USD, vậy thì 32% sẽ tương đương khoảng 75 tỷ USD và FDI nếu đạt 16 tỷ USD sẽ chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Mức này, theo tôi đã có thể giữ vững hoặc tăng cao hơn chút ít. Chính vì thế, việc thu hút vốn FDI đến mức nào, Chính phủ cần có một định lượng trước. Tôi kiến nghị duy trì tỷ lệ 20-22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ là mức hợp lý.

PV: Thưa giáo sư, chúng ta công bố vốn FDI đăng ký lũy kế đến tháng 9-2016 đạt 292 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế khoảng 150 tỷ USD, nghĩa là còn khoảng 142 tỷ USD vốn đăng ký chưa thực hiện. Như vậy, phải chăng lượng FDI “của để dành” của chúng ta vẫn rất lớn?

GS, TS Nguyễn Mại: Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta tin vào con số nêu trên và chủ quan cho rằng, ít nhất trong 10 năm tới, chúng ta vẫn có thể đạt khoảng 14-15 tỷ USD vốn FDI mỗi năm. Đây hoàn toàn là con số “ảo” và chúng ta phải tìm ra con số thực bằng cách phân loại rõ các dự án FDI đã đăng ký. Thực tế, có rất nhiều dự án đắp chiếu, phá sản, chủ doanh nghiệp đã về nước và thậm chí nhiều khu công nghiệp đã bỏ hoang từ nhiều năm nay. Những dự án như vậy cần phải loại ra khỏi vốn đăng ký lũy kế và con số này là không ít. Ngoài ra, cũng có một số dự án do gặp khó khăn về thị trường, thu xếp vốn hoặc kể cả trong giải phóng mặt bằng cho nên nhiều năm nay vẫn chưa đưa vào sản xuất. Đối với những trường hợp này, Nhà nước cần sớm có hướng dẫn, hỗ trợ để giúp các dự án sớm được đưa vào vận hành.

PV: Sự cố sản phẩm điện thoại Galaxy Note 7 của Samsung phải thu hồi dự báo có tác động ít nhiều đến FDI và xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

GS, TS Nguyễn Mại: Theo công bố mới nhất của Samsung, Tập đoàn đã sản xuất và sẽ thu hồi khoảng 2,5 triệu điện thoại Galaxy Note 7 trên toàn cầu. Nếu nhân với giá khoảng 650 USD/chiếc sẽ cho ra con số khoảng từ 1,5 đến 2 tỷ USD. Trong khi đó, năm nay, Samsung dự định xuất khẩu tại Việt Nam khoảng 34,7 tỷ USD, lớn hơn nhiều con số hai tỷ. Như vậy, nếu có ảnh hưởng, sự cố này cũng chỉ có thể làm giảm khoảng 0,5-1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Samsung vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu năm nay tại Việt Nam. Ngoài ra, các tập đoàn lớn như Samsung chắc chắn sẽ công khai việc cắt giảm nhân công và cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch, bởi Samsung không chỉ sản xuất Galaxy Note 7 mà còn nhiều loại khác, chiếm đến 40% thị phần điện thoại di động cho thị trường toàn cầu hiện đang sản xuất tại Việt Nam (khoảng 400 triệu chiếc). Vì vậy, việc cắt giảm nhân công cũng khó thành hiện thực. Tương tự, đối với các doanh nghiệp đang làm công nghiệp hỗ trợ cho Samsung, việc cắt giảm 2,5 triệu sản phẩm/160-180 triệu chiếc điện thoại đang được sản xuất tại Việt Nam thì tác động là có, nhưng không phải quá mạnh mẽ.

PV: Rõ ràng, cơ hội thu hút FDI vào Việt Nam là rất lớn. Vậy theo giáo sư, định hướng thu hút đầu tư của chúng ta trong giai đoạn tới sẽ ra sao?

GS, TS Nguyễn Mại: Với điều kiện hiện nay, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có ưu thế rõ rệt và nổi lên như điểm sáng về thu hút FDI. Vì vậy, chúng ta phải biết tranh thủ cơ hội, tạo sự đồng thuận về một định hướng mới trong thu hút FDI: Tập trung thu hút các dự án lớn, có tiềm lực từ các TNC. Chúng ta cần tranh thủ tốt hơn những cơ hội trước mắt, tạo điều kiện thay đổi cơ bản những phương thức vận dụng, xúc tiến đầu tư, thẩm định và triển khai dự án theo một hệ thống với tư duy đổi mới, với cách tiếp cận tiến dần đến các quy chuẩn tốt nhất của quốc tế (theo G20 hoặc ASEAN 4) chứ không chỉ so với mức của bản thân trong quá khứ; từ đó, tạo ra cơ chế và môi trường đầu tư hấp dẫn nhất. Phải chú ý nhiều hơn việc phân cấp, phân quyền trong cấp phép, quản lý đầu tư. Thực tế, đã có không ít những dự án hiệu quả thấp, tạo ít việc làm, lại gây ô nhiễm môi trường,… đã bị địa phương này từ chối nhưng vẫn được địa phương khác “mời gọi”. Rõ ràng, việc trao toàn quyền quyết định đầu tư cho các địa phương là bất cập, đòi hỏi Chính phủ phải có hướng dẫn rõ ràng về hàng loạt vấn đề như đâu là hướng khuyến khích kêu gọi đầu tư hay lĩnh vực nào cần hạn chế hoặc không được phép,… nhằm tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương cũng như chuyện “chạy” quy hoạch.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20-10, tổng vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt hơn 17,6 tỷ USD, giảm 8,7% so cùng kỳ năm trước; vốn FDI thực hiện ước tính đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/31281602-dinh-huong-moi-cho-thu-hut-fdi.html