Điều gì đã giúp Tổng thống Emmanuel Macron tạo ra bước ngoặt lớn?

Việc đảng Nền Cộng hòa Tiến bước ông Macron nắm trọn trong tay hai nhánh quan trọng nhất của bộ máy quyền lực Pháp quả là một phép màu khó ai có thể tưởng tượng được.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau khi bỏ phiếu bầu Hạ viện Pháp tại Le Touquet, ngày 11/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các cuộc bầu cử trong tháng 5 và tháng 6 năm nay đã định hình một bức tranh chính trị hoàn toàn mới cho nước Pháp. Sau Tướng Charles De Gaulle, Tổng thống Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên trong nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp tập trung được quyền lực lớn trong tay đến vậy.

Việc đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) của tổng thống Emmanuel Macron, một đảng mới thành lập hơn một năm đã thu được kết quả vang dội trong lần ra quân đầu tiên, nắm trọn trong tay hai nhánh quan trọng nhất của bộ máy quyền lực Pháp, quả là một phép màu khó ai có thể tưởng tượng cách đây chỉ vài tháng. Sau cuộc bầu cử tổng thống, rất nhiều người đặt câu hỏi liệu phong trào chính trị của nhà lãnh đạo trẻ tuổi có thể tìm kiếm đủ ứng cử viên tham gia cuộc tổng tuyển cử hay không. Thế rồi không chỉ thu hút đủ nhân sự, họ còn tuân thủ gần như hoàn toàn các tiêu chí rất khắt khe mà LREM tự đặt ra để đáp ứng sự mong đợi của cử tri.

Trong số 526 ứng cử viên được đưa ra để bảo vệ cho cương lĩnh chính trị của Tổng thống Macron, có 266 phụ nữ, chiếm hơn một nửa; có 271 người chưa từng là đại biểu dân cử; hơn một phần ba ở độ tuổi dưới 40. Nói cách khác, phần lớn ứng cử viên của LREM là những gương mặt mới trên chính trường và ông Emmanuel Macron đã bước đầu thực hiện được sứ mạng đổi mới diện mạo nền chính trị Pháp.

[“Phép thử” quan trọng đầu tiên đối với ông Emmanuel Macron]

Đội ngũ mới mẻ đó đã tạo ra một con sóng lớn, đúng hơn là một cuộc "đại hồng thủy," cuốn phăng tất cả các đối thủ để về đích. Lần lượt những thành trì của các đảng chính trị lớn sụp đổ. Miền Bắc nước Pháp, nơi đảng Xã hội hùng cứ suốt bao nhiêu năm, nay không giữ được ghế nghị sỹ nào. Miền Nam trù phú, thánh địa của cánh hữu cũng gần như "sạch bóng" các nghị sỹ của cả đảng Xã hội và Cộng hòa. Qua 2 vòng bầu cử, LREM và đảng liên minh giành tới 351 ghế trên tổng số 577 ghế hạ viện, vượt xa đa số tuyệt đối (289 ghế). Đảng Xã hội chịu thất bại cay đắng nhất trong lịch sử, mất hơn 250 ghế, chỉ còn 29 ghế. Bên phía cánh hữu, đảng Những người Cộng hòa và liên minh cũng chịu chung số phận, từ chỗ nắm hơn 200 ghế nghị sĩ nay chỉ còn 131 ghế.

Khó có thể lý giải nguyên nhân chính của sự thay đổi lớn lao này trong nền chính trị Pháp, ngoài xung lực tạo ra là dư chấn của cuộc bầu cử tổng thống kéo dài tới nay. Từ khi Tướng De Gaulle thành lập nền Cộng hòa thứ Năm năm 1958, người dân Pháp có xu hướng trao cho tổng thống thế đa số trong hạ viện để lãnh đạo đất nước. Do đó, các đảng cầm quyền thường giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện diễn ra ngay sau bầu cử tổng thống. Nhưng chiến thắng vang dội của ông Emmanuel Macron là một ngoại lệ vì quy mô và thế áp đảo của đảng cầm quyền, nhất là với một đảng non trẻ như LREM.

Chính chương trình tranh cử, tác phong và những cam kết đã được cụ thể hóa trong hơn một tháng cầm quyền của ông Macron đã thuyết phục được cử tri. Tổng thống Emmanuel Macron đã thành lập một chính phủ tập hợp các gương mặt của cả cánh tả và cánh hữu, với đội ngũ ứng cử viên tranh cử đúng như cam kết. Người dân Pháp bắt đầu tin tưởng ở vị Tổng thống trẻ Macron và trao trọn vẹn các đòn bẩy quyền lực cần thiết vào tay ông.

