Điều trị HIV/AIDS bằng bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều vướng mắc

Bảo hiểm y tế được xác định là chỗ dựa cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tiếp tục được chăm sóc, điều trị trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm hoàn toàn vào năm 2020. Tuy nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh việc tiếp cận với bảo hiểm y tế và điều trị bằng thẻ bảo hiểm y tế của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nhiều vướng mắc.

* Lo ngại lộ danh tính

Anh C.T, một bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV (thuốc điều trị dùng cho người bị nhiễm HIV) tại Trung tâm y tế dự phòng quận 11 rất lo lắng khi sắp tới đây việc điều trị sẽ thông qua bảo hiểm y tế. Anh cho biết: "Hiện thẻ bảo hiểm y tế của tôi do công ty nơi tôi làm việc mua, nếu giờ dùng thẻ này để điều trị thì mọi người trong công ty sẽ biết tôi nhiễm bệnh".

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Bà Bùi Thị Tú Anh, Phó trưởng khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận 11 cho biết, trong quá trình tư vấn về bảo hiểm y tế cho bệnh nhân đang điều trị tại đây, bà cũng nhận được những ý kiến lo ngại tương tự. Trong số 2.000 bệnh nhân đang điều trị tại khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận 11 có 74% đã có thẻ bảo hiểm y tế nhưng lâu nay họ không sử dụng đến vì e ngại lộ thông tin cá nhân. “Nhiều người bệnh là sinh viên, là công chức, viên chức, cũng có người giữ chức vụ lớn trong các doanh nghiệp, vì vậy họ không khó khăn khi mua thẻ bảo hiểm y tế nhưng lại lo sợ thông tin sẽ bị rò rỉ khi dùng thẻ này để khám chữa bệnh”, bà Tú Anh chia sẻ.

Để hạn chế bị phát hiện bệnh, nhiều bệnh nhân đã đề nghị được mua thêm một thẻ bảo hiểm y tế riêng dùng để điều trị ARV nhằm “che mắt” gia đình, cơ quan, trường học. Tuy nhiên, luật hiện nay vẫn chưa cho phép một người có thể có 2 thẻ bảo hiểm y tế.

Theo lộ trình chuyển đổi điều trị HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã mở rộng thêm 16 phòng khám ngoại trú đặt tại các bệnh viện quận, huyện. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều bệnh nhân vẫn không đồng ý điều trị tại đây. Theo số liệu từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn 6 tháng triển khai, hiện mới chỉ có 252 bệnh nhân chuyển về điều trị tại bệnh viện quận huyện, trong đó có một số đơn vị mới chỉ tiếp nhận được khoảng 10-12 bệnh nhân, một số nơi vẫn chưa thể tiếp nhận bệnh nhân nào.

Lý giải cho sự không hợp tác này, một bệnh nhân đang điều trị ARV tại Trung tâm y tế dự phòng quận 6 cho biết, khi anh đến bệnh viện quận khám bệnh bằng bảo hiểm y tế thì ngay từ khâu tiếp nhận anh phải kê khai thông tin cá nhân, kê khai tình trạng bệnh và đương nhiên những điều này sẽ hiển thị lên trên phần mềm khám bệnh chung nên rất khó đảm bảo thông tin được giấu kín. Mặt khác, việc đi khám bệnh tại bệnh viện quận, huyện rất dễ gặp người quen, người cùng khu phố và nguy cơ lộ tình trạng bệnh càng cao hơn.

* Vẫn còn nhiều bệnh nhân không thể tiếp cận điều trị

Báo cáo mới đây của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, tính đến tháng 3-2017, Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho 30.000 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó 70% bệnh nhân đã có thẻ Bảo hiểm y tế. Với 30% bệnh nhân chưa có thẻ, đa phần là những người nghèo, sống chung với hộ gia đình có nhiều thành viên, không có khả năng mua bảo hiểm y tế, hiện Ủy ban nhân dân Thành phố đã chấp thuận dùng Quỹ kết dư bảo hiểm y tế và Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ mua thẻ cho những đối tượng này.

Tuy nhiên, số liệu từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, hiện vẫn còn gần 1.000 trường hợp gặp khó khăn về pháp lý, đó là những người không có giấy tờ tùy thân, không nơi cư trú, những người đang ở các trại giam, Việt kiều Campuchia… “Với những bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân thì dù mình có hỗ trợ họ mua được thẻ bảo hiểm y tế thì họ vẫn không thể điều trị được do quy định khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế buộc phải xuất trình giấy tờ tùy thân”, bác sỹ Dương Minh Hải, Trưởng phòng chăm sóc và điều trị, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết. Đây là một trong những vướng mắc vẫn chưa tìm được giải pháp tháo gỡ trong việc điều trị HIV thông qua thẻ bảo hiểm y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Kim Chi Na, Trưởng khoa Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng quận 11 lo ngại, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời thì những bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân sẽ có nguy cơ bị gián đoạn điều trị. Một khi việc điều trị bị gián đoạn sẽ gia tăng tỷ lệ kháng thuốc, khi đó vi khuẩn kháng thuốc có thể lây lan ra cộng đồng khiến cho việc điều trị HIV càng khó khăn gấp bội.

Trước tình trạng trên, trong thời gian tới, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với Công an Thành phố thành lập các tổ tư vấn tìm hiểu và nghiên cứu từng trường hợp cụ thể, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân làm lại giấy tờ tùy thân. Trong trường hợp bất khả kháng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS sẽ kiến nghị Thành phố trích ngân sách mua thuốc ARV nhằm đảm bảo 100% bệnh nhân được điều trị liên tục.

TTXVN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/dieu-tri-hiv-aids-bang-bao-hiem-y-te-van-con-nhieu-vuong-mac-505795