Điều tra vụ tráo máy nông cụ của dân nghèo

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo tiếp tục làm rõ các sai phạm trong việc đánh tráo máy nông cụ của người dân xảy ra tại H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Máy cắt cỏ của Trung Quốc được dán bên ngoài nhãn mác máy Nhật

Chiều 16.3, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Bình Thuận Nguyện Đình Trung, cho biết Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo tiếp tục làm rõ các sai phạm trong việc đánh tráo máy nông cụ của người dân xảy ra tại H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, ngay sau khi bị báo chí phát hiện sự việc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh phải xác minh, báo cáo thông tin vào ngày 19.1. Ngay sau đó, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra và đã có kết luận bước đầu. Dựa trên báo cáo sự việc, nay Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tiếp tục phải xử lý vụ việc này theo đúng các quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng trước ngày 1.5.

Nhãn máy Nhật, ruột Trung Quốc

Theo quyết định của Chính phủ (QĐ 755/2013) về việc hỗ trợ máy móc, nông cụ cho đồng bào nghèo thuộc diện dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã có quyết định cho các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và Hàm Thuận Nam được hưởng chính sách này (mỗi hộ được một máy cắt cỏ hoặc máy bơm nước). Các huyện (có đông đồng bào dân tộc thiểu số) sẽ tự ký hợp đồng và mua máy móc cho nông dân dựa trên kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Đầu năm 2017, người dân xã La Dạ (H.Hàm Thuận Bắc) đã phát hiện hơn 306 máy cắt cỏ của họ là máy Trung Quốc, chứ không phải là máy của Nhật như thông báo của chính quyền. Tất cả các máy này đều có tem nhãn mác hãng HONDA của Nhật bên ngoài. Nhưng khi lột tem Nhật bên ngoài ra thì bên trong là tem nhãn mác của Trung Quốc. Theo giá trị máy Nhật mà ngân sách phải trả là khoảng 5 triệu đồng đồng/máy. Tuy nhiên thực tế, máy mà người dân được cấp có giá bán ngoài thị trường chỉ trên 2 triệu đồng/máy.

Công an vào cuộc điều tra

Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đình Trung, sau khi đoàn kiểm tra của tỉnh có kết luận bước đầu về việc tráo máy ở H.Hàm Thuận Bắc là đúng, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu tất các huyện trong tỉnh được hỗ trợ chính sách này phải thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra việc cấp máy nông cụ cho bà con.

Cũng theo ông Trung, riêng vụ tráo máy nông cụ xảy ra ở xã La Dạ, H.Hàm Thuận Bắc (306 máy cắt cỏ), UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh và UBND H.Hàm Thuận Bắc chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Hiện nay Công an tỉnh đã yêu cầu Cơ quan CSĐT vào cuộc. Chúng tôi sẽ chỉ đạo phải hoàn thành kết luận sớm về sai phạm này đúng thời gian mà Phó Thủ tướng đã yêu cầu”, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận nói.

Vụ việc làm xấu hình ảnh của tỉnh

Một cán bộ lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận, cho biết từ trước đến nay Tỉnh ủy và UBND tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân vùng cao, vùng sâu phát triển sản xuất. Cụ thể, trước đây Tỉnh ủy Bình Thuận có Nghị quyết 04 chuyên sâu về phát triển kinh tế, nông nghiệp cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ đồng bào được cấp đất, hỗ trợ bò giống để sản xuất và chăn nuôi. Những chính sách đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong các làng bản vùng cao, vùng sâu của đồng bào trong nhiều năm qua. “Vụ tráo máy của bà con ở xã La Dạ, H.Hàm Thuận Bắc là cá biệt. Tuy nhiên, nó tạo hình ảnh xấu, có tác động tiêu cực đến chính sách phát triển vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nhà. Không chỉ UBND tỉnh mà Tỉnh ủy Bình Thuận cũng hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao vụ việc này”, vị cán bộ lãnh đạo này nói.

Quế Hà

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/dieu-tra-vu-trao-may-nong-cu-cua-dan-ngheo-816532.html