Nhiều nhà phân tích gọi đó là “hiệu ứng Macron." Lợi thế lớn nhất của nhà lãnh đạo mới là tập trung quyền lực gần như tuyệt đối trong nội bộ đảng LREM. Ngoài việc đánh bại các đảng lớn, LREM còn tạo ra một thắng lợi hết sức ngoạn mục, đó là đập tan đà đi lên của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, đẩy đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) vào thế "diều đứt dây", thậm chí có nguy cơ phân rã sau thất bại liên tiếp gần đây. Mặc dù thủ lĩnh cực hữu, bà Marine Le Pen, đã lần đầu tiên đắc cử nghị sỹ, song FN đã tiêu tan hy vọng tạo ra đột phá và thành lập một nhóm nghị sỹ tại Hạ viện.

Nếu nhìn vào bàn cờ chính trị nước Anh hậu Brexit mới thấy được mức độ quan trọng đóng góp của tân tổng thống Macron cho sự ổn định của nước Pháp và cho Liên minh châu Âu (EU). Về mặt đối ngoại, việc Tổng thống Macron khẳng định quyền lực đã giúp tăng mạnh vị thế của nước Pháp ở châu Âu và trên thế giới. Trong mắt các đối tác, từ nay ông Macron đã chính thức trở thành một nhà lãnh đạo tin cậy, đủ sức cùng với các đối tác chủ chốt trong EU, nhất là nước Đức, thực hiện một chương trình đầy tham vọng thúc đẩy hội nhập châu Âu.

Tuy nhiên, nếu xét các con số thống kê mới thấy kết quả này không chỉ có một chiều thuận lợi cho đảng cầm quyền. Tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu quá cao, tới hơn 51%. Trong vòng một, đảng LREM chỉ nhận được 6,4 triệu phiếu, chiếm 15,4% tổng số cử tri đăng ký và chưa bằng một phần mười dân số Pháp, thấp hơn mức mà các đảng cầm quyền thu được trong 2 kỳ bầu cử hạ viện năm 2012 và 2007. Phần lớn cử tri bỏ phiếu cho đảng LREM là những người có thu nhập cao, tỷ lệ tầng lớp bình dân khá thấp, chỉ khoảng 17%. Liên minh LREM và đảng trung hữu Modem có số phiếu chưa bằng ba đảng Xã hội, Nước Pháp bất khuất và FN cộng lại, nhưng đảng cầm quyền lại giành được số ghế gấp gần 10 lần của ba đảng này. Thực tế đó vừa bộc lộ bất cập của hệ thống bầu cử Pháp, vừa làm giảm tính chính danh của đảng cầm quyền. Nó cho thấy việc giành số ghế áp đảo trong hạ viện không hoàn toàn đồng nghĩa với việc cử tri tán thành chương trình nghị sự của chính phủ.

Đây rõ ràng là thách thức cho Tổng thống Macron và Chính phủ Pháp do tham vọng cải tổ mà ông đặt ra rất lớn. Trước mắt, chính quyền mới có ít nhất 8 dự luật đang chờ xem xét, trong đó có luật lao động mới và luật chống khủng bố, hai chủ đề quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống Macron. Ông muốn tạo điều kiện cho giới chủ Pháp dễ dàng sa thải nhân công hơn, từ đó mạnh dạn tuyển dụng hơn, đồng thời tiếp tục thắt chặt các biện pháp an ninh, thu hẹp một số quyền tự do để đối phó với nguy cơ khủng bố. Đây là hai vấn đề gai góc nhất đụng chạm đến quyền lợi sát sườn của người Pháp. Thiếu vắng tiếng nói đại diện trong quốc hội mới, các đảng đối lập có thể viện đến một đối trọng khác có sức mạnh không nhỏ, như phản kháng thông qua đường phố. Các chính quyền tiền nhiệm ở Pháp đã thấm thía điều này khi từng phải "chùn bước" trước những cuộc biểu tình, đình công lớn kéo dài làm tê liệt xã hội.

Tín nhiệm của cử tri dành cho LREM càng cao thì trách nhiệm của đảng càng nặng. Theo kết quả thăm do dư luận mới nhất, khoảng 62% người Pháp hài lòng với hành động của ông Macron, một mức khá cao so với các chính quyền tiền nhiệm. Sự ủng hộ của cử tri sẽ còn tiếp tục nếu ông Macron giải tỏa được những trở ngại cản bước đi lên của nước Pháp mấy chục năm qua. Nếu không, nền tảng chính trị của LREM sẽ nhanh chóng tan vỡ vì thiếu một nền tảng vững chắc ở cấp cơ sở như của cánh tả hay cánh hữu Pháp.

Ở nước Pháp luôn tồn tại một nghịch lý: trong khi cử tri muốn cải tổ và sẵn sàng trao cho tổng thống quyền lực để cải tổ, họ luôn phản đối khi cải tổ thành hình. Tổng thống Emmanuel Macron và đảng Nền cộng hòa tiến bước chắc chắc không phải là ngoại lệ. Thời gian từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn quyết định đối với thành công hay thất bại của nhà lãnh đạo trẻ này./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dieu-gi-da-giup-tong-thong-emmanuel-macron-tao-ra-buoc-ngoat-lon/452103.vnp