Định hướng chính sách phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Ngày 25-11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”. Chủ trì hội thảo, có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Cao Đức Phát, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư; Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, và bà Lu-ít Chem-bơ-lên, Giám đốc UNDP tại Việt Nam.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định những thành tựu nước ta đã đạt được qua hơn 30 năm đổi mới, đồng thời nêu lên những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng chí nhấn mạnh, cuộc CMCN lần thứ tư đang tác động mạnh, toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động... Trên phạm vi toàn cầu, cuộc CMCN lần thứ tư đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, việc nhận diện cuộc CMCN lần thứ tư và những hàm ý chính sách, cũng như tác động của cuộc CMCN lần thứ tư đối với nước ta là hết sức cần thiết.

Tại hội thảo, các diễn giả trong nước và quốc tế đã trình bày nhiều nội dung quan trọng làm rõ những đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách của cuộc CMCN lần thứ tư đối với các nước phát triển và đang phát triển; phân tích những kinh nghiệm quốc tế trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chương trình hành động của chính phủ trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ tư, nêu lên những yêu cầu về điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chính sách công nghiệp quốc gia. Phân tích rõ những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam trước tác động của cuộc CMCN lần thứ tư; đề xuất các định hướng, chính sách đối với từng ngành, từng lĩnh vực của Việt Nam để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức của cuộc CMCN lần thứ tư.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31378102-dinh-huong-chinh-sach-phat-trien-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.html