Điều tra vụ 'đánh tráo' nông cụ cấp phát cho người nghèo

Cơ quan CSĐT huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận đã triệu tập chủ cơ sở nông cụ Minh Thắng để điều tra, làm rõ sự vụ “đánh tráo” nông cụ cấp phát cho người nghèo.

Ngày 6/4, Công an huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) cho biết cơ quan điều tra đã triệu tập ông Hồ Minh Thắng, chủ cơ sở nông cụ Minh Thắng (ngụ thôn 2, xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh) để điều tra làm rõ phản ánh, tố cáo của người dân về việc "đánh tráo" nông cụ cấp phát cho người nghèo trên địa bàn.

Ông Thắng là người cung cấp nông cụ cho các hộ nghèo, dân tộc đồng bào thiểu số ở xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh và xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Nhãn mác trên nông cụ được bóc, gỡ, một cách dễ dàng.

Theo ông Hồ Minh Thắng, số máy móc giao cho người dân các xã Đức Thuận (huyện Tánh Linh), xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) được ông mua lại từ doanh nghiệp T.S., có trụ sở tại xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Ông Thắng cho biết bản thân không am hiểu các dòng sản phẩm máy móc nông cụ. Thế nên, khi chủ cơ sở T.S. tư vấn các sản phẩm thuộc dòng “Honda loại II” có giá rẻ hơn nhưng chất lượng gần tương đương, ông Thắng chủ quan nhập hàng về, giao cho người dân.

Theo chủ cửa hàng Minh Thắng, cơ sở T.S. không thừa nhận là nhà cung cấp hàng nông cụ cho ông. Ông cũng không có bất cứ giấy tờ nào để chứng minh việc mua hàng từ doanh nghiệp T.S..

Trước đó, theo đề án của chính phủ, hơn 400 hộ người đồng bào, người nghèo trong huyện Tánh Linh được hỗ trợ kinh phí mỗi hộ 5 triệu đồng để trang bị máy nông cụ, riêng xã Đức Thuận có 70 hộ được hỗ trợ 350 triệu đồng.

Tháng 11/2016, những hộ dân này đã được cấp phát máy nông cụ tùy theo nhu cầu đăng ký như máy bơm nước, máy xịt thuốc, máy cắt cỏ hiệu Honda, trị giá 5 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, sau khi nhận máy, người dân phát hiện các nông cụ không phải là hàng Nhật, mà hầu hết là hàng Trung Quốc.

Tương tự, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc cũng có hơn 300 hộ nghèo, đồng bào thiểu số được phát miễn phí nông cụ, máy móc với số tiền gần 2 tỷ đồng. Nhưng khi nhận máy về, bà con phát hiện toàn là “hàng Trung, mác Nhật”.

Điều đặc biệt là toàn bộ lô hàng cấp phát tại hai địa phương trên đều do ông Hồ Minh Thắng, chủ cơ sở nông cụ Minh Thắng “bao thầu” (cung cấp-PV).

Trong khi đó, ông Huỳnh Trọng Nghĩa, đại diện công ty TNHH Honda Việt Nam Power Products cho biết các máy móc, nông cụ của hãng Honda sản xuất tại Thái Lan, nhập về Việt Nam đều có tem chống giả. Nhãn hiệu của hàng Honda chính hãng dán trên lốc máy không dễ gỡ ra. Giá của dòng sản phẩm này cũng cao hơn rất nhiều so với bảng báo giá mà cơ sở đưa ra.

Máy móc Trung Quốc nhưng lại gán mác hàng Nhật Bản.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Xác minh bước đầu cho thấy đơn vị cung ứng lô nông cụ mắc các sai phạm như: Thực hiện cung cấp máy móc không đúng hợp đồng; có biểu hiện gian dối trong cung cấp hàng hóa; cung cấp máy móc nhái nhãn hiệu Honda...

Liên quan đến sai phạm hỗ trợ theo Quyết định 755, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương xác minh, điều tra, làm rõ vụ việc. Nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/5/2017.

Trang Chi

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/dieu-tra-vu-danh-trao-nong-cu-hang-tau-mac-nhat-o-binh-thuan-a321080.html