Điều kiện để được giám định lại thương tật

(Chinhphu.vn) - Giải đáp thắc mắc của ông Cao Văn Thành, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, theo quy định sẽ không thực hiện giám định lại thương tật cho những người đã được Hội đồng Y khoa kết luận xếp tỷ lệ thương tật vĩnh viễn.

Ông Cao Văn Thành, trú tại phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An là thương binh hạng 4/4, tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 21%. Theo kết luận của Bệnh viện Bạch Mai ngày 2/8/2010, vết thương đỉnh đầu ông Thành tái phát. Hiện, ông Thành muốn được giám định lại thương tật nhưng theo giải thích của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Thái Hòa, thì ông không thuộc diện được giám định lại thương tật theo quy định. Ông Thành muốn được biết, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Thái Hòa giải thích như vậy có đúng với quy định không? Giải đáp thắc mắc của ông Thành, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An trả lời như sau: Căn cứ Điều 12, mục 6, Chương I, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, không thực hiện giám định lại thương tật cho những người đã được Hội đồng Y khoa kết luận xếp tỷ lệ thương tật vĩnh viễn. Do vậy, trường hợp ông Cao Văn Thành không thuộc đối tượng giám định lại thương tật. Thông tin thêm về các trường hợp được giám định lại thương tật, ông Bùi Ngọc Thái, Phó Cục trưởng Cục Người có công Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, thương binh được kết luận thương tật tạm thời từ 21% trở lên, sau 3 năm được giám định lại để xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn. Thương binh sau khi đã được giám định thương tật mà bị thương tiếp do 1 trong các trường hợp sau thì được giám định bổ sung: - Chiến đấu, tiễu phỉ, trừ gian, trấn áp phản cách mạng, lùng bắt gián điệp, biệt kích. Trực tiếp phục vụ chiến đấu: tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo giao thông liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa khi địch bắn phá. - Hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn tù đày không chịu khuất phục; kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục. - Được tổ chức phân công đi làm nghĩa vụ quốc tế mà bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp bị thương do tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, quy định của cơ quan, đơn vị hoặc trong khi học tập, tham quan, du lịch, đi an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị, làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là thương binh. - Dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. - Dũng cảm làm công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. - Bị tai nạn trong khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khi làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng núi, hải đảo và ở nước ngoài. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An và Cục Người có công Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có thông tin trả lời công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ. Ban Bạn đọc

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/dieu-kien-de-duoc-giam-dinh-lai-thuong-tat/20109/36381.vgp