Điều gì làm nên điểm khác biệt của SM so với hai đối thủ YG và JYP?

Là một trong những công ty giải trí tiên phong của nền âm nhạc Hàn Quốc, đương nhiên SM luôn có những chiến lược thông minh để không ngừng nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của mình.

Kể từ khi trào lưu nhóm nhạc thần tượng bắt đầu phát triển mạnh mẽ, các công ty giải trí không ngừng tìm kiếm phương thức quảng bá cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nghệ sĩ, nhằm tăng tính cạnh tranh trong thị trường âm nhạc khắc nghiệt bậc nhất thế giới này.

Để công chúng dễ dàng “nhớ mặt đặt tên” một nhóm nhạc giữa “rừng” idol hiện nay, công ty chủ quản bắt buộc phải tìm kiếm những hình tượng độc đáo hoặc thậm chí là chiêu trò để nâng độ phủ sóng cho một nhóm nhạc thần tượng.

3 “đại gia” Kpop là SM, YG và JYP luôn vững vàng trong vị trí BIG3 của mình từ những năm đầu thành lập đến hiện tại.

3 “đại gia” Kpop là SM, YG và JYP luôn vững vàng trong vị trí BIG3 của mình từ những năm đầu thành lập đến hiện tại.

Trong khi YG và JYP ưu tiên thuê các chuyên gia âm nhạc trong nước thì SM lại có tham vọng mở rộng đối tượng nghe nhạc ra phạm vi toàn thế giới. Để thực hiện tham vọng này, ngay từ những buổi đầu của trào lưu nhóm nhạc thần tượng, SM đã bắt tay thực hiện chiến lược tìm kiếm các tác phẩm âm nhạc cũng như các chuyên gia tạo hit ở thị trường nước ngoài nhằm mục đích đem đến “làn gió mới” cho thị trường Kpop, đồng thời tiếp cận và chinh phục nhiều đối tượng nghe nhạc khác nhau.

“Siêu phẩm” Mirotic của TVXQ thực ra lại là một ca khúc được SM mua lại từ bản gốc Under My Skin của nữ ca sĩ Sarah Connor.

SM Entertainment là công ty giải trí đầu tiên của Hàn Quốc cho ra mắt nhóm nhạc thần tượng và hiện tại vẫn duy trì vị trí dẫn đầu của mình trong nền công nghiệp âm nhạc nước này. Nhà sáng lập của SM – Lee Soo Man chính là người đã có công nhào nặn ra những huyền thoại Kpop, là người nghĩ ra mô hình nhóm nhạc thần tượng, phát minh ra văn hóa fandom (tên gọi và cách ứng xử của các fan trong fanclub) và màu sắc đặc trưng của các nhóm nhạc thần tượng.

Bên cạnh những nhạc sĩ gạo cội trong nước, điển hình là chuyên gia tạo hit nhà SM – Yoo Young Jin, SM còn hợp tác với một loạt nghệ sĩ lớn nhỏ trên khắp thế giới để các fan không bị nhàm chán với những dòng nhạc “na ná” nhau trong nước.

Yoo Young Jin là một trong những nhà sản xuất có công đầu trong việc tạo ra các “siêu hit” của Kpop, điển hình là I’m Your Girl (S.E.S), T.O.P (Shinhwa), Girls On Top (BoA), Before You Go (TVXQ), Sorry Sorry, Bonamana (Super Junior), Ring Ding Dong, Lucifer (SHINee), MAMA, What Is Love, History (EXO).

SHINee là một trong những nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên sử dụng nhà soạn nhạc nước ngoài cho những ca khúc của nhóm. SM đã thuê rất nhiều nhà sản xuất và nhạc sĩ từ nhiều quốc gia để tạo nên những ca khúc Kpop độc đáo và mới lạ. Một số nhà sản xuất danh tiếng từng hợp tác với SM là Teddy Riley, London Noise, và Divine Music.

Vì là “sản phẩm thử nghiệm” cho chiến lược này của SM nên gout âm nhạc của nhóm thay đổi liên tục. Do đó, có thể một số ca khúc không đáp ứng được kì vọng của các fan “cứng” và fan nội địa, nhưng chính những tác phẩm này đã nâng mức độ ảnh hưởng trên toàn thế giới của SHINee, khiến 5 chàng trai nhà SM trở thành “hình mẫu lý tưởng” về phong cách và độ nổi tiếng trong mắt các hậu bối.

Evil là một trong những ca khúc có sự tham gia của nhiều “phù thủy âm nhạc” ngoại quốc của SHINee

Từ những năm 2000, SM đã bắt đầu để nghệ sĩ của mình bao gồm SHINee, f(x), Girls’ Generation và TVXQ sử dụng các ca khúc nước ngoài nhưng vẫn phải đảm bảo tiêu chí là phù hợp với phong cách của nhóm và mang đặc trưng của dòng nhạc pop Hàn Quốc.

Replay – ca khúc debut của SHINee được sản xuất hoàn toàn bởi các nhạc sĩ nước ngoài đã chứng minh bước đi đúng đắn của SM. Ca khúc này chinh phục các fan nghe nhạc nhờ dòng R&B kết hợp với Pop Dance cực kỳ thời thượng.

Đây là hướng đi ban đầu nhằm đẩy các nghệ sĩ hướng đến thị trường quốc tế. Thông qua việc hợp tác cùng các chuyên gia âm nhạc nước ngoài, SM có thể hiểu rõ hơn các xu hướng hiện tại nhằm định hình âm nhạc của riêng mình theo cách hấp dẫn nhất đối với các fan nghe nhạc nước ngoài.

