Điều kiện để người lao động làm thêm giờ

Bạn đọc có số điện thoại 0915464xxx gọi đến đường dây nóng của Văn phòng TVPL Báo Lao Động phản ánh: Tôi làm cho một Cty tại KCN Thăng Long, Hà Nội. 3 năm nay Cty liên tục bắt CN làm thêm giờ, 1 ngày làm thêm 4 tiếng, 1 tuần làm thêm 20 tiếng. Cty vẫn trả tiền làm thêm giờ đầy đủ, nhưng CN không muốn làm thêm giờ, nên đã nhiều lần kiến nghị với Cty mà không được giải quyết. Tôi và các CN khác nên làm thế nào?

Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, TƯLĐTT...- Ảnh: T.L

Luật sư Lại Xuân Cường - Văn phòng luật sư Quốc Thái, Đoàn luật sư TP. Hà Nội tư vấn: Điều 106 BLLĐ năm 2012 quy định về vấn đề làm thêm giờ quy định: “Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, TƯLĐTT hoặc theo NQLĐ. 2. NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của NLĐ;

b) Số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm;

Như vậy, việc các CN không đồng ý nhưng NSDLĐ vẫn buộc các bạn phải làm thêm giờ là trái với quy định của pháp luật. Bạn nên khiếu nại tới Ban Quản lý KCN Thăng Long, CĐ các KCN - KCX Hà Nội để nhờ hỗ trợ bảo vệ quyền lợi…

Bạn đọc có số điện thoại 0967935xxx, gọi đến số đường dây nóng của Văn phòng TVPL Báo Lao Động phản ánh: Bạn dạy tại một trường tư thục ở Quảng Ninh. Nhà trường nói rằng bạn có đơn vu khống hiệu trưởng do đó đã thông báo cho bạn nghỉ việc từ ngày 27.9. Nhà trường cũng tiến hành họp xử lý kỷ luật mà không có mặt bạn và quyết định hình thức kỷ luật sa thải. Bạn phải làm thế nào?

Văn phòng TVPL Báo Lao Động trả lời: Điều 126 BLLĐ 2012 quy định hình thức xử lý kỷ luật (XLKL) sa thải được NSDLĐ áp dụng trong những trường hợp sau đây: 1. NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ; 2. NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị XLKL cách chức mà tái phạm. 3. NLĐ tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng. Do đó, hành vi vu khống hiệu trưởng không thuộc trường hợp NSDLĐ được kỷ luật sa thải NLĐ. Ngoài ra, theo quy định tại điểm a, b, c, khoản 1, Điều 123 BLLĐ 2012, khi họp XLKL NLĐ, NSDLĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ; Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; NLĐ phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

Với những gì bạn phản ánh, cho thấy nhà trường đã XLKL sa thải bạn trái với pháp luật. Bạn có thể nhờ phòng LĐTBXH, LĐLĐ huyện nơi trường đóng trụ sở can thiệp bảo vệ quyền lợi hay khởi kiện nhà trường ra tòa, yêu cầu tòa tuyên buộc nhà trường phải nhận bạn trở lại làm việc, trả lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN trong những ngày không được làm việc, cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo quy định tại Điều 42 BLLĐ 2012.

Hãy liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 19008088 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi: hoặc đến 51 Hàng Bồ, HN và 39 Trương Định, P6, Q3, TPHCM để được Luật sư tư vấn trực tiếp.

Q. Hùng - N. Dương

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/tu-van-phap-luat/dieu-kien-de-nguoi-lao-dong-lam-them-gio-599916.bld