Điều gì sẽ xảy ra sau 'Trận chiến Aleppo'?

Điều gì sẽ xảy ra sau “Trận chiến Aleppo”? Có một điều rõ ràng là phe nổi dậy khó có thể đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của chế độ Assad.

Đó là nhận định của chuyên gia về Syria, Phó giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế Samer N Abboud của Đại học Arcadia, Pennsylvania.

Xe tăng do Nga chế tạo hoạt động trên chiến trường Aleppo trong năm 2016. Ảnh The Times of Israel

Khi Nga tăng mức độ can thiệp vào cuộc xung đột Syria hồi giữa năm 2016, nhiều nhà phân tích đã nói rằng “Trận chiến Aleppo" sẽ quyết định tương lai của cuộc nội chiến Syria. Việc bên nào giành phần thắng trong cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn tiến của cuộc xung đột Syria và những hình thái của giải pháp chính trị.

Giữa lúc Quân đội Syria và các đồng minh đang tiến rất gần đến mục tiêu giải phóng hoàn toàn thành phố Aleppo, người ta đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Trong khi khó có thể đưa ra dự báo chính xác vào thời điểm này, có một số dấu hiệu cho thấy những gì có thể sẽ xảy ra trong tương lai.

Các nhóm phiến quân ở Syria hiện đang bị cắt giảm đáng kể các nguồn tài trợ trong khu vực và đang bị suy sụp nghiêm trọng về chất lượng, một phần do sự can thiệp quân sự của Nga.

Trước đây, các nhóm phiến quân đã hợp nhất ở Đông Aleppo và tiếp nhận các tay súng đến từ các khu vực khác vào đội ngũ của mình. Đây là một sự tập trung quân quan trọng nhất và có sức chiến đấu mạnh mẽ nhất của phe đối lập vũ trang ở Đông Aleppo. Lực lượng khá hùng hậu này bao gồm các nhóm Ahrar al-Sham, Fateh al-Sham (trước đây là Mặt trận al-Nusra), Jaysh al-Mujahideen và các lữ đoàn có liên hệ với nhóm nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA).

Chính vì vậy mà sự sụp đổ của phe đối lập vũ trang ở Đông Aleppo đã triệt tiêu mối đe dọa quân sự lớn nhất đối với chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Chiến lược mà Quân đội Syria và các đồng minh áp dụng khá thành công bao gồm: bắn phá và bao vây một khu vực cụ thể; cắt đứt tuyến đường tiếp viện; tăng cường các cuộc không kích phá hủy cơ sở hạ tầng hiện có và áp đặt ngừng bắn cũng như các thỏa thuận liên quan để buộc các nhóm vũ trang đối lập rời bỏ khu vực.

Trong mấy tháng qua, chiến lược này đã rung “hồi chuông báo tử” đối với nhiều nhóm phiến quân. Sau “Trận chiến Aleppo”, chiến lược thành công này sẽ được nhân rộng trên toàn bộ lãnh thổ Syria, ví dụ như ở Đông Ghouta và khu vực nông thôn tỉnh Hama. Các khu vực này có thể trở thành nơi trú ẩn cho các tay súng đối lập rời bỏ Đông Aleppo, nhưng phe đối lập vũ trang khó có thể tạo ra thách thức nghiêm trọng nào đe dọa sự tồn tại của chế độ Assad như trước đây.

Các tuyến đường cung cấp từ hai biên giới phía nam và phía bắc Syria đã bị cắt đứt và các nhóm đối lập vũ trang cũng khó có thể phối hợp tác chiến hiệu quả như...ngày xưa.

Sau “Trận chiến Aleppo”, các nước đồng minh của Damascus cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp chính trị nào “không phù hợp” với vị thế áp đảo của chế độ Assad. Một trong những ví dụ nhãn tiền là nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm áp đặt một lệnh ngừng bắn ở Aleppo đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết, trong khi Tổng thống Assad cũng đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của phiến quân ở Đông Aleppo về “một lệnh ngừng bắn 5 ngày và mở hành lang nhân đạo” để sơ tán những người bị thương và dân thường ra khỏi khu vực có chiến sự.

Do đó, trật tự ở Syria sau Aleppo khó có thể được xác định theo vị trí địa lý của các nhóm sắc tộc chiếm đa số. Các khu vực cát cứ lẻ tẻ của các nhóm vũ trang có vẫn thể tồn tại, nhưng khó có thể dẫn đến việc chia cắt lãnh thổ Syria như “Kế hoạch B” mà Mỹ dọa sẽ thực hiện.

Phó giáo sư Samer N Abboud kết luận: Với việc chế độ ở Damascus cùng các đồng minh không muốn nhượng bộ chính trị và can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria khó có thể xảy ra, các bên hữu quan đang bước vào một giai đoạn hoàn toàn mới của cuộc xung đột Syria.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/nong-sau/dieu-gi-se-xay-ra-sau-tran-chien-aleppo-793303.html