Điêu đứng vì nhà máy xả thải trực tiếp

TP - Mùi hôi thối nồng nặc, nước sông đổi thành màu đen, tôm cá chết và cuộc sống người dân bị đảo lộn, khổ sở… là thực trạng đang diễn ra quanh những khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Phóng viên báo Tiền Phong đứng trước ống xả thải đen ngòm, hôi tanh của Cty CP Vietnamfood tại KCN Hòa Trung.

Xả thải thẳng ra sông

Dọc mé kinh xáng Lương Thế Trân, bờ kinh xáng Đội Cường quanh KCN Hòa Trung (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), nước đổi màu đen ngòm, dòng nước chảy chia hai màu. Phía bên KCN Hòa Trung hiện có hơn 10 doanh nghiệp chế biến thủy sản, dùng ống nhựa chui xuyên qua đường, xả xuống dòng kinh xáng.

Từ đây, nước thải từ kinh xáng Lương Thế Trân hòa lẫn với nước nhiều con sông, rạch xuyên qua địa phận thành phố Cà Mau, huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Trần Văn Thời. Ông Lê Văn Việt, 56 tuổi (ấp Hòa Trung) nói: “Bà con ở đây nuôi tôm và chài lưới trên sông mỗi ngày một nghèo đi vì tôm cá chết do nước ô nhiễm”.

Ông Nguyễn Văn Vũ, ở ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân (Cái Nước) nói: “Hàng chục năm nay, trẻ em không dám tắm sông nữa, tanh rình, hôi thối. Cán bộ môi trường năm lần bảy lượt nhận đơn khiếu kiện, vài người vô lấy mẫu nước đem về nhưng không công khai kết quả cho dân biết”.

Ông Mai Văn Lương, ở khóm 10, thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời) nói: “Khoảng 10 ngày trước đây, cá dưới sông Rạch Ruộng, Sông Đốc chết trắng. Vợ tôi không hay, lấy nước vào vuông tôm khiến tôm chết sạch. Cán bộ môi trường tỉnh Cà Mau xuống, cán bộ thị trấn Sông Đốc kéo đến, lấy mẫu nước, nhưng không cho bà con biết vì sao tôm cá chết”.

Mấy năm trước đây, Nhà máy Đường Thới Bình xả thải làm cá chết, cán bộ UBND huyện Thới Bình báo cáo đúng sự thật nhưng họ bị kỷ luật. Rồi Nhà máy Đạm Cà Mau rò rỉ amoninac làm cá sông Cái Tàu, Sông Trẹm đoạn chảy qua ngã ba Cái Tàu, xã Khánh An (U Minh) làm cá chết trắng.

Các KCN, CCN tại Cà Mau đều không có hệ thống xử lý môi trường chung. Các doanh nghiệp tự đầu tư sản xuất, thuê lập báo cáo tác động môi trường, xây hệ thống xử lý. Ông Ngô Chí Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Cà Mau cho phóng viên báo Tiền Phong biết, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn Cà Mau nói chung và KCN Hòa Trung, CCN Sông Đốc đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hệ thống xử lý nước thải. Nhưng khi được hỏi, liệu các doanh nghiệp có vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường hay không hoặc cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ thì ông Chi cục trưởng không thể khẳng định được.

Bỏ của chạy lấy người

Ngang qua KCN Hòa Trung, người đi đường thường phải một tay bịt mũi, tay còn lại giữ chặt tay lái và rồ ga phóng cho thật nhanh để khỏi ngạt thở vì mùi hôi thối bốc lên từ các nhà máy chế biến đầu tôm, cá. Bà Hồng Cẩm, một thợ may nhà ở đối diện Cty CP Vietnamfood, thường xuyên phải bịt khẩu trang kín mít, kể: “Mấy năm trước, cháu của tôi, mới 3 tuổi, hít phải khí thải, bị sặc phải cấp cứu, thở ô-xy mấy ngày. Gia đình điện báo cho UBND xã Lương Thế Trân nhưng không giải quyết được gì”.

