Điều chuyển luồng tuyến vì lợi ích chung

Điều chuyển luồng tuyến đương nhiên đụng chạm quyền lợi của doanh nghiệp (DN).

Nhu cầu của người dân từ các tỉnh về Bến xe Mỹ Đình rất lớn. Ảnh: Ngô Vinh

Tuy nhiên, đây là việc phải làm để lập lại trật tự vận tải, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Điều chuyển luồng tuyến vì lợi ích chung

Chia sẻ với Báo Giao thông về chủ trương điều chuyển luồng tuyến , ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội rất hoan nghênh quyết tâm của TP Hà Nội. “HTX Thăng Long của chúng tôi hiện cũng có xe đang hoạt động tại cả Bến xe Mỹ Đình và Nước Ngầm. Nhưng nếu thành phố điều chuyển theo quy hoạch các phương tiện về Bến xe Nước Ngầm chúng tôi sẵn sàng chấp hành”, ông Liên nói và bày tỏ mong muốn các DN vận tải khác cũng đồng thuận với chủ trương của Hà Nội. “DN phải đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích cục bộ của mình mới tạo được sự đồng thuận của xã hội”, ông Liên bày tỏ.

Hiện vẫn còn một số ý kiến chưa đồng thuận với việc sắp xếp , điều chuyển mà viện lý do để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân. “Đó chỉ là số ít, họ không vì lợi ích chung”, ông Liên nói và cho rằng, để tạo thuận lợi cho người dân sau khi điều chuyển, sắp xếp các phương tiện từ bến này sang bến khác, TP cần quan tâm đến việc kết nối bằng các phương tiện giao thông công cộng, nhất là khu vực nội đô để bảo đảm thuận tiện cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, đây là vấn đề đã được xới lên từ nhiều năm, nhưng Hà Nội chưa thực hiện được. “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương sắp xếp lại luồng tuyến của UBND TP Hà Nội”, ông Thanh thẳng thắn nói và cho rằng, nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội vận tải các tỉnh bức xúc trước việc nhu cầu của người dân về khu vực Mỹ Đình tăng cao nhưng Hà Nội không cấp thêm nốt vào Bến xe Mỹ Đình . Trong khi bến xe này lại có rất nhiều xe từ các tỉnh từ phía Nam Hà Nội đi xuyên tâm về. Thực tế, những nhà xe này hoàn toàn có thể vào các bến xe đã được bố trí ở hướng đó như Bến xe Nước Ngầm.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy thẳng thắn: “Hà Nội có nhiều xe dù, bến cóc là do lợi ích nhóm. Trường hợp phát hiện xe dù, bến cóc mà lực lượng chức năng kiên quyết phạt nặng, bến cóc, xe dù sẽ không có đất sống. Vì vậy, nếu để tồn tại lợi ích nhóm sẽ vô hiệu hóa tất cả phương án sắp xếp luồng tuyến dù hợp lý nhất”.

Cũng theo TS. Thủy, quy hoạch bến xe đều có nguyên tắc của nó, làm sao vừa tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, vừa hạn chế thấp nhất việc xe đi vào đô thị. Hà Nội cần có quy hoạch các bến xe dài hơn, tầm 20-30 năm để tính toán khoa học luồng tuyến hợp lý nhất, từ đó mới giảm được ùn tắc giao thông.

Điều chỉnh quy hoạch phải chống được ùn tắc

Tháng 5/2016, Sở GTVT Hà Nội có Văn bản 583 báo cáo Bộ GTVT về đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng năm 2030. Trong đó, Hà Nội đề cập đến việc sẽ chuyển một số tuyến vận tải Hà Nội đi các tỉnh từ Bến xe Mỹ Đình về bến Nước Ngầm như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk,...

Hồi đáp lại việc này, Bộ GTVT cho rằng, các tuyến do Sở GTVT Hà Nội đề xuất điều chỉnh đã có trong danh mục tuyến vận tải hành khách liên tỉnh tại các phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 135 ngày 15/1/2016, Quyết định số 2288 ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo các văn bản này, các tuyến phía Nam đi theo hướng QL1, đường Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát.

Bến xe nào cũng muốn có nhiều doanh nghiệp đăng ký vào khai thác. Tuy nhiên, khi TP có chủ trương sắp xếp luồng tuyến, điều chuyển phương tiện sang bến khác để bảo đảm khoa học, hợp lý, chúng tôi sẵn sàng chấp hành.

Ông Nguyễn Quốc Uy,Giám đốc Bến xe Mỹ Đình

Sau khi nhận được báo cáo trên của Sở GTVT Hà Nội, Bộ GTVT cũng lấy ý kiến của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Sở GTVT tại các địa bàn nói trên. Kết quả là Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đồng thuận đề xuất việc đề nghị điều chuyển của Sở GTVT Hà Nội. Tuy nhiên, đa phần các Sở GTVT nêu trên đề nghị giữ nguyên số lượng xe và các tuyến đang hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình (không điều chuyển) chỉ thực hiện bố trí những tuyến mới bổ sung về Bến xe Nước Ngầm, Yên Nghĩa; mở rộng Bến xe Mỹ Đình đạt công suất theo quy hoạch.

Theo Bộ GTVT, để có cơ sở xem xét điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND TP Hà Nội cần có ý kiến chính thức đối với việc tổ chức giao thông, tổ chức vận tải và điều chuyển các tuyến do Sở GTVT Hà Nội đề xuất để Bộ GTVT xem xét điều chỉnh theo quy định.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, quan điểm của Tổng cục Đường bộ VN là ủng hộ việc sắp xếp, điều chuyển một cách khoa học, hợp lý để chống ùn tắc giao thông và đảm bảo ATGT. “Tuy nhiên, hiện Hà Nội vẫn đang trong quá trình xây dựng phương án sắp xếp và điều chuyển phương tiện cụ thể nên chỉ khi Hà Nội có phương án chính thức, báo cáo Bộ GTVT và tổng cục, chúng tôi mới có ý kiến”, bà Hiền bày tỏ.

Nhóm PV

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/dieu-chuyen-luong-tuyen-vi-loi-ich-chung-d160046.html