Diệt 'cò' khó thế!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xử lý tình trạng cò đặc sản lộng hành ở TP Đà Lạt - một vấn đề bức xúc dư luận mà Báo Người Lao Động ngày 6-6 thông tin.

Hoạt động mua bán trong lĩnh vực nào của đời sống cũng đều sẽ tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn cho cả kẻ bán, người mua khi có sự tham gia của những trung gian cần thiết. Không thể đòi hỏi nông dân, ngư dân, bác sĩ, thậm chí là các ngôi sao ca nhạc và thể thao… vừa nỗ lực làm việc, cống hiến vừa phải giỏi giang trong việc tiếp thị, đưa sản phẩm đến các đối tượng có nhu cầu thụ hưởng. Người sản xuất, nhà kinh doanh càng ngày càng cần đến sự chuyên nghiệp hóa. Vì chỉ khi có sự chuyên nghiệp hóa thì người tiêu dùng (đối tượng thụ hưởng) mới dễ dàng tiếp cận những sản phẩm vừa chất lượng vừa có giá hợp lý.

Trong một chuỗi cung cầu hợp lý sẽ không chỉ có kẻ bán, người mua mà còn cần cả vai trò của sự trung gian. Nhưng đấy là sự trung gian lành mạnh. Muốn thế, hoạt động trung gian cũng cần chuyên nghiệp hóa.

Trong thực tế ở nước ta, hoạt động trung gian thiếu chuyên nghiệp đang biến tướng, lộng hành trên nhiều mặt của đời sống, tạo ra rất nhiều loại "cò". Đấy không chỉ đơn thuần là việc mua bán đặc sản ở TP hoa Đà Lạt mà còn trong vô vàn hoạt động khác, thậm chí cả trong những lĩnh vực tưởng chừng không thể đem ra để mua bán như "đường quan lộ" mà vụ việc liên quan đến các "quan" thanh tra giao thông TP Cần Thơ là một đơn cử. Những loại "cò" này không giúp kẻ bán cũng chẳng làm lợi người mua mà ngược lại "ăn chặn" của người bán, "bóp hầu bao" người mua. Chúng sống khỏe trên mồ hôi nước mắt của người lao động chân chính nhưng gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Qua những nỗ lực của ngành y tế trong việc dẹp nạn "cò" ở các bệnh viện hay của ngành giáo dục trong việc chạy trường chạy lớp, có thể nhận thấy ở đâu có sự quyết tâm tuyên chiến nói không với tiêu cực, ở đâu có sự rõ ràng minh bạch thì "cò" cũng dần hết đất sống. Trong mua bán nông thủy sản nói chung hay đặc sản Đà Lạt nói riêng cũng vậy, tình trạng này sẽ chấm dứt nếu địa phương có những chỉ dẫn rõ ràng cùng với việc chủ động tạo ra một đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có đủ tầm kết nối cung - cầu.

Thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Lâm Đồng đặc sản có một không hai là TP Đà Lạt xanh. Nhưng Đà Lạt đang mất dần cảm tình với du khách vì "cò" đặc sản. Nhưng điều này chỉ có thể hóa giải được bằng chính nỗ lực của người Đà Lạt chứ không thể trông chờ vào ngoại lực nào khác. Người yêu mến Đà Lạt một cách tử tế hẳn phải buồn lòng khi một việc như thế mà đến mức cần Thủ tướng Chính phủ phải ra tay?

Lâm Đồng từng tuyên chiến và đã khá thành công trong việc dẹp nạn "cò" du khách, "cò" nhà nghỉ mà mấu chốt của sự thành công chính là nhờ ở nỗ lực của chính quyền các cấp, của ngành du lịch Lâm Đồng. Cách làm đó cần vận dụng vào trong cuộc chiến với "cò" đặc sản.

Không lẽ diệt "cò" đặc sản mà khó đến thế!

Lương Duy Cường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/diet-co-kho-the-20170626225454325.htm