Điều không tưởng trong thể thao: Quái kiệt đánh bóng bàn bằng miệng

Ibrahim Hamadtou được tôn vinh là quái kiệt của bóng bàn thế giới khi đánh bóng... bằng miệng do mất 2 cánh tay. Anh được xem là hiện thân của nghị lực bất khuất, không chấp nhận hoàn cảnh nghiệt ngã để thi đấu như một VĐV bình thường.

Ibrahim Hamadtou

[VIDEO]: XEM MÀN TRÌNH DIỄN CỦA IBRAHIM HAMADTOU

“Không có gì là không thể”

Hamadtou không may bị mất 2 cánh tay trong một tai nạn xe lửa khi mới lên 10 tuổi. Theo AFP, dù đối mặt với hoàn cảnh nghiệt ngã và một tương lai bế tắc nhưng cậu bé vẫn quyết tâm nuôi giấc mơ tập luyện thể thao để giải thoát cuộc đời. Ban đầu, Hamadtou tập bóng đá nhưng nó quá nguy hiểm do cậu luôn bị té ngã vì mất thăng bằng. Vì vậy, Hamadtou chuyển sang làm quen chơi bóng bàn, bất chấp những dị nghị về việc anh không có tay để cầm vợt.

Bằng nghị lực phi thường, Hamadtou bỏ ra một thời gian dài để tìm hiểu và tập luyện cách giữ vợt bằng miệng, tung giao bóng bằng chân. Kể từ đó đến nay, cậu bé Hamadtou ngày nào cũng cần cù tập luyện nâng cao các kỹ năng đánh bóng đặc biệt của mình để đối phó với những hoài nghi của mọi người xung quanh. Giấc mơ của Hamadtou cuối cùng cũng thành sự thật khi anh đủ tiêu chuẩn để dự các giải đấu thể thao dành cho người khuyết tật của quốc gia và châu lục.

Sau khi làm nên một số trận thắng ở các giải đấu, Hamadtou được ví như nguồn cảm hứng trong cuộc sống của người dân Ai Cập. Họ thán phục những cú giao và đánh bóng đầy thuần thục được anh thực hiện bằng chiếc vợt bóng bàn giữ ở miệng. Cách đây 2 năm, những kỹ năng đánh bóng bàn bằng miệng ấy đã đưa Hamadtou trở thành một ngôi sao của thể thao thế giới. Theo đó, trong một video trên YouTube mang tên Nothing is impossible (tạm dịch: Không có gì là không thể), hình ảnh Hamadtou biểu diễn các kỹ năng chơi bóng bàn bằng miệng đã tạo nên một cơn sốt trên internet và thu hút hơn 3 triệu lượt xem khắp toàn cầu. “Qua đoạn video tôi muốn gửi một thông điệp rằng “không có gì là không thể”. Hãy chăm chỉ để đạt được điều mình thích và cảm thấy tốt cho bạn. Khuyết tật không phải nằm ở cánh tay hoặc chân, mà khuyết tật chính là sự không kiên trì trong bất cứ những việc bạn muốn làm”, Hamadtou thổ lộ.

Dù trở thành ngôi sao trên internet, Hamadtou vẫn ấp ủ một giấc mơ lớn hơn để chuyển tải thông điệp cuộc đời mình một cách có ý nghĩa hơn. Đó là giấc mơ đoạt vé tranh tài ở Paralymic. Và một lần nữa thế giới phải ngả mũ thán phục VĐV 43 tuổi người Ai Cập khi anh đoạt HCB ở giải Egyptian Open và African Championships để góp mặt tại Paralympic 2016.

Đôi khi thất bại lại là chiến thắng

Sự hiện diện của Hamadtou ở Paralympic 2016 thu hút sự hiếu kỳ không những của người bình thường mà còn gây tò mò ngay cả chính những VĐV khuyết tật của nhiều quốc gia

Sự hiện diện của Hamadtou ở Paralympic 2016 thu hút sự hiếu kỳ không những của người bình thường mà còn gây tò mò ngay cả chính những VĐV khuyết tật của nhiều quốc gia. Bởi VĐV đến từ Ai Cập chỉ mang một chiếc giày và không ít người thắc mắc Hamadtou sẽ giao bóng và đánh bóng như thế nào. Nhưng sau đó ở trận đấu gặp David Wetherill (Anh), nhiều khán giả không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến Hamadtou kẹp trái bóng tung lên bằng cái chân không mang giày, trước khi vung chiếc vợt trên miệng để giao bóng và dùng đầu điều khiển các đường vợt sau đó. Tuy thua 0-3 (11-5, 11-7, 11-5) trong trận đấu này nhưng Hamadtou đã đi vào truyền thuyết trong lịch sử bóng bàn.

Dù là người chiến thắng, nhưng tay vợt xuất sắc David Wetherill vẫn nể phục Hamadtou: “Tôi cảm thấy mình đã có được vinh dự khi được đối đầu với anh ấy (Hamadtou). Tôi là người thắng nhưng anh ấy đã thể hiện nhiều kỹ năng tuyệt diệu hơn. Anh ấy xứng đáng là một huyền thoại bóng bàn”. Trong khi đó, Liên đoàn Bóng bàn quốc tế tôn vinh Hamadtou là “một người đàn ông không chỉ có đẳng cấp thể thao thế giới mà còn bậc nhất về sự kiên trì”.

Sau Wetherill, Hamadtou tiếp tục thua trận thứ 2 trước đối thủ người Đức Thomas Rau. Dù không để lại dấu ấn ở Paralympic năm nay do bị loại sớm nhưng với Hamadtou đó lại là niềm hạnh phúc: “Không phải tất cả những thất bại là thất bại. Đôi khi bạn thua nhưng bạn đã thắng trong việc có thêm kiến thức để hoàn thiện mình. Với tôi, việc góp mặt ở Paralympic đã là một chiến thắng”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Hindustan Times, VĐV đặc biệt của Ai Cập cho biết anh sẽ quay về nhà dạy kỹ năng bóng bàn cho những trẻ khuyết tật và tiếp tục làm việc chăm chỉ để trở thành một nhà vô địch ở kỳ Paralympic 2020 tại Nhật Bản.

Tây Nguyên

Nguồn Thanh Niên: http://thethao.thanhnien.vn/toan-canh-the-thao/dieu-khong-tuong-trong-the-thao-quai-kiet-danh-bong-ban-bang-mieng-69943.html