Định giá thấp đồng Việt Nam có tạo đòn bẩy xuất khẩu?

(VNR500) - Sự ổn định tỷ giá và yếu tố thời điểm vay - trả cùng với tỷ lệ nội địa hóa hay tỷ trọng nguyên liệu đầu vào trong sản phẩm của doanh nghiệp tác động ra sao đến doanh nghiệp?

Tác giả Huỳnh Thế Du trong bài "Tỷ giá: Điểm yếu của kinh tế Việt Nam" (VNR500 đưa lại theo TBKTSG ngày 30/9/2010) có ví dụ: nợ quốc gia 30 tỷ USD tương đương 600.000 tỷ VND, nếu tỷ giá là 1USD = 20.000VND. Và khi tỷ giá điều chỉnh (giả dụ) tăng lên thành 1USD = 30.000VND thì tương đương số nợ quốc gia quy ra VND là 900.000 tỷ VND thì cũng không ảnh hưởng gì vì dù sao Việt Nam cũng phải kiếm được 30 tỷ USD để trả nợ?! Ví dụ thứ hai là Vinashin vay nợ 2 tỷ USD khi tỷ giá 1USD = 20.000VND thì tương đương 40.000 tỷ VND, và khi tỷ giá tăng lên 1USD = 30.000VND thì tương đương số nợ quy ra VND là 60.000 tỷ VND cũng không vấn đề gì vì dù sao Vinashin vẫn phải kiếm đủ 2 tỷ USD để trả nợ!!! Tác giả có nhầm lẫn hay chưa tính đến yếu tố thời điểm vay và thời điểm trả nợ trong bài toán vay - trả nợ này? Thêm vào đó, một yếu tố rất quan trọng chính là "tỷ lệ nội địa hóa" hay "tỷ trọng nguyên liệu đầu vào của sản phẩm" của doanh nghiệp. Trong hai ví dụ trên, vấn đề là, làm sao kiếm được USD để trả nợ? Vinashin (hay một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu nào đó) vay được 2 tỷ USD thì cũng phải đổi sang tiền đồng VND để trả lương nhân viên, trả các chi phí vận hành doanh nghiệp, trả tiền mua nguyên vật liệu đầu vào trong nước và nước ngoài tại thời điểm vay được tiền (Thời điểm I). Nếu Vinashin phải nhập nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài thì phải thanh toán cho bên bán nước ngoài bằng USD, lại phải đổi từ VND sang USD (có thể Vinashin được ưu đãi nhờ thanh toán trực tiếp bằng USD? Còn đa số các doanh nghiệp khi giao dịch qua ngân hàng, dù có USD, cũng bị bắt phải đổi sang VND, rồi khi cần thanh toán bằng USD thì ngân hàng sẽ bán lại USD cho doanh nghiệp để thanh toán cho bên bán nước ngoài - đây lại là một vấn đề khác của hệ thống ngân hàng!). Sau một chu trình sản xuất kinh doanh, Vinashin bán được sản phẩm cho khách hàng thu được tiền. Có hai trường hợp, tiền thu được là a) bằng USD và b) bằng VND. Giả dụ, lúc này Nhà nước điều chỉnh tỷ giá lên 1USD = 30.000VND thì trường hợp: a) Vinashin có thể có lợi nhờ tỷ giá; nhưng trường hợp: b) Vinashin bán hàng thu được tiền VND thì sẽ bất lợi, vì số tiền thu được vào thời điểm này sẽ mua được số USD ít hơn để trả nợ hay quay vòng vốn (đây là trường hợp phổ biến cho các doanh nghiệp bán hàng bằng VND và thu tiền VND). Nếu thời điểm Vinashin phải trả nợ (Thời điểm II) rơi đúng vào lúc tỷ giá vừa tăng lên 1USD = 30.000VND thì thế nào? Nếu Vinashin ký hợp đồng bán hàng bằng VND và thu tiền VND thì chắc chắn sẽ thiệt hại, vì lượng tiền VND thu vào tại thời điểm này sẽ ít hơn dự kiến 50%. Nếu Vinashin bán hàng và thu tiền bằng USD, thì xem như lượng USD mua vào để trả nợ sẽ bằng với dự kiến. Tuy nhiên, lúc này lạm phát trên thị trường và đồng lương nhân viên, và