Tại thời điểm phóng viên có mặt, khí thải từ Cty CP Vietnamfood đang bốc lên mù mịt cả góc trời. Ông Trần Công Minh, cùng ở ấp Hòa Trung, nói: “Khi họ dùng a-xít phân hủy đầu vỏ tôm, khói a-xít bay là đà, trùm cả khu dân cư, mùi hôi thối không thể chịu được”. Ông Minh cũng cho biết vợ chồng ông có 7 người thì có đến 4 người viêm mũi mãn tính, phải tìm đường làm ăn xa.

Vì bệnh tật, và không chịu được mùi hôi thối từ KCN Hòa Trung, bà Nguyễn Thị Sơn, 79 tuổi (ấp Hòa Trung) phải bỏ nhà sang nhà con trai ở. “Chồng tôi qua đời, còn tôi ráng ở lại chịu đựng cảnh này hơn chục năm, chờ giải tỏa nhưng không chịu nổi mùi hôi thối”- bà Sơn kể.

Quanh năm hít thở mùi hôi thối từ Cty CP Quốc tế JBICHEM Cà Mau chuyên chế biến đầu vỏ tôm, bà Lâm Thị Khéo (60 tuổi) nói với giọng buồn rầu: “Em tôi bán một phần đất cho doanh nghiệp xây dựng xí nghiệp chế biến tôm xuất khẩu. Cứ tưởng, Cty xây lên sẽ tìm được việc làm cho con cháu, ai dè, họ xây dựng xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm, hôi thối cả xóm. Bà con trách móc em tôi ham tiền, để bà con phải chịu hôi thối”.

CCN Sông Đốc (Trần Văn Thời) nằm ở cửa biển, có hàng chục xí nghiệp chế biến bột cá, đầu vỏ tôm, chả cá… bốc mùi hôi thối quanh năm. Ông Ninh Xuân Điều, ở khóm 10, thị trấn Sông Đốc nói: “Những ống xả thải khí của các nhà máy lan trong không khí, mùi hôi rất đặc trưng. Rồi tro bụi lò đốt, nước thải, mùi tanh hôi… khó chịu vô cùng”.

Chính quyền bất lực (?)

Báo cáo của Sở TN- MT ngày 26/7/2016 cho biết, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có 15 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong đó, có 7 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để, còn 8 cơ sở chưa hoàn thành xử lý triệt để, đặc biệt có 2 cơ sở chưa chấp hành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là Cty chế biến xuất nhập khẩu Phú Cường, phường 6 (thành phố Cà Mau), Cty TNHH MTV thủy sản Tư Thao, ở Sông Đốc (Trần Văn Thời).

Ông Trần Quốc Văn-Chủ tịch UBND xã Lương Thế Trân cho biết, khí thải từ các xí nghiệp xử lý đầu vỏ tôm, khí a- xít giăng mờ đường, mùi rất khó chịu khiến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị đảo lộn nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Ông Văn nói: “Khi bà con tố cáo xí nghiệp xả mùi hôi thối, xả nước bẩn ra môi trường. Anh em tổ môi trường của huyện đến kiểm tra, lập biên bản, rồi… quay về không làm gì được vì thẩm quyền xử phạt vi phạm xả thải ra môi trường thuộc Sở TN-MT Cà Mau. Đấy là chưa kể, anh em muốn vào xí nghiệp thì phải xin phép, thích thì họ cho vô, không thì thôi”.

Vì không chịu nổi hôi thối, ô nhiễm môi trường nước, trong khi các cơ quan chức năng chậm chạp xử lý, tại một số nơi người dân đã mang cuốc thuổng, gậy gộc đập phá một số nhà máy, xí nghiệp như Nhà máy chế biến đầu vỏ tôm Kim Hồng (xã Lương Thế Trân, Cái Nước), Xí nghiệp chế biến đầu vỏ tôm Hưng Nguyên (xã Hàm Rồng, Năm Căn).

Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Ô nhiễm môi trường nước mặt, ô nhiễm không khí, mùi hôi thối các KCN, CCN chế biến thủy sản rất nghiêm trọng. Chúng tôi chỉ đạo Cảnh sát môi trường kiểm tra, xử phạt để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường chủ doanh nghiệp, bảo vệ môi trường”.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/dieu-dung-vi-nha-may-xa-thai-truc-tiep-1038566.tpo