Tuy sở hữu rất nhiều sản phẩm âm nhạc thành công nhưng không phải SHINee không có những ca khúc không được lòng fan nghe nhạc, điển hình là Married to the Music.

Thành công ngoài sức tưởng tượng của SM khi thử nghiệm mô hình này đã khiến nhiều công ty giải trí tầm trung như Big Hit Entertainment, Jellyfish Entertainment và WM Entertainment cũng bắt đầu áp dụng chiến lược “tây hóa” với các nhóm nhạc thần tượng của riêng họ.

Nhờ phong cách âm nhạc mang hơi hướng nhạc Âu – Mỹ, BTS đã đạt được nhiều thành công và danh tiếng trên khắp thế giới.

Nhóm nhạc nam VIXX thuộc công ty Jellyfish Entertainment được biết đến như những ông vua thay đổi hình tượng của Kpop. Oh My Girl (WM Entertainment) cũng sử dụng hầu hết các tác phẩm từ các nhà soạn nhạc nước ngoài trong các album của nhóm từ khi ra mắt cho đến thời điểm hiện tại.

Oh My Girl…

và VIXX rất chịu khó làm mới mình mỗi đợt trở lại.

Năm 2012, f(x) phát hành ca khúc Electric Shock, gây “bão” tất cả các bảng xếp hạng trong và ngoài nước nhờ giai điệu vừa bắt tai, vừa độc đáo. Ít người biết rằng ca khúc này hoàn toàn được sản xuất bởi các nhà sản xuất nước ngoài. Dù SM vẫn sử dụng bài hát của những nhà soạn nhạc tài năng trong nước như Shin Hyuk, Kenzie, Ryan S. Jhun nhưng các ca khúc của họ thường không được chọn làm ca khúc chủ đề.

Electric Shock của f(x)

Lee Sung Soo – quản lí đội sản xuất nhà SM từng tiết lộ quy trình chọn ca khúc chủ đề của công ty giải trí hàng đầu này. Theo đó, SM sẽ nhận khoảng 100 ca khúc mới mỗi tuần từ các nhạc sĩ trong và ngoài Hàn Quốc. Lee Sung Soo và đội chế tác của anh ấy sẽ xem xét lại từng ca khúc và chấm điểm cho chúng.

Lee Soo Man

Sau khi phân theo thang điểm, họ sẽ trình ca khúc hay nhất lên Lee Soo Man và ông sẽ là người quyết định ca khúc nào sẽ là ca khúc chủ đề. Lee Soo Man lựa chọn cẩn thận những bài hát này và chú ý đến cả những chi tiết như phần này sẽ được biểu diễn như thế nào, lyric sẽ phải thể hiện ra sao,… Những phản hồi của Lee Soo Man kĩ càng từ những tiếng riff của guitar cho đến cách điều chỉnh nhịp thở khi hát. Thông qua các vòng kiểm duyệt gắt gao này, các tác phẩm xuất sắc nhất sẽ được chọn làm ca khúc chủ đề.

Tuy nhiên, việc sử dụng các chuyên gia nước ngoài cũng là một sự liều lĩnh vì không gì có thể đảm bảo thành công của ca khúc do họ sáng tác, bởi nếu ca sĩ không thể diễn đạt được hoàn hảo cái “chất” của bài hát hoặc nếu giai điệu của chúng quá khác lạ so với “khẩu vị” cơ bản của fan Hàn thì thất bại là điều không thể tránh khỏi. Dù có đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng quốc tế nhưng lại kém trên các bảng xếp hạng trong nước thì danh tiếng của idol hoặc nhóm nhạc đó cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

All Night của SNSD tuy đạt thành tích tốt trên các bảng xếp hạng nước ngoài nhưng lại khiến các fan trong nước cực kỳ thất vọng. Ca khúc này được sản xuất bởi 6 nhạc sĩ, trong đó có tới 5 nhạc sĩ nước ngoài.

Theo nguồn tin nội bộ, SM Entertainment hiện đang kí hợp đồng với rất nhiều các chuyên gia âm nhạc nước ngoài nhưng một số ca khúc, đặc biệt là các ca khúc chủ đề gần đây như Power của EXO, Cherry Bomb của NCT 127, lại không bắt tai và đạt nhiều thành công như mong đợi, dẫn đến thất thoát tài chính của công ty trong vài năm trở lại đây là rất lớn. Dù doanh thu cao vì sở hữu nhiều nghệ sĩ “đỉnh” nhưng SM đã “lép vế” hơn hẳn YG và JYP về lợi nhuận ròng, chứng tỏ công ty này đã đầu tư rất nhiều nhưng thu lại không bao nhiêu.

Khác biệt giữa SM với JYP và YG là SM không phụ thuộc phần lớn vào nhà sản xuất nào mà luôn tìm kiếm các nhạc sĩ mới. Trong khi đó, khâu sản xuất và sáng tác của YG lại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Teddy, JYP lại “tự thân vận động” bằng chính những tác phẩm của Park Jin Young.

Các chiến thuật khác nhau của mỗi công ty đã tạo nên các màu sắc riêng biệt, tạo nên thị trường Kpop vừa mang phong cách đặc trưng, vừa hấp dẫn được nhiều đối tượng khán giả nghe nhạc từ khắp nơi trên thế giới.

An An (Theo Koreaboo)

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/am-nhac/dieu-gi-lam-nen-diem-khac-biet-cua-sm-so-voi-hai-doi-thu-yg-va-jyp-1600387.html