số tiền đã thanh toán cho các bên bán nguyên vật liệu, nhà cung cấp nội địa đã vơi đi ít nhiều so với tỷ giá mới nếu qui chiếu theo USD (do đã trả bằng VND trước đó). Vấn đề ở đây là, khi ta đi vay tiền (Thời điểm 1), tỷ giá là 1USD = 20.000VND, sau một chu kỳ kinh doanh (thời gian có thể là 1, 3, 6, 9, 12 tháng hoặc hơn kém) chúng ta thu về tiền bằng USD hay VND? Số tiền này lúc đó có đủ để mua lại USD với tỷ giá đã được điều chỉnh lên 1USD = 30.000VND để trả nợ (Thời điểm 2)? Trong bài toán trên, với nợ vay Chính phủ 30 tỷ đồng, khi vay và khi trả vào thời điểm tỷ giá đã biến động, nếu chính phủ phải dùng VND để mua USD trả nợ nước ngoài (mà không phải in thêm tiền VND gây lạm phát) thì thực sự chính phủ sẽ phải mất thêm một số tiền VND lớn để trả nợ (300.000 tỷ đồng)! Giả sử, Vinashin (hay doanh nghiệp nào khác) vay tiền USD và trả nợ USD vào cùng thời điểm có cùng tỷ giá đều là 1USD= 30.000VND, có thể tạm xem là vấn đề tỷ giá không gây phương hại cho Vinashin. Và VND được định giá thấp so với USD để hổ trợ xuất khẩu như Trung Quốc và một số quốc gia đang làm. Lúc này, sức ép sẽ là tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm cũng như tỷ trọng nguyên vật liệu đầu vào của doanh nghiệp nhiều hay ít. Nếu một doanh nghiệp làm xuất khẩu mà 90% nguyên vật liệu đầu vào phải mua của nước ngoài (trả thanh toán bằng USD) thì vấn đề sẽ là "bán rẻ sức lao động" mà thôi. Điều này phản ánh "hàm lượng chất xám" hay "giá trị gia tăng" của doanh nghiệp thể hiện qua sản phẩm không cao! Doanh nghiệp chỉ làm "gia công", dựa vào lao động giá rẻ, thể hiện qua việc phía nước ngoài bán nguyên vật liệu đã kiếm lời từ 90% giá thành, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ kiếm được % lợi nhuận từ 10% còn lại cho tất cả chi phí nội địa và tiền lương công nhân được trả thấp. Sản phẩm được làm ra, được xem là giá rẻ khi xuất khẩu ra nước ngoài và thu được ngoại tệ, lại phải xem ai là người thu được ngoại tệ này? Chính phủ và người dân Việt Nam hay Trung Quốc (hay các quốc gia có chính sách đồng tiền yếu - định giá thấp đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu) có được hưởng lợi bao nhiêu phần trăm từ chính sách định giá thấp đồng tiền này? Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ chốt là FDI, Nhà nước hay Tư nhân? Các mặt hàng xuất khẩu này mang thương hiệu của hãng nào: Nike, Adidas, Samsung, LG, Sony... ? Doanh nghiệp trong nước có bán được sản phẩm hay quảng bá được thương hiệu của mình? Thực tế cho thấy, chính phủ Trung Quốc vẫn kêu là tỷ trọng hàng xuất khẩu của bản thân doanh nghiệp Trung Quốc còn thấp. Thực chất, mối lợi có thể đã rơi vào tay các doanh nghiệp FDI, đầu tư nước ngoài như Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ...v.v... những người vừa kiếm lợi nhuận từ việc bán nguyên vật liệu đồng thời bán được cả thành phẩm và quảng bá thương hiệu của mình, trong khi các doanh nghiệp quốc nội chỉ làm gia công cho các công ty và các nhản hiệu hàng hóa của nước ngoài mà thôi! Việc mở rộng thị phần xuất khẩu có ý nghĩa gì