Điều chỉnh cả hoạt động ở vùng nước không phải là đường thủy nội địa

QĐND Online – Chiều 12-11, Chính phủ đã trình trước Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ). Trong tổng số 103 điều của Luật GTĐTNĐ năm 2004, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều. Trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều ở các Chương I, II, III, IV, VII, VIII và bổ sung 1 Chương (Chương VIIa) với 3 điều.

Dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật GTĐTNĐ năm 2004 theo hướng áp dụng một số quy định có liên quan của Luật đối với cả hoạt động GTĐTNĐ diễn ra ở vùng nước không phải là đường thủy nội địa. Cụ thể bổ sung Khoản 2, Điều 1 quy định: “Các quy định tại Luật này về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; tai nạn GTĐTNĐ; cứu nạn, cứu hộ đường thủy nội địa và vận tải đường thủy nội địa cũng được áp dụng đối với hoạt động giao thông trên vùng nước từ mép luồng đến mép bờ tự nhiên và trên sông, kênh, rạch, hồ, đầm, phá không phải là đường thủy nội địa”.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa mở rộng phạm vi điều chỉnh. Ảnh: http://m.vovgt.radiovietnam.vn

Quy định này được bổ sung vì Luật GTĐTNĐ năm 2004 chỉ điều chỉnh đối với hoạt động GTĐTNĐ trong phạm vi “luồng” (vùng nước được giới hạn bằng hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa để phương tiện đi lại thông suốt, an toàn). Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động GTĐTNĐ (như đi lại, quay trở, neo đậu phương tiện…) không chỉ diễn ra trên luồng, đặc biệt là phương tiện nhỏ hoạt động diễn ra khá phổ biển ở ngoài phạm vi luồng, như: Khi đi trên sông rộng hoặc vào mùa lũ, phương tiện đều đi ra ngoài luồng phía giáp bờ để tránh sóng, gió… Như vậy, thực tế hiện nay, hoạt động giao thông vẫn diễn ra ở vùng nước này nhưng Luật GTĐTNĐ năm 2004 chưa quy định.

Mặt khác, theo quy định của Luật GTĐTNĐ năm 2004, đường thủy nội địa là luồng trên sông, kênh rạch, hồ, đầm, phá, vụng, vịnh được tổ chức, quản lý. Thực tế hiện nay, cả nước có hơn 80.577 km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000 km (chiếm tỷ lệ 45% số km có hoạt động giao thông đường thủy) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương. Trong khi đó, trên các sông, kênh chưa được tổ chức quản lý, hoạt động GTĐTNĐ của nhân dân vẫn diễn ra mà không chịu sự điều chỉnh của Luật GTĐTNĐ năm 2004.

Vì vậy, khi có tai nạn liên quan đến phương tiện thủy nội địa xảy ra ở ngoài phạm vi luồng (đối với các sông, kênh, rạch được tổ chức quản lý) và trên các sông, kênh, rạch chưa được tổ chức, quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc xử lý, giải quyết vụ việc.

Cùng với đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm khi làm việc trên phương tiện mà máu có nồng độ cồn hoặc khí thở vượt quá quy định theo hướng giảm chỉ số nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về “Đăng kiểm phương tiện”. Trong đó bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy chuẩn kỹ thuật cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở trên, góp phần nâng cao chất lượng của phương tiện.

Điều 32, 33, 34 sửa đổi theo hướng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an theo phạm vi quản lý nhà nước về đường thủy nội địa của Bộ mình, quy định điều kiện dự thi nâng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng; đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng, máy trưởng.

Vì vận tải đa phương thức là loại hình vận tải tiên tiến, liên kết nhiều hình thức vận tải khác nhau, trong đó, có một phương thức là vận tải đường thủy nội địa, dự thảo đã bổ sung quy định về “Vận tải đa phương thức”. Trong đó nêu rõ khái niệm về vận tải đa phương thức và giao Chính phủ quy định chi tiết về vận tải đa phương thức để phù hợp với tình hình thực tiễn, tương tự như Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung “Nội dung quản lý nhà nước về GTĐTNĐ” làm cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và quy hoạch, đầu tư phát triển giao thông vận tải, tương tự Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

XUÂN DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/98/98/272580/Default.aspx