Điều tra hồ sơ Chủ tịch bị lọt: ''Tôi muốn hỏi''

Thông tin kê khai tài sản của ông Thơ, hồ sơ đó có thông tin gì mà không được công khai, phải coi là tài liệu mật?

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng về nguyên tắc việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ của ông Thơ có gì phải bí mật?

Theo đó, mọi thông tin liên quan tới công tác kê khai tài sản cũng như thông tin cá nhân cán bộ, lãnh đạo không thuộc diện là những thông tin bí mật.

"Cán bộ là do dân bầu ra, chọn ra, dân phải có quyền được biết mọi thông tin về người lãnh đạo, người cán bộ họ sẽ lựa chọn có xứng đáng hay không", ông Hùng nói.

Về thông tin lãnh đạo Đà Nẵng nói rằng thông tin kê khai tài sản của ông Chủ tịch UBND Thành phố và hồ sơ lý lịch cá nhân là bí mật, ông Hùng cho rằng cần phải xem xét lại.

Theo ông Hùng, không phải tài liệu nào cũng có thể đóng dấu mật hoặc cứ tài liệu không muốn công khai, không muốn ai biết là lại đóng dấu mật. Như vậy là lạm dụng "dấu mật", trái với quy định.

"Tôi không có thông tin cụ thể nhưng tôi muốn hỏi Đà Nẵng: Trong hồ sơ của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có phải là tài liệu mật theo quy định của nhà nước không? Hồ sơ đó có thông tin gì mà không được công khai, phải coi là tài liệu mật?".

Đưa ra cách nhìn nhận khác, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết, việc kê khai tài sản của cán bộ công chức đã có quy định rất rõ ràng, tuy nhiên, quy định về công khai hồ sơ kê khai thì lại chưa có quy định cụ thể.

Do đó, yêu cầu công khai hồ sơ kê khai tài sản cá nhân vẫn được thực hiện nhưng được giới hạn theo chức danh, thẩm quyền quản lý.

Ví dụ đối với cán bộ, lãnh đạo thuộc diện quản lý của Trung ương sẽ do Trung ương quản lý nhưng ĐBQH có quyền được biết. Còn ở địa phương, tài liệu trên cũng phải được thông qua đại biểu HĐND địa phương. Về quy trình quản lý hồ sơ kê khai tài sản, sơ yếu lý lịch của cán bộ công chức là như vậy.

Trở lại câu chuyện của Đà Nẵng, ông Thuận cho rằng dư luận đặt vấn đề và đòi hỏi thông tin trên phải được công khai, minh bạch, đó là xu hướng bình thường.

Nếu đứng trên cương vị của Đà Nẵng, Đà Nẵng nên yêu cầu ngay, kiểm tra ngay xem dư luận phản ánh có đúng không? Nếu số liệu đó đúng thì phải yêu cầu cán bộ giải trình thế nào? Trường hợp thông tin đó là sai, là bịa đặt thì Đà Nẵng cũng cần thông báo công khai để dư luận biết.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/dieu-tra-ho-so-chu-tich-bi-lot-toi-muon-hoi-3332139/