khi mà 90% nguyên vật liệu đầu vào vẫn phải nhập và thanh toán bằng ngoại tệ (nói cách khác: một cách tương đối, chúng ta nhập khẩu 90% thì xuất khẩu được 10% - ngay cả việc xuất khẩu gạo và nông sản thì cũng phải nhập khẩu lại phân bón, thuốc trừ sâu chiếm 80% - 90% số tiền thu về)? Giải quyết bài toán lao động và việc làm trong nuớc? Nếu bạn phải ngồi may quần áo hay giày dép suốt ngày thì liệu bạn có thời gian học nghề lắp ráp điện tử hay chế tạo máy móc, chế phẩm sinh học ..v.v. hay làm các sản phẩm có hàm lượng chất xám và giá thành cao hơn? Có thời gian tái đào tạo nâng cao tay nghề để được tăng lương hay "đổi đời"? Đến đây, có thể kết luận một phần nào đó, một mặt nào đó, việc định giá thấp đồng nội tệ VND có thể trợ giúp cho việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, tăng thị phần xuất khẩu, nhưng cần xem lại ai là người thực sự hưởng lợi từ việc này? Hưởng lợi bao nhiêu % và như thế nào? Việc làm này có tác động làm "kiềm chế" sức sáng tạo và "hàm lượng chất xám" trong sản phẩm xuất khẩu? Điều này có tác động "giúp sức cổ vũ" khiến doanh nghiệp và người lao động trong nước mãi mãi đi làm gia công và bán sức lao động giá rẻ cho doanh nghiệp nước ngoài theo một trật tự phân công lao động quốc tế mà qui luật "trâu chậm uống nước đục" đang diễn ra? Chúng ta chấp nhận một thực tiễn phân công lao động trong chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới theo các "lợi thế so sánh" của mỗi quốc gia, ví dụ: Thái Lan, Việt Nam có thể sản xuất lúa gạo do điều kiện thời tiết phù hợp, các quốc gia công nghiệp hóa như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Đức... xuất khẩu máy móc, thiết bị công nghệ ..v.v. Vấn đề là làm thế nào để cải thiện được vị thế của quốc gia trên trường quốc tế và trong chuổi cung ứng hàng hóa này? Có thay đổi và cải thiện được hay không hoặc mãi mãi như thế? "Phá giá đồng tiền" cũng kích thích một sự cạnh tranh về thị phần hàng xuất khẩu, kích thích ý nghĩ về tranh giành thị phần quốc tế giữa các quốc gia, khơi mào các cuộc tranh cãi, tranh chấp về tỷ giá tiền tệ thậm chí nổ ra chiến tranh tiền tệ...v.v. với các tác hại khó lường? Trung Quốc vẫn luôn khẳng định chính sách tiền tệ của họ không liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đó sao? Vậy nếu có liên quan thì liên quan ra sao? Ai chứng minh được rõ ràng điều này? Bạn thử tưởng tượng xem: nếu bạn biết cách định giá thấp đồng tiền nội tệ, hay phá giá đồng tiền, để trợ sức cho doanh nghiệp trong nước, hổ trợ gia tăng xuất khẩu, thì người khác và các quốc gia khác không biết làm điều này chăng? Có phá giá đồng tiền được mãi chăng? Nếu quốc gia nào cũng đơn giản làm điều này thì thế giới sẽ ra sao ? Vấn đề gia tăng xuất khẩu được giải quyết dễ dàng vậy sao? Vấn đề cốt lõi nằm ở đâu? Năng suất lao động và sức sáng tạo của con người không đóng vai trò nào chăng trong quá trình sản xuất hàng hóa và hệ thống phân công lao động, cung ứng toàn cầu?

Nguồn VietnamNet: http://vnr500.vn/2010-10-03-dinh-gia-thap-dong-viet-nam-co-tao-don-bay-xuat-khau-