Đình công tự phát do đâu?

(TBKTSG) - Đình công là một trong những biện pháp chủ yếu mà người lao động được quyền sử dụng để bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình. Quyền đình công đã được ghi nhận tại điều 8 Hiến chương quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được thông qua tại Liên hiệp quốc năm 1966.

Lâm Văn Triển (*) Một cuộc đình công tự phát hồi năm 2009 ở Hà Nội. Ảnh: Lã Anh. Tại Pháp, đình công là một quyền cơ bản được ghi nhận tại lời nói đầu Hiến pháp 1946 cũng như Hiến pháp 1958. Ở Việt Nam, tuy không được xem là một quyền hiến định, quyền đình công cũng đã được khẳng định tại Bộ luật Lao động năm 1995, trong đó điều 7 quy định: “Người lao động có quyền đình công theo quy định của pháp luật”. Đình công hợp pháp: không dễ! Bộ luật Lao động quy định việc đình công do Ban chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định và lãnh đạo sau khi được quá nửa tập thể lao động tán thành. Mọi cuộc đình công không do công đoàn tổ chức đều bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc người lao động thực thi quyền đình công theo đúng quy định của luật không phải dễ. Hiện nay rất ít cuộc đình công do công đoàn đứng ra tổ chức mà hầu hết là tự phát. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân. Một phần do hiểu biết pháp luật của người lao động còn hạn chế trong khi các quy định của Bộ luật Lao động về đình công còn phức tạp và nhiều bất cập. Nhưng nguyên nhân quan trọng là do vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện và bảo vệ lợi ích của người lao động còn mờ nhạt. Về quy định liên quan đến vai trò của công đoàn trong việc tổ chức và lãnh đạo các cuộc đình công, luật lao động Việt Nam có điểm tương đồng với ở Đức và Mỹ. Theo đó, để được xem là hợp pháp, các cuộc đình công phải do công đoàn đứng ra tổ chức. Trái lại, theo luật lao động Pháp, việc tổ chức đình công không thuộc độc quyền của công đoàn mà do tập thể người lao động tự điều phối, tổ chức, không thông qua tổ chức công đoàn vẫn có thể được xem là hợp pháp. Một mặt, các doanh nghiệp ở Đức, Mỹ thường đàm phán với các nghiệp đoàn để đưa vào thỏa ước lao động tập thể “điều khoản cấm đình công”. Ở Pháp, tuy không sử dụng “điều khoản cấm đình công” và các quy định về thủ tục đình công cũng đơn giản hơn nhưng do chế độ phúc lợi xã hội (chế độ lương bổng, bảo hiểm xã hội, y tế, hưu trí…) của người lao động được luật bảo đảm ở mức cao nên người lao động trong khu vực tư nhân thường ít khi đình công. Việc đình công ở Pháp chủ yếu diễn ra trong những tổ chức cung cấp các dịch vụ công ích của nhà nước như SNCF, RATP và các trường đại học… Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện có 99.577 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, trong đó có 74.149 công đoàn cơ sở trong khu vực nhà nước (cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước) và 25.428 công đoàn cơ sở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Đáng chú ý, trong tổng số gần 300.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay thì số lượng công đoàn cơ sở được thành lập trong khu vực này chiếm chưa đến 10%. Báo cáo cũng thừa nhận số doanh nghiệp ngoài quốc doanh đủ điều kiện thành lập công đoàn nhưng chưa có tổ chức công đoàn vẫn còn nhiều. Ở Việt Nam, hoạt động của tổ chức công đoàn phần nhiều còn chưa hiệu quả. Theo báo cáo tổng kết đánh giá 19 năm thi hành Luật Công đoàn của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều tổ chức công đoàn hiện nay hoạt động còn mang tính hình thức, vai trò trong việc đại diện người lao động ký thỏa ước lao động tập thể rất mờ nhạt. Điều này minh chứng qua việc tỷ lệ doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thỏa ước lao động tập thể rất thấp (chỉ khoảng 20%). Đó là chưa kể các thỏa ước lao động tập thể hiện chủ yếu là sao chép các quy định của pháp luật lao động và ít có những điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 1995 đến hết năm 2009, cả nước đã xảy ra 2.978 vụ ngừng việc tập thể, đình công tự phát và hàng ngàn vụ tranh chấp lao động liên quan đến những vấn đề thuộc phạm vi quan hệ lao động như tiền lương, thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội... Những yêu sách đó cơ bản là chính đáng nhưng do không được lãnh đạo và tổ chức bởi công đoàn cơ sở nên nhiều trường hợp bị xem là bất hợp pháp. Và trong trường hợp đình công bất hợp pháp, người lao động đứng trước nguy cơ bị sa thải, thậm chí phải bồi thường cho chủ doanh nghiệp nếu việc đình công gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Những phân tích trên cho thấy, bản chất của vấn đề đình công bất hợp pháp không nằm ở quy định việc đình công phải do công đoàn tổ chức hay không. Mà vấn đề cốt lõi là ở việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở. Khi lợi ích của người lao động được tổ chức công đoàn cơ sở bảo vệ một cách hiệu quả thì sẽ góp phần phòng ngừa tình trạng đình công tự phát. Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đã có những đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, điều then chốt cho hiệu quả hoạt động của công đoàn là vấn đề tài chính công đoàn thì dự thảo vẫn không có gì mới so với quy định hiện hành. Việc quy định doanh nghiệp trích nộp cho công đoàn 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động để làm kinh phí hoạt động công đoàn là không hợp lý. Cụ thể, việc quy định doanh nghiệp trích nộp cho công đoàn 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động để làm kinh phí hoạt động công đoàn là không hợp lý. Một mặt, quy định này làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Mặt khác, việc hoạt động công đoàn dựa vào nguồn tài chính từ khoản trích nộp của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của công đoàn trong mối quan hệ với doanh nghiệp. Trong khi đó, lẽ ra tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở, cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn tài chính của chủ doanh nghiệp để có thể tránh bị áp lực và yên tâm làm tốt vai trò của mình. ______________________ (*) Nghiên cứu sinh ngành luật tại Pháp

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/doanhnghiep/phapluat/37676/