"Điều 159 trong Bộ luật hình sự là khá rộng"

(Nguoiduatin.vn) - Việc ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố về tội Kinh doanh trái phép theo điều 159 của bộ Luật hình sự được dư luận đặc biệt quan tâm.

Việc lượng hình các vụ án cụ thể phải do tòa án quyết định, tuy nhiên trên phương diện diện bình luận về pháp luật nói chung, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh thì các quy định tại điều luật này khá mở và phải có nhiều hành vi vi phạm mới bị xử lý hình sự. Luật sư Truyền lý giải:

Trong thực tiễn áp dụng và thực thi pháp luật tại Việt Nam, thì hành vi kinh doanh trái phép được hiểu là hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật có quy định phải có giấy phép.

Cụ thể như sau: Kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, được hiểu là hành vi tiến hành hoạt động kinh doanh (như mở cửa hàng, cửa hiệu, địa điểm kinh doanh) nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh, được hiểu là hành vi của doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhưng lại kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký kinh doanh (ví dụ: Như đăng ký kinh doanh ngành nghề tư vấn, không bao gồm tư vấn pháp luật, tuy nhiên vẫn ký các hợp đồng tư vấn pháp lý); Kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép, được hiểu là hành vi kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật quy định phải có giấy phép riêng (như kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh, kinh doanh du lịch, hoạt động tài chính, tín dụng) nhưng không có giấy phép đó.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp thỏa mãn các điều kiện sau: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh trái phép hoặc đã bị kết án về tội này (tội kinh doanh trái phép) hoặc một trong các tội quy định tại các điều: Điều 153 (Tội buôn lậu); Điều 154 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 155 (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm); Điều 156 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 157 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 158 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 160 (Tội đầu cơ); Điều 161 (Tội trốn thuế) Điều 164 (Tội làm tem giả, vé giả; tội buôn bán tem giả, vé giả; Điều 193. Tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 194 (Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy); Điều 195 (Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 196 (Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy); Điều 230 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự); Điều 232 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ); Điều 233 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ); Điều 236 (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ); Điều 238. (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc).

Đồng thời sau khi bị kết án về các tội nêu trên nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (tức lại có hành vi kinh doanh trái phép) thì mới chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Cụ thể về giá trị, nếu không thuộc trường hợp nêu trên thì hàng phạm pháp phải có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Bên cạnh đó, người phạm tội phải thực hiện tội này với lỗi cố ý và có năng lực trách nhiệm hình sự.

ở đây chúng ta không nên hiểu rằng chỉ những hành vi quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 159 mới bị xử phạt về tội Kinh doanh trái phép để đưa ra một giới hạn cứng đối với điều luật này.

Theo tôi, quy định tại Điều 159 là khá rộng và mở, tức là chỉ cần có hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép và thỏa mãn một trong các quy định tại khoản 1 và khoản 2 của điều luật này, đồng thời đáp ứng đủ các yếu tố về mặt chủ thể, khách thể và chủ quan của tội phạm thì đã cấu thành tội phạm đối với tội này.

Điều 159-Tội kinh doanh trái phép

1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:

a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;

c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

d) Thu lợi bất chính lớn.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Trung Đông Phương (ghi)

Nguồn ĐS&PL: http://nguoiduatin.vn/dieu-159-trong-bo-luat-hinh-su-la-kha-rong-a53515.html