Điều kiện để giáo viên dạy kiêm nhiệm trái bộ môn đào tạo

Vì thiếu giáo viên nên đầu năm học này tôi được phân công dạy kiêm môn Giáo dục công dân. Gốc là giáo viên Vật lý, nhưng vì hiểu được khó khăn của trường về biên chế trong giai đoạn này, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu học tập toàn diện của học sinh, tôi liều mình nhận trách nhiệm.

Qua thời gian ngắn trải nghiệm, tôi thấy có nhiều điều cần viết lên để gửi báo ngành, để cùng học hỏi kinh nghiệm.

Chuyện là, hôm ấy chấp hành chỉ đạo chuyên môn của Sở GD&ĐT về việc lồng ghép giáo dục pháp luật qua môn này. Tôi lồng ghép giáo dục pháp luật về Bộ luật Hình sự, phối hợp sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT cùng với Sở Tư pháp tỉnh. Trong bài giảng, tôi khẳng định tội nặng nhất của con người là tội giết người, có thể bị tù chung thân, nặng hơn là tử hình.

Tôi vừa dứt lời, một nam sinh giơ tay xin có ý kiến, em nói: “Thưa thầy! Em nghe nói một trong những tội không thể nào tha thứ của con người là sự nghi ngờ lòng chung thủy của một trái tim chân thành. Sao thầy lại bảo tội giết người là nặng nhất?”.

Tôi lý giải cho cả lớp nghe, nhưng tôi tự thấy chưa thỏa mãn. Ngẫm ra, tôi đặt câu hỏi điều kiện nào để giáo viên không được đào tạo chính quy dạy kiêm nhiệm bộ môn này, qua quá trình giảng dạy tôi tự trả lời - đó là ý thức và tinh thần trách nhiệm kết hợp với kiến thức cơ bản được trang bị ở bộ môn này. Xin thưa ý thức và tinh thần trách nhiệm thì sẵn có trong đội ngũ chúng ta nhưng kiến thức cơ bản thì cần bồi dưỡng thường xuyên. Tôi thấy như sau:

Từng trường cần có dự báo danh sách những giáo viên sẽ dạy kiêm nhiệm các môn không có giáo viên được đào tạo chính quy, mà chủ yếu ở các trường là môn Giáo dục công dân, từ đó gửi lên Sở GD&ĐT để Sở GD&ĐT có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên vào dịp hè bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ này, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tự thân mỗi giáo viên thì lòng nhiệt tình và ý thức trách nhiệm sẵn có nhưng muốn dạy kiêm nhiệm tốt môn này thì nhất thiết phải được trang bị kiến thức cơ bản, mà tốt nhất là mình tự bồi dưỡng, bằng cách dành thời gian nghiên cứu sách giáo khoa, phân phối chương trình và các tài liệu tham khảo để chuyển tải đầy đủ đơn vị kiến thức cần thiết cho mỗi bài giảng của môn học này, tránh tối đa những tình huống sư phạm không đáng có như tình huống sư phạm tôi nói trên và rất nhiều tình huống khác.

Tóm lại, ngoài việc ngành cần đầu tư để bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm dạy các môn không có giáo viên được đào tạo chính quy thì chính bản thân mỗi giáo viên phải tự mình học hỏi tự bồi dưỡng cho chính mình để sao cho chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, đạt chuẩn.

Trần Đức Thắng (Bình Thuận)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dieu-kien-de-giao-vien-day-kiem-nhiem-trai-bo-mon-dao-tao-2472460-b.html