Định hình phát triển bền vững ĐBSCL

ĐBSCL là một vùng đất đầy tiềm năng nhưng là một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó.

Báo Đất Việt xin giới thiệu bài viết của GS. TSKH . Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHKT nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI - về định hình phát triển bền vững ĐBSCL.

1. Hai sự chỉ đạo vẫn còn nguyên giá trị

Trong quá trình triển khai Chương trình khoa học cấp nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long” (1983-1990), Ban Chủ nhiệm Chương trình đã nhận được sự chỉ đạo sát sao.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp luôn căn dặn: ĐBSCL là một vùng đất đầy tiềm năng nhưng là một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó. Cần phải theo dõi đồng bằng một cách khách quan và khoa học. Chương trình cần xem xét cơ sở khoa học của các quyết định khai thác ĐBSCL.

Với tầm nhìn chiến lược của Đại tướng, tôi hiểu rằng các tác động lên đồng bằng là các tác động tại chỗ và từ xa, từ thượng nguồn và từ biển, cần được tiếp cận theo quan điểm hệ thống động. Có nghĩa là hậu quả của các tác động cần được đánh giá toàn diện, trong không gian và theo thời gian.

Từ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt: Chương trình phải nói cho được trên mỗi vùng đất của đồng bằng, chúng ta có thể khai thác như thế nào, với những điều kiện gì. Chương trình phải gắn với các tỉnh. Nghiệm thu tại cơ sở, được kiểm nghiệm trên hiện trường, kết quả sẽ trực tiếp đi vào cuộc sống.

Tôi hiểu qua lời căn dặn rằng công tác tổng hợp các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội là cần thiết để “hiểu” được thực tế. Mọi quyết định khai thác đồng bằng luôn có hai mặt, Chương trình phải chỉ ra các điều kiện gì để mặt thuận hơn hẳn mặt nghịch, tổng hợp trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường, trước mắt và lâu dài, để lãnh đạo có cơ sở cân nhắc, quyết định.

Thật là may mắn cho Chương trình đã nhận được hai ý kiến chỉ đạo ở hai đầu của lộ trình đi từ điều tra nghiên cứu khoa học đến phục vụ sản xuất và đời sống, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Xin được chia sẻ với những ai quan tâm đến sự phát triển bền vững vùng đất này của Tổ quốc.

2. Các thách thức mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối diện

Hiện nay và trong thời gian tới, ĐBSCL phải đương đầu với hai thách thức toàn cầu, một thách thức khu vực và thách thức từ chính hoạt động của con người tại đồng bằng (1).

+ Toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, và toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế.

Theo dự báo toàn cầu, nhiệt độ trung bình của khí quyển sẽ tăng; các tình huống cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên hơn, thời gian kéo dài và cường độ ngày càng mạnh. Bão trong vùng cận xích đạo sẽ nhiều hơn. Mực nước biển dâng uy hiếp các vùng ven biển và các châu thổ, trong đó châu thổ sông Mekong là một trong ba địa bàn bị đe doa nhất. ĐBSCL phải đối đầu với ngập, lún chìm, bờ biển bị xâm thực, và mặn theo triều xâm ngày càng nhập sâu vào nội đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố “Kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam” năm 2009 và cập nhật vào các năm 2012 và 2016.

Lượng mưa trung bình, nhiệt độ trung bình năm sẽ tăng. Có một sự phân hóa khá rõ về nhiệt độ cũng như về lượng mưa giữa các mùa Đông, Xuân, Hè, Thu. Nước biển sẽ dâng, vào năm 2100, theo dự báo năm 2016 từ 53 đến 73 cm.

Trong bối cảnh bị đe dọa như vậy, thách thức từ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế buộc nền kinh tế đồng bằng phải có sức cạnh tranh cao hơn phải có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu trong khi nền kinh tế thế giới hàm chứa những yếu tố bất ổn không lường trước được. Thách thức này tuy gián tiếp nhưng áp lực của nó lên sản xuất và khai thác tài nguyên rất lớn và cụ thể.

+ Thách thức khu vực đó là việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, trong đó có việc chuyển nước Mekong sang lưu vực sông khác, và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây tạng trở xuống, trong khi nhu cầu về nước ngày càng tăng trước sức ép gia tăng dân số và phát triển nông nghiệp.

Theo Ủy hội sông Mekong (2009), 6 đập thủy điện của Trung Quốc, 11 đập ở hạ lưu vực, 30 đập trên các chi lưu sẽ tích lại một lượng nước của sông Mekong vào năm 2030 là 65,5 tỷ m3 trong khi nhu cầu về nước trong hạ lưu vực vào năm này sẽ tăng 50% so với năm 2000.

Với các đập thủy điện được xây dựng trên sông Mekong phần lãnh thổ Trung Quốc lượng trầm tích của sông Mekong ước tính sẽ bị các đập này giữ lại vào khoảng từ ⅓ đến ½ của tổng lượng trầm tích bình quân chảy về châu thổ (2) . Với 11 đập thủy điện dự kiến sẽ xây dựng trên dòng chính trên hạ lưu vực, chỉ còn khoảng ¼ lượng trầm tích sẽ được tải về đồng bằng.

+ Thách thức tại địa bàn, ngoài việc mất rừng ngập mặn và rừng tràm, còn đến từ khai thác cát trên sông Tiền, sông Hậu làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt trầm tích; từ khai thác quá mức nước ngầm làm mặt đất sụt lún; từ phát triển nông nghiệp vẫn thiên về số lượng hơn chất lượng dẫn đến tài nguyên đất bị kiệt quệ, tài nguyên nước bị lãng phí, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở đồng bằng thấp hơn bình quân cả nước và không ngừng đi xuống từ năm 2000 đến nay.

Thách thức tại địa bàn còn đến từ khâu quản lý nhà nước, thừa chồng chéo nhưng thiếu phối hợp; chậm ban hành một cơ chế phát triển vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả vùng; thiếu các chính sách tạo nên sự liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của đồng bằng.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/dinh-hinh-phat-trien-ben-vung-dbscl